Tại sao đàn ông lại "được" ví như... con lợn?
Được moi ra từ một bài viết cũ của nhà văn Trang Hạ, câu” Đàn ông về nhà chỉ ăn, tắm, ngủ khác gì con lợn” đang khiến cộng đồng mạng dậy sóng.
Người tán thành, kẻ phản bác hoàn toàn ý kiến của Trang Hạ cũng có, mà người tán thành một nửa, phản bác một nửa, cũng có. Có cả những nhà thơ trẻ, nhà văn trẻ đăng đàn, tự nhận mình là con lợn để trò chuyện với nhà văn Trang Hạ với một câu kết khiến nhiều anh chàng vỗ tay rào rào: "Nay cả khi là con lợn tôi cũng không có diễm phúc và không bao giờ chấp nhận làm con lợn của cô”.
Mà tôi thấy thật lạ là… chuyện việc nhà ấy, cần phải chia sẻ giữa vợ và chồng, có gì mới đâu nhỉ. Bàn hoài, bàn mãi, bàn nát nước cả ra rồi. Cả sáng nay, phòng tôi cũng bàn tán về chuyện ấy. Các anh đàn ông trong phòng lập tức bị phỏng vấn, hay là tra khảo thì đúng hơn: Các ông có làm việc nhà hay không? Sao các ông bực tức thế với ý kiến của chị Trang Hạ. Đa phần ông nào cũng bảo: Có chứ, có thằng đàn ông nào bây giờ có chút hiểu biết, học thức mà không biết là phải giúp vợ chút việc nhà. Ba cái chuyện rửa bát, quét nhà, nấu ăn đó là chuyện nhỏ, đàn ông làm mấy việc đó… dễ ợt.
Mấy ông hay nịnh vợ thì bảo: giúp vợ, chia sẻ với vợ là hạnh phúc. Mấy chàng nghiêm túc thì nhận xét: hạnh phúc là của chung, trách nhiệm cũng là của chung. Còn mấy ông hay triết lý dài dòng, cũng dài dòng hơn một chút: vấn đề ở đây là sự phân công lao động như thế nào cho hợp lý thôi. Em thấy đấy, có những tháng anh nhận thêm công việc mang về làm, để có thêm khoản tiền cho cả gia đình đi nghỉ mát Phú Quốc thì về đến nhà ăn cơm xong là anh chui vào phòng đánh vật với hồ sơ, giấy tờ, máy tính. Lúc đó chẳng những vợ anh không bắt anh rửa chén, quét nhà mà còn rón rén pha cà phê, gọt trái cây để trên bàn làm việc cho anh….
Quay sang các chị, tôi thấy các chị cũng chẳng có mấy ai không đồng tình với ý kiến chị Trang Hạ. Bà nào cũng thích chồng mình làm việc nhà giúp mình khi rảnh rỗi. Cũng thích chồng thỉnh thoảng rửa bát quét nhà cho mình. Nhưng cũng chẳng buồn gì nếu chồng ráng sức kiếm ra tiền thật nhiều, mang về cho mình mua máy rửa chén hay thuê osin rửa chén. Thế nhưng bên cạnh những ý kiến đồng tình với chuyện chồng phải tự nhiên có nghĩa vụ giúp vợ việc nhà, cũng có chị bảo: Chồng là con lợn hay không còn do vợ.
Chị kể: Ở nhà em má em cực kỳ… cổ lỗ sĩ. Bà cho rằng đàn ông mà làm việc nhà thì dần dần sẽ có tính đàn bà. Bà không thích đàn ông rửa chén, quét nhà. Ngày xưa, lúc nuôi tụi em một mình ở nơi sơ tán, ba em làm hết được mọi việc, từ nuôi tụi em tới dọn dẹp, nấu nướng… Hết chiến tranh phá hoại, ba đưa tụi em về thành phố là mẹ em làm hết. Ở trong khu tập thể, bà sợ bị mọi người chê là không đảm đang, để chồng phải làm việc nhà. Từ đó bà làm hư ba em luôn. Ông quên hết mọi kỹ năng, chẳng biết tự phục vụ mình nữa. Em trai em đi học xa, rồi lấy vợ. Vợ chồng sống riêng nên nó chăm sóc vợ, phụ làm việc nhà. Mẹ em vì thế vô cùng ghét con dâu. Mà thế hệ của má em, em thấy nhiều người có tư tưởng như thế lắm, cho là đàn ông chỉ nên làm việc lớn. May mà em tiến bộ hơn má, em lấy chồng về là có thỏa thuận, phân công ngay từ đầu. Rồi cứ nếp đó, em và ổng dạy dỗ hai thằng con trai. Cho nên ba chàng nhà em đều… chuẩn 'men' luôn!
Nghe chuyện chị kể, cả phòng ồ lên cười: Vậy là chuyện đàn ông có là… lợn hay không phần nhiều là do chính phụ nữ chúng ta đó chứ. Đâu phải tự nhiên mà họ đang là người biến thành lợn!
Nói tóm lại… khi phỏng vấn, tìm hiểu hoàn cảnh từng người tôi thấy họ hết sức tiến bộ. Thế mà sao đọc trên mạng xã hội, tôi thấy mọi người đều sôi sùng sục lên với ý kiến của chị Trang Hạ? Cứ như là ai cũng bị chị Trang Hạ chửi xiên chửi xéo rằng họ là… lợn. Thậm chí có anh khi viết phản bác, như anh nhà thơ nào đó mà tôi nêu đầu bài, còn kể ra được rằng, chính anh ấy cũng có làm việc nhà, dù chỉ là chút chút. Nhưng anh ấy vẫn hết sức giận dữ, đến mức chả kiêng nể gì nhà văn Trang Hạ là phụ nữ mà nói nặng, như xỉ vả nhau vậy. Nghe tôi thắc mắc, mọi người mới cười ồ: Tại vì thế này: đàn ông thì không thích bị ví là lợn, đàn bà cũng không thích ý nghĩ tối tối phải… ôm lợn ngủ. Bởi dù gì đó cũng là người đàn ông, là chồng mình. Chả nên ví von như đồ bỏ đi như vậy. Nhất là chuyện việc nhà, ai làm, làm thế nào còn lắm cảnh, lắm tình, lắm nguồn cơn như thế…
Hóa ra, mọi chuyện cãi cọ nhau, chỉ là một cách viết, cách nói chẳng xuôi tai mà thôi. Bàn tới, bàn lui, cả phòng tôi kết luận như vậy. Thế nhưng cái kết luận đáng giá nhất mà tôi rút ra được lại là chuyện: tôi có hai thằng con trai. Bây giờ chúng mới chỉ lớp 5 và lớp 7. Thế nhưng nhất định tôi sẽ dạy dỗ, giáo dục chúng, để sau này, không có một cô nhà văn nào gọi chúng là … lợn. Tối nay về, tôi sẽ bắt chúng rửa chén!