Nỗi lòng... "osin già"

,
Chia sẻ

Căn bệnh dựa dẫm, ỷ lại, thiếu tự lập của đa phần những cặp vợ chồng trẻ hiện nay có cội rễ từ chính cách nuôi dạy con của nhiều thế hệ gia đình Việt.

Nỗi lòng... "osin già"

"Ông bà nào cũng mong có cháu, nhưng nói thật là chăm cháu mệt hơn chăm con mình. Thời xưa chúng tôi nuôi con không vất vả như bây giờ. Giờ đầy đủ quá, trẻ nào cũng biếng ăn. Thế nên, bố mẹ nó mệt một, mình bận rộn mười. Cháu mọn cực lắm". Tâm sự của bà Nguyễn Thị Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) phần nào nói hộ những cực nhọc mà các bà nội, bà ngoại không mấy khi dám than phiền với chính con mình, vì ngại "chúng nó bảo mình không thương con xót cháu".

Còn với những người có đứa con lớn mãi không chịu trưởng thành như bố của Dũng trong câu chuyện thứ hai kể trên thì cái sự thiếu tự lập, sống ỷ lại của con mình là "sự thất bại lớn nhất trong đời tôi". Rất nhiều bậc cha mẹ đã gọi điện đến trung tâm tư vấn An Việt Sơn để bày tỏ lo ngại về những đứa con tầm gửi. Giám đốc của một công ty nọ gọi điện đến bày tỏ ý định xin gửi con vào một trường quân đội dù cậu con trai đã lập gia đình và đang có con nhỏ. Những trường hợp nhờ ông bà trông giúp, bố mẹ nuôi con hộ con đã là "truyền thống" của gia đình Việt.

"Tôi cũng chẳng biết nên làm thế nào, dù tôi thấy mình không còn khoẻ gì nữa. Lúc muốn tham gia hội dưỡng sinh có bầu có bạn, để cơ thể khoẻ khoắn thì bận cháu nội. Khi thèm được gặp bạn cũ hàn huyên thì cháu ngoại không ai trông. Con mình mình thương, cháu mình mình xót, nhưng có lẽ chúng nó không thương, không xót hai thân già này. Hễ thấy bố mẹ cáo bận không trông cháu một vài hôm là chúng nó nặng mặt. Vợ chồng tôi ngày xưa chẳng có nội ngoại gì mà cũng nuôi ba đứa lớn bằng đầu bằng cổ..." bà Hương (Nghĩa Tân, Hà Nội) phân trần khi được hỏi đúng vấn đề mình đang bức xúc.

Có một thực tế mà chúng tôi nhận thấy khi thực hiện chuyên đề này là, rất nhiều ông bố bà mẹ thấm mệt, hoặc thậm chí không muốn phải trở thành osin cho con cháu mình. Nhưng họ vẫn phải gồng mình, gắng sức, để con mình rảnh tay lo chuyện kiếm tiền sinh nhai, hoặc để con được sống đàng hoàng sung sướng. Không ai nghĩ mình cần được an hưởng, nhàn rỗi lúc sức lực không còn sung mãn. Chẳng ai quan tâm mình đang tàn phá chính cái sức khoẻ của mình khi nhận lấy những công việc đáng ra con mình phải làm.

Căn nguyên của ỷ lại

Cội rễ sâu xa của căn bệnh ỷ lại, không thể tự lập hoàn toàn này bắt nguồn từ chính cách nuôi dưỡng, giáo dục con cái của gia đình Việt, từ bao đời nay. So với vất vả, lo con mệt mỏi, các ông bố bà mẹ ra sức làm giúp con từ việc buông cái màn khi đi ngủ. Nhà giàu thì thuê giúp việc, nhà không có thì bố mẹ ráng sức làm. Lâu dần, con cái quen được cung phụng, cưng chiều, chẳng cần lao động chi cho nhọc sức. Lớn lên, vẫn giữ thói quen đó, lập gia đình rồi ông bà lại nai lưng nuôi con giúp, nấu ăn hộ, vì vợ chồng nó bận đi làm. Cái vòng đó cứ xoay hồi, sản sinh ra những thế hệ trẻ không biết làm việc nhà, chẳng quan trọng việc nuôi con, vì tất cả đã có ông bà lo. Thậm chí, nhiều cậu ấm cô chiêu hiện đại đến lúc lập gia đình vẫn cứ xin tiền bố mẹ khi cần.

Và giải pháp cho tự lập

Không có biện pháp nào tốt hơn để con bạn tự lập ngay từ bé là dạy con biết lao động, để có trách nhiệm với những người yêu thương. Trẻ sống trong sự đầy đủ dễ ỷ lại. Chúng không hiểu được chân giá trị của mồ hôi nước mắt thì cũng sẽ không quý công sức của cha mẹ. Dạy con lao động từ bé là một cách để con bạn hiểu phải làm việc thì mới có thể có được những thứ mình muốn.

Việc chu cấp tiền bạc cho con cái cũng chỉ nên được duy trì đến một thời kỳ nhất định, khi con đã đến tuổi lao động thì nên khuyến khích các con làm việc. Chỉ khi thật sự làm việc con người ta mới biết quý trọng những gì bản thân và độc lập với bố mẹ trong cuộc sống hiện tại và cả khi có gia đình.

Các bậc cha mẹ trẻ nên hiểu việc lạm dụng sức lao động của bố mẹ mình, nhờ ông bà chăm cháu, làm việc nhà, theo các chuyên gia tâm lý, là một sự bất hiếu. Con cái nghiễm nghiên nhận sự giúp đỡ của cha mẹ già mà không biết rằng đang khoác lên vai bố mẹ một gánh nặng. Còn truyền thống bao bọc con cái từ nhiều thế hệ khiến nhiều phụ huynh nghĩ đó là chuyện bình thường, ai cũng vậy. Do đó, để thay đổi được vấn đề này cả cha mẹ lẫn con cái đều phải thay đổi quan niệm.

Đối với bậc cha mẹ, cần phải nghĩ rằng ở tuổi hưu, hoặc lớn tuổi, sức khoẻ sa xút, ăn uống kém đi... Do đó nhu cầu lớn nhất lúc này là được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Công việc chăm sóc trẻ là quá nặng, không còn phù hợp với lứa tuổi này nữa. Do đó cha mẹ có thể hỗ trợ con chứ không nên chịu trách nhiệm toàn bộ việc chăm cháu.

Đối với các con, dù cho cha mẹ không than phiền về sự vất vả thì cũng luôn phải ý thức rằng chăm sóc trẻ con là một việc nặng. Chỉ khi nào không biết cách chăm sóc con thì mới nhờ ông bà giúp đỡ. Nếu điều kiện công việc không thể chăm con thì nên thuê người giúp việc và nhờ bố mẹ phụ giúp. Còn nếu điều kiện kinh tế buộc phải nhờ bố mẹ trông con giúp thì bản thân cũng phải cố gắng chia sẻ công việc với bố mẹ, không thể để ông bà vừa chăm cháu, vừa làm việc nhà. Quan trọng nhất là cần tỏ thái độ cảm ơn khi bố mẹ giúp mình trong bất kỳ vấn đề nhỏ nào để ông bà không cảm thấy bị bỏ rơi
 
Theo Giadinhtre
Chia sẻ