Ngậm đắng nuốt cay vì chồng ngoại tình còn giành tài sản
Lấy nhau đi thuê nhà được mấy tháng, chị Hoa chán quá, vận động chồng về ở căn nhà bố mẹ đẻ cho ở khu tập thể Thành Công. Anh chồng khăng khăng không chịu làm “chó chui gầm chạn”.
1. Lấy nhau đi thuê nhà được mấy tháng, chị Hoa chán quá, vận động chồng về ở căn nhà bố mẹ đẻ cho ở khu tập thể Thành Công. Lúc đầu, anh chồng khăng khăng không chịu làm “chó chui gầm chạn”. Thế rồi, giá cả đắt đỏ, tiền thuê nhà tăng vù vù, chồng chị Hoa đành gật đầu một cách miễn cưỡng về ở rể.
Được một thời gian, chồng chị Hoa thủ thỉ nói với chồng: “Hay em xin bố mẹ cho vợ chồng mình đứng tên căn nhà này. Chứ cứ thế này, anh đi đâu cũng bị mang tiếng”. Chị Hoa nghe cũng phải, lập tức về nhà xin bố mẹ làm thủ tục sang tên chính chủ cho mình vì "Đằng nào bố mẹ cũng cho con căn nhà đó cơ mà”.
Mẹ chị Hoa chỉ chép miệng: “Nhà thì cứ thế mà ở, đứng tên ai mà chả được. Sau này tao chết đi, tao cho mày quyền thừa kế, có phải là đỡ mất một khoản không? Nói dại, sau này có thế nào…”
“Mẹ buồn cười thế, chỉ nói xui xẻo. Hai vợ chồng con phải tin nhau chứ!”.
Trước sự cương quyết của con gái, bà đành chịu sang tên cho hai vợ chồng căn nhà ở khu tập thể Thành Công. Mấy năm trôi qua, chẳng có chuyện gì xảy ra. Chỉ có điều, chị Hoa đã hai lần sinh nở mà vẫn toàn là gái.
2. Khi chia cho hai vợ chồng con trai mảnh đất, bà Hương (Hà Nội) chỉ khăng khăng với cán bộ địa chính là kê khai làm thủ tục sang tên chính chủ cho con trai mình thôi. Con dâu không được phép đứng tên cùng vào đó. Đất đai của bà, bà chỉ để con trai được thừa hưởng. Con dâu được ở nhà nhà đẹp, đất đai rộng rãi, ăn theo như thế đã là tốt lắm rồi.
Có người xui con dâu bà rằng phải đòi quyền sở hữu đất chứ! Bây giờ theo pháp luật, quyền sở hữu đất hiện nay hai vợ chồng phải đồng sở hữu. Con dâu bà Hương chỉ cười trừ cho qua chuyện: “Đấy là nhà đất hai vợ chồng ở chung, ai đứng tên mà chả được ạ”.
Hơn một năm sau, chồng cô ngoại tình, dẫn theo một cô vợ bé và một đứa con đỏ hỏn về ở nhà đòi ly dị. Tòa xử xong, con dâu bà Hương phải ra với hai bàn tay trắng. Tất cả đất đai, tài sản của hai vợ chồng chung sức làm nên đều đứng tên chồng cô. Nhà cửa, ô tô, sổ tiết kiệm, cô cứ tặc lưỡi cho chồng đứng tên. Bây giờ mới ra nông nỗi này!
Hiện nay, rất nhiều phụ nữ ly hôn bị lâm vào cảnh tay trắng vì chẳng có tên tuổi khi sở hữu tài sản. Lý do chính của chuyện này vì hầu như các chị em đều thiếu hiểu biết hoặc chủ quan khi cho chồng đứng tên tài sản một mình.
Trên thực tế, các chị em đều nghĩ rằng của vợ cũng như của chồng, của chồng cũng như của vợ nên chẳng quan tâm xem ai là người đứng tên những tài sản lớn, tài sản có giá trị. Chẳng may hôn nhân đổ vỡ, chắc chắn họ sẽ phải ra đi tay trắng. Nhiều trường hợp, khi bố mẹ đẻ cho tài sản con gái, nhưng việc xác lập tài sản riêng khi được thừa nhận cũng bị bỏ qua. Ra đến khi tòa xử, những tài sản riêng đó đã biến thành tài sản chung và được chia đôi lấy nửa.
Khi được quyền xác lập tài sản riêng và tài sản chung vào cuộc sống, pháp luật đã hướng tới mục tiêu bảo vệ được quyền lợi chính đáng và công bằng cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là chị em phụ nữ. Thế nhưng trên thực tế, nhiều chị em thiếu hiểu biết về pháp luật và yêu thương, tin tưởng chồng tuyệt đối nên đã chịu nhiều thiệt thòi.
Khi kết hôn, chẳng tính toán điều gì, nhưng chị em hãy “cảnh giác” và nâng cao hiểu biết của mình để tránh những thiệt hại đáng tiếc không nên có!