Phát điên vì cậu em chồng hay "soi"

Phan Ngọc,
Chia sẻ

Về làm vợ anh, chị mới té ngửa khi em trai chồng lại chính là “bà cô” khó tính trong nhà.

“Bà cô” từ trên trời rơi xuống…

Gia đình anh Vỹ - chồng chị Nga (Tây Sơn, Hà Nội) chỉ có hai anh em trai, bố chồng và anh Vỹ đều là bộ đội nên thường xuyên xa nhà. Ở nhà chỉ còn Quang - cậu em chồng là trụ cột quyết định mọi việc lớn nhỏ.

Ngày mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, chị vẫn nghe bố mẹ ca ngợi cậu em giỏi giang, chín chắn, thông minh, lanh lợi. 

Ngay cả đám cưới của anh chị cũng là do cậu ấy đứng ra lo liệu từ đầu đến cuối. Tới ngày anh về phép chỉ việc tổ chức hôn lễ nên chị cũng thấy cảm phục cậu em.

Chị thấy cảm kích khi Quang không ngại ngần giúp đỡ chị làm quen với nếp sống nhà chồng. Thế nhưng cũng từ đây chị dần nhận ra em chồng không cao thượng và tốt bụng như mọi người vẫn nói.

Cậu ấy luôn xét nét chị dâu ngay cả những việc nhỏ nhặt hằng ngày. Bất kể chị làm gì cũng bị chê bai, còn cậu ấy làm gì cũng đúng cũng tốt. Quang còn luôn tự tin mình gì cũng biết, cũng giỏi và sẵn sàng lên lớp chị Nga mọi lúc mọi nơi mặc dù trình độ thì kém xa chị.

Phát điên vì cậu em chồng hay
Chị khó chịu với sự soi mói của cậu em chồng (Ảnh minh họa)

Chị nấu ăn thì Quang đứng bên cạnh bảo phải nấu thế này không được nấu thế kia. Rửa bát xong phải lau kĩ rồi mới úp lên, quét nhà thì phải lau đồ trước, quần áo phải ngâm rồi mới cho vào máy giặt…

Mặc dù thấy khó chịu nhưng chị cũng im lặng làm theo cho yên chuyện. Thế mà nhiều hôm tới bữa ăn, Quang còn chê canh nhạt, cá kho mặn rồi mắng chị: “vô tích sự, chỉ cho rồi mà làm không xong”. Làm cho chị cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.

Có hôm đứa em con dì tới chơi, vốn bằng tuổi nên hai chị em xưng hô ngang hàng cho dễ nói chuyện. Ấy vậy mà cậu em nghe được thì mắng lấy mắng để, bảo: “chị em không ra cái thể thống gì hết, xưng hô thế để cho người ta cười vào mặt. Nói phải có trên có dưới cho đàng hoàng"…

Ngay cả việc chị đi chợ mua thức ăn mà không có thói quen trả giá, mua đắt vài ba nghìn cũng bị em chồng quy là: “dốt, không biết đi chợ”. Chị tâm sự với chồng thì anh lại gạt đi bảo: “Cậu ấy cũng chỉ muốn vun vén cho gia đình thôi” nên chị lại nhẫn nhịn chịu đựng.

“Bà cô” thâm nho…

Mâu thuẫn của chị và cậu em chồng ngày càng lớn và đỉnh điểm là khi họ thuê rồi mở chung một cửa hàng ăn ở ngoài phố.

Nói là làm chung nhưng hầu hết mọi việc đều tới tay chị, từ việc đi chợ tới nấu nướng, lau dọn, bán hàng. Còn cậu em chỉ mỗi việc bưng bê, thu tiền.

Chị trụ không nổi nên ngỏ ý thuê thêm người, mẹ chồng thấy chị vất vả thì đồng ý, nhưng Quang nhất quyết chẳng đồng ý vì không muốn có người lạ trong nhà. 

Chị đề nghị: "Vậy hai chị em phải chia nhau việc ra làm, một mình chị không kham nổi. Thế mà cậu em chồng vu cho chị cái tội lười nhác, không chịu khó… Rồi anh ta nhanh tay gọi điện "mách" chuyện với anh trai và bố.

Kết quả là chị bị bố chồng về giáo huấn cho một trận và bảo: "Chị em sống với nhau thì phải đoàn kết, thương yêu nhau. Con nên nghe lời em nó vì nó làm cái gì cũng tốt”.

Rồi gặp ai Quang cũng kể lể chị dâu ích kỷ, hẹp hòi, sống chỉ vì tiền mà không coi trọng anh em. Làm bố mẹ chồng và họ hàng coi chị Nga không ra gì.

Chồng chị sau khi thanh minh cho vợ không được vì trong gia đình tiếng nói của anh không có trọng lượng, ai cũng bảo anh đi xa suốt biết gì mà nói, thì lại quay sang trách chị sống không khéo léo làm mất tình anh em…

Quá mệt mỏi chị đành đóng cửa hàng, đi tìm việc khác để làm thế nhưng cậu em chồng vẫn không ngừng để ý chị đi đâu làm những gì, về đúng giờ giấc không...

Chị chán nản “Đúng là ghét của nào trời trao của nấy, không có mẹ chồng bà cô ghê gớm thì lại có cậu em chồng gia trưởng, thâm nho…”.
Chia sẻ