Sống chung có nhiều phiền phức?

,
Chia sẻ

Điều phiền phức khổ tâm nhất của họ là nhà chỉ có một nhà vệ sinh chung với phòng tắm, buổi sáng con dâu tắm táp khá lâu trước khi đi làm khiến cả nhà gần như phải... xếp hàng

Sống chung có phiền phức?


Đó là thú nhận của hầu hết gia đình trẻ không có điều kiện ở riêng, mà không chỉ những cặp vợ chồng mới lập gia đình chưa có nhà riêng mà còn những cặp vợ chồng già phải sống chung với con cháu. Nhất là khi nhà cửa của họ còn chật chội, những tiện nghi tối thiếu chưa được mở rộng, nâng cấp cho kịp với số thành viên trong gia đình tiếp tục tăng lên thì chất lượng sống của họ phải xuống cấp là điều tất yếu.


Ông bà Kiêm là những cán bộ về hưu sống trong một căn hộ gồm 2 phòng ngủ. Trước đây, ông bà ở một phòng, hai cậu con trai của ông bà chung một phòng là khá thoải mái. Thế nhưng khi cậu con trai lớn cưới vợ, cậu em đành ra "tạm trú" ở phòng khách, chẳng có chỗ riêng tư cho một chàng trai 25 tuổi khiến cha mẹ thấy cũng xót nhưng họ chưa đủ tiền để giúp cho vợ chồng cậu con lớn ra ở riêng.


Nhưng điều phiền phức khổ tâm nhất của họ là nhà chỉ có một nhà vệ sinh chung với phòng tắm, buổi sáng cô con dâu tắm táp khá lâu trước khi đi làm khiến cả nhà gần như phải... xếp hàng! Nhưng điều khó xử hơn nữa là cô hay phơi đồ lót trong phòng tắm thoải mái, cứ như đó là của riêng cô khiến hai người đàn ông, một già một trẻ lúng túng mỗi khi vào...


Cụm từ "chung đụng" thường được nhiều người giải thích là "ở chung thì thế nào cũng gặp... tai nạn (đụng nhau)". Họ phải chịu những va chạm từ nhỏ nhặt trong sinh hoạt cho đến những mâu thuẫn bự cỡ... bigbang khiến những người trong gia đình hờn giận, bực bội hoặc thế hệ "thấp cổ bé miệng" phải dứt áo ra đi để tìm đất lành...


Chắc chắn, các gia đình trẻ nếu có điều kiện và được lựa chọn từ đầu họ sẽ chọn cách ra riêng mà không cần suy nghĩ. Và ngày nay những bậc cha mẹ cao tuổi nhưng hiện đại, có lương hưu hoặc thu nhập ổn định cũng muốn sống riêng cho thoải mái.


 

Ở riêng bất tiện?!


Nhưng có những gia đình một thời gian sau khi có được "cõi riêng", tận hưởng một cuộc sống độc lập của đời... tự do thì không ít những gia đình trẻ lẫn già đều nhận ra những bất tiện, những cái "giá" phải "trả" khi sống riêng... Với những cặp vợ chồng trẻ đó là khi có con, họ mới biết thương cha mẹ, vì nuôi con nhỏ là quá vất vả nếu không có ai đó phụ giúp.


Tìm người giúp việc là không dễ ở những thành phố lớn, vả lại ít ai đủ can đảm để giao "cục cưng" của mình ở nhà cho người giúp việc để vợ chồng đi làm suốt ngày... Lúc đó họ ao ước giá có bà, hoặc có ông ở nhà trông nom phụ với người giúp việc vẫn yên tâm hơn.


Rồi bao nhiêu phiền phức khi con đi nhà trẻ, mẫu giáo, cha mẹ không về kịp đón con... Nhiều trẻ được nghỉ đột xuất ở nhà ai trông, trẻ nghỉ hè cũng phải bấm bụng cho đi học hè vì ở nhà không ai trông. Không hiếm những đứa trẻ nhìn bạn nhà hàng xóm có ông bà mà thèm.


Ông dẫn đi dạo trong công viên, dỗ dành an ủi khi bị cha mẹ mắng. Bà hát ru, kể chuyện, dạy lời ăn, tiếng nói, câu hát... Ông bà chính là lớp đất màu mỡ sâu lắng mà trẻ như những chiếc rễ non bám chặt vào cội nguồn để vươn cao.


Những bài học đạo lý, truyền thống thường là trẻ được học từ ông bà. Cái "túi khôn" mà những người cao tuổi tích lũy là vô cùng quý giá, cần thiết cho con cháu. Trẻ được sống trong tình yêu thương của đại gia đình sẽ ấm áp, hạnh phúc hơn, biết sống có trách nhiệm hơn, đó là cộng đồng đầu tiên tràn đầy tình yêu thương giúp trẻ có những ký ức phong phú khi trưởng thành.


Còn những bậc cha mẹ cao tuổi sống riêng khi còn khỏe mạnh, chăm sóc được nhau không nói làm gì nhưng khi đau ốm, lụm cụm, nhất là có một người quy tiên, chỉ còn lại một người thì bao nhiêu phiền phức, bất tiện, tai ương chực chờ... Biết bao cụ già chỉ vì nghẹn một miếng bánh, trượt trong phòng tắm, té cầu thang mà phải ra đi vĩnh viễn chỉ vì không có con cháu bên cạnh cấp cứu kịp thời.


Cho nên chuyện sống chung, sống riêng luôn là vấn đề của nhiều gia đình. Có cặp vợ chồng trẻ khá thành đạt, có lối sống hiện đại, họ có điều kiện mua nhà ở riêng nhưng anh chồng là con gái lớn, em gái đã lấy chồng xa. Anh cũng muốn ở riêng nhưng nghẹt một nỗi nếu ở riêng thì ai chăm sóc cha mẹ già yếu. Mỗi ngày vừa lo cái gia đình nhỏ của mình vừa đi "xuyên thành phố" từ Phú Mỹ Hưng về quận Bình Tân để chăm sóc cha mẹ là điều không dễ với doanh nhân bận rộn như anh. Nếu cha mẹ gặp chuyện gì mà anh không đến kịp thì thật ân hận.


Cuộc sống lý tưởng


Đến thăm nhà thơ Phương Đài ở quận Phú Nhuận, TP. HCM, ai cũng thấy nữ sĩ đã gần 80 tuổi này có một tuổi già thật hạnh phúc, viên mãn với "tứ đại đồng đường" gồm gia đình của con trai, con gái, cháu, chắt quấn quýt quanh ông bà. Không gian sống của họ tuy chung mà vẫn riêng. Các gia đình con cái bà đều có một gian nhà riêng tọa lạc chung trong một khu vườn.


Trước đây, khi sức còn khỏe bà vẫn viết lách, đọc sách, đàm đạo với khách văn chương trong không gian sống giàu chất thơ của bà, với giỏ lan, cội mai... Thế nhưng đâu đó có một cháu nhỏ thỉnh thoảng chạy sà vào lòng bà hoặc tối tối con trai, con gái đi làm về vào vấn an cha mẹ...


Nhà thờ Lê Giang có lẽ cũng trạc tuổi nhà thơ Phương Đài. Bà sống trên tầng 6 ở một chung cư thuộc quận 3 TP.HCM. Nhà chỉ có hai vợ chồng đều là văn nghệ sĩ ngày ngày lo sáng tác, chăm sóc nhau nhưng không phải là một đôi vợ chồng đơn chiếc, vì ở tầng dưới, con cháu bà có một căn hộ ở đó.

Cho nên, có thể nói bà vẫn gặp con cháu thường xuyên như cùng trong một nhà, họ có thể xách hộ cho bà một cái túi nặng lên lầu, đứa cháu ngoại vẫn lên nhà trò chuyện với bà ngoại và gõ những bài thơ, bài báo viết tay của bà vào máy tính để gửi đến các báo.


Khi những người thân yêu được thỏa mãn tình cảm dành cho nhau như nhìn thấy nhau thường xuyên, được chăm sóc, trò chuyện, trao cho nhau một nụ hôn, một vòng tay ôm khi nào họ cần như đói ăn, khát uống. Đó là hạnh phúc, một thứ hạnh phúc luôn vừa tầm với mọi người.


Theo Hạnh phúc Gia đình

 

Chia sẻ