“Ăn vạ” ông bà chăm cháu

,
Chia sẻ

Thời gian nghỉ sinh đẻ có hạn, áp lực công việc, tài chính, lại khó tìm được người giúp việc như mong muốn…là những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ quyết định mang cháu đến nhờ ông bà trông nom giúp.

Cảnh tượng ông bà người đứng trêu đùa, người bê bát cho cháu ăn rất dễ bắt gặp hiện nay, nhất là khi con cái họ bí bách về thời gian và tin tưởng tuyệt đối vào sự chăm sóc dạy dỗ của người lớn tuổi.

Chị Hạnh dù đã đánh tiếng tìm người giúp việc từ trước khi sinh em bé nhưng cho đến khi kỳ nghỉ đẻ kết thúc, chị vẫn chưa tìm được ai tin tưởng. Bất đắc dĩ, chị phải xin nghỉ việc thêm ba tháng không lương để chăm con và tiếp tục tìm người, nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ”. Không  còn cách nào khác, hai vợ chồng anh chị bàn với nhau mang em bé đến nhờ ông bà ngoại chăm sóc hộ. Tuy đều sống ở Thành phố nhưng nhà anh chị cách khá xa nhà bố mẹ đẻ, vậy là cứ ngày hai buổi, anh chị lại đến gửi và đón con về: “Cũng vất vả, lại thương bố mẹ đến tuổi nghỉ ngơi rồi mà vẫn phải tất bật chăm cháu nhỏ nhưng biết làm thế nào được. Thôi thì trước mắt cứ “ăn vạ” ông bà vậy”- chị Hạnh tâm sự.
 
Hoàn cảnh như chị Hạnh trở nên rất phổ biến trong các gia đình hiện nay, đặc biệt đối với những đôi vợ chồng trẻ. Vì vậy, giải pháp gửi con cho ông bà là khả quan nhất. Mà có ông bà nào lại không thương, không chăm cháu chu đáo, bởi thế cũng không ít đứa trẻ được bố mẹ tiếp tục “gia hạn” thời gian ở với ông bà.

Khi cu Bin được 1 tuổi, Vợ chồng anh Kiên chị Thảo gửi con cho bố mẹ tận Hải Dương chăm sóc. Hai ông bà vừa mới về hưu nên thời gian rảnh rỗi có nhiều, lại chỉ có đứa cháu duy nhất nên tha hồ cưng nựng, chăm chút cháu hết mực. Mỗi cuối tuần về thăm con, thấy cu Bin hồng hào, khỏe mạnh bụ bẫm nên anh chị cũng thấy yên tâm. Chỉ có điều Thảo thấy con có vẻ không còn quấn mẹ như trước, chị buồn nhưng cũng đành tặc lưỡi chấp nhận vì biết không thể tránh khỏi chuyện đó.

Ba năm sau, chị đón con trở lại sống ở thành phố nhưng cháu suốt ngày khóc lóc đòi bà và không chịu ăn uống gì. Xót con, chị phải xuống quê đón bà ra trông cháu vài hôm. Bà vừa về, Bin lại đâu đóng đấy khiến anh chị phát hoảng. Chị bèn thuyết phục bà ở lại với anh chị vài tháng chờ cho cháu quen mẹ trở lại sau đó bà hãy về quê. Dù không quen sống nơi đô thị nhưng cuối cùng vì thương con thương cháu, mẹ chị cũng đồng ý.

Trường hợp của Thảo là do hoàn cảnh bắt buộc nên đành phải xa con, phải nhờ cậy đến ông bà. Tuy nhiên, còn có một số cặp vợ chồng vô tâm, chỉ quen dựa dẫm, mang con đến cho ông bà trông để được nhàn nhã và rảnh tay.

Mang tiếng ở nhà chăm sóc con nhưng vốn ham vui với bạn bè, Trang luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm, mang con sang nhờ bố mẹ trông hộ. Mỗi lần đến gửi, Trang đều làm ra bộ gấp gáp, bận việc nọ việc kia để “chuồn” được nhanh. Không ít lần, cô em chồng nhìn thấy Trang đang hả hê đi shopping cùng bạn bè, ngồi cafe cười nói hớn hở với đám bạn cả buổi trong khi lý do mà cô đưa ra với ba mẹ là đi thăm người bạn thân đang ốm trong viện, đi ăn đám giỗ ở  quê…Có thắc mắc và góp ý với Trang, cô em dâu được chị thản nhiên trả lời:“ Em thông cảm, bọn mình còn trẻ mà, chẳng nhẽ lại suốt ngày ngồi ôm con, với lại giao cháu cho bà là yên tâm nhất rồi.”

Không thể phủ nhận, ngoài bố mẹ, ông bà là người chăm sóc trẻ tốt nhất. Họ có đủ thời gian, dư dả sự yêu thương trìu mến. Kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan trong trải nghiệm cuộc đời… là cả một sự thuận lợi cho sự phát triển của đứa trẻ. Tuy nhiên, cũng không thể vì những lý do trên mà ỷ lại vào bố mẹ.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tâm lý,  trong việc chăm sóc con trẻ, người lớn tuổi thường gặp phải một số hạn chế như: ít tham gia hoạt động vui chơi cùng trẻ, khó có sự đồng điệu, chia sẻ với trẻ… Vì thế, nếu trong một thời gian dài gởi cháu cho ông bà trông, bố mẹ nhất thiết phải tranh thủ thời gian gần gũi con, để trẻ vẫn cảm nhận được hơi ấm và tình thương yêu của cha mẹ.  

Thanh Hoà

Chia sẻ