Trang Hạ: Đàn ông tử tế thì ngại gì chuyện "con lợn"!

Theo Trí thức trẻ,
Chia sẻ

"Chúng tôi nhắm tới nhóm đối tượng chiều đi uống bia bỏ mặc vợ ngập mặt trong một đống việc nhà. Nếu bạn không phải người như thế, bạn sẽ không bận tâm".

Tự nhận mình là người phụ nữ với rất nhiều phát ngôn “bốc đồng” và “cực đoan” nhưng phía sau những phát ngôn “sốc” ấy lại là một Trang Hạ tâm huyết, say mê công việc và muốn có những cống hiến làm thay đổi nhận thức xã hội.

Và phát ngôn “Đàn ông về nhà chỉ có ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn” cũng là 1 trong những chiến dịch truyền thông, vận động người chồng cùng san sẻ việc nhà với người vợ.

PV: Những ngày này, chắc hẳn Trang Hạ cũng đã đón nhận rất nhiều ý kiến của dư luận xung quanh phát ngôn về “người đàn ông”?

Trang Hạ: Trang Hạ rất bất ngờ khi bài viết này xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phát ngôn và bài viết này đã tồn tại được gần 3 năm nay rồi. Khi đó mình cũng đã đón nhận rất nhiều ý kiến từ phía độc giả.

Nhưng mình bình tâm đón nhận những "sóng" dư luận đó, 3 năm trước cũng thế và bây giờ vẫn không thay đổi, mình vẫn ngồi uống cà phê với bạn và mỉm cười trước những tranh luận.

Mình không phải là một người chỉ “tức cảnh sinh tình” với những áng văn, những câu truyện được tập hợp thành sách, mình còn là 1 người làm truyền thông.

Với 40 bài viết trên báo mạng và báo giấy cùng khoảng 15 - 20 bài trôi nổi trên các trang mạng xã hội… Đây là 1 chiến dịch truyền thông và bài viết này cũng nằm trong gói truyền thông mà mình và anh Lê Hoàng thực hiện.

Chính gói truyền thông này đã giúp phụ nữ nhìn nhận lại mình trong xã hội này, người đàn ông cũng nhìn nhận lại vị trí và vai trò của mình trong gia đình nói riêng, xã hội nói chung. Chung tay giúp vợ việc nhà, lời kêu gọi đấy có quá đáng chăng?

Chiến dịch truyền thông năm 2012 kéo sang đầu năm 2013 của mình được đối tác, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đánh giá rất cao.

Nhà văn Trang Hạ chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhà văn Trang Hạ chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa (Ảnh do nhân vật cung cấp).

PV: Hài lòng với thành quả của chiến dịch truyền thông, còn với những phản bác chị có cảm thấy bị tổn thương?

Trang Hạ: Với những người có sự phản bác thì họ có nói 1 câu khen ngợi với Trang Hạ, Trang Hạ cũng không muốn nhận. Thành công của mình không xây dựng trên lời khen của những người đó bởi lẽ câu nói của họ không có giá trị.

Chính vì vậy mình không nghĩ ngợi nhiều trước những phản bác của họ với phát ngôn mình đưa ra. Ngược lại, mình rất bình tĩnh trong gói truyền thông này.

PV: Khi so sánh người “đàn ông về nhà chỉ có ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn”, Trang Hạ có lường trước được những phản ứng của dư luận?

Trang Hạ: Mình và đội ngũ chuyên gia cố vấn đều lường hết trước, đánh giá hết những hiệu ứng xã hội. Bọn mình có kinh nghiệm để đo lường sự tác động của 1 chiến dịch truyền thông tới xã hội.

Thứ hai, bọn mình biết chắc chắn rằng mình đang làm những điều tốt cho 1 xã hội vừa già cỗi lại đang vận động với những trạng thái đạo đức giả luôn cảnh giác với bất kì điều gì. Trong xã hội, có người phải nịnh họ mới làm, có người phải khích tướng họ mới chịu thay đổi.

Cũng không phải sau này mà trước và trong thời gian đó đã có rất nhiều phát ngôn gây sốc của Trang Hạ được phát ngôn bằng miệng của người khác.

PV: Chị có nhắc tới đạo diễn Lê Hoàng và gói truyền thông mà hai người hợp tác nhưng mọi người thường nhắc tới Trang Hạ và Lê Hoàng với cuộc “bút chiến”. Chị có chia sẻ gì về điều này?

Trang Hạ: Sự kiện truyền thông mà Trang Hạ và Lê Hoàng thực hiện là 1 chiến dịch chung nhằm kêu gọi đàn ông Việt Nam chung tay giúp vợ/mẹ/người bạn đời chia sẻ gánh nặng việc nhà như dọn dẹp, lau chùi, rửa bát... cho người phụ nữ một không gian sống tốt hơn.

Chúng tôi nhắm tới nhóm đối tượng chiều đi uống bia bỏ mặc vợ ngập mặt trong một đống việc nhà. Nếu bạn không phải người như thế, bạn sẽ không bận tâm.

Còn nếu bạn đúng là người đàn ông vô tâm ích kỷ, lười biếng, sẵn sàng ngồi uống bia trong lúc vợ đang vất vả, thì bài báo đó đương nhiên bạn hiểu là cầm cổ áo nhấc bạn lên và lúc đó bạn phản ứng như thế nào.

Chúng tôi thiết kế cấu trúc cuộc tranh luận và cứ 2 ngày Trang Hạ có bài “đập” lại Lê Hoàng, 2 ngày sau Lê Hoàng có bài báo “đập” lại Trang Hạ.

Trên cấu trúc bình thường đó là cuộc tranh luận với Lê Hoàng, đáp lại bài trước đó Lê Hoàng chứ không phải là 1 bài vu vơ bỗng dưng tôi "nhảy" lên chỉ trích anh Lê Hoàng.

PV: Nhưng có rất nhiều người thấy bị đụng chạm…

Trang Hạ: Nếu chồng bạn thấy bị đụng chạm đồng nghĩa với việc anh ấy đã từng về nhà chỉ để vợ tắm cho, vợ cho ăn thậm chí chỉ để ngủ cùng vợ mà không để tâm đến những nỗi vất vả của người phụ nữ.

Nếu người đàn ông nào đã từng trải qua thời điểm như thế hoặc bạn đọc sản phẩm truyền thông này bạn sẽ cảm thấy như bị ai đó “đấm” mình.

Còn với những người điềm tĩnh, tử tế hoặc có thể họ không rửa bát cho vợ nhưng họ cũng dành ra 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để làm những việc xã hội, để chi tiêu cho gia đình thì họ không cảm thấy ngại.

Họ sẽ không phải là những đối tượng bị nhắc trong phát ngôn này của Trang Hạ vì họ biết, giá trị của họ đang ở đâu.

Trang Hạ bên những cuốn sách của mình (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Trang Hạ bên những cuốn sách của mình (Ảnh do nhân vật cung cấp).

PV: Trang Hạ đã từng gặp phải những phản ứng như thế này từ dư luận?

Trang Hạ: Năm 2008, 2009 khi Trang Hạ có những phát ngôn ủng hộ người phụ nữ làm bà mẹ đơn thân, Trang Hạ còn bị “ném đá” dữ dội hơn.

Thậm chí, có những người bạn từ thời học phổ thông còn lên mạng hoặc gặp trực tiếp để lên án mình là đã đưa ra chiến dịch truyền thông single mom làm “hư hỏng” xã hội này.

Họ còn nghĩ, chắc Trang Hạ gặp phải 1 gã "sở khanh" hay có thai ngoài ý muốn nên mới kêu gọi mọi người phá bỏ sự mặc cảm khi làm bà mẹ đơn thân.

Nhưng sau đó có rất nhiều người phụ nữ tự tin họ chia sẻ quan điểm về người phụ nữ làm mẹ 1 mình.

Và cho tới nay, quan điểm về làm mẹ đơn thân cũng thay đổi nhiều với những suy nghĩ văn minh hơn. Mình tự hào vì đã góp 1 phần xây dựng xã hội văn minh ấy.

Mình rất khao khát được sống trong 1 xã hội văn minh và muốn tự tay góp phần xây dựng xã hội như thế.

PV: Câu nói được đưa ra từ cách đây 3 năm, giờ lại tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh, chị nghĩ sao về điều đó?

Trang Hạ: Từ đó tới nay mình đã đi 1 quãng đường quá xa nhưng đám đông vẫn dừng lại cùng với thời điểm cuối năm 2012.

Nếu người đàn ông nào đã giúp đỡ, san sẻ việc nhà với người vợ sẽ không bị ảnh hưởng bởi những câu nói này còn nếu bạn chưa giúp được bạn sẽ phản ứng dữ dội.

Thế nên bạn sẽ biết những người bị đụng chạm là người nào, những người được nhắc tới là người nào hay bạn chính là người ở trong bài này, về nhà, chờ được phục vụ và không làm gì cho vợ cả.

Khi mình đo lường được dư luận xã hội, mình biết, có rất nhiều người thay đổi và những người không thay đổi được sau 3 năm thì họ vẫn không thể thay đổi được.

Mình rất mong muốn 10 hay 20 năm nữa những bài như thế này của mình sẽ bị chìm vào quên lãng. Vì lúc đó mọi người có 1 tâm thế khác để sống, đàn ông tốt hơn, đàn bà vui hơn.

Và tôi không bao giờ là người sống ảo tới mức phải đi theo ai hay đám đông.

Cảm ơn Trang Hạ về buổi trò chuyện này!

Chia sẻ