Gia đình chung, tài sản riêng

,
Chia sẻ

"Gia đình chung, tài sản chung", "Của chồng công vợ"... là chuyện "xưa rồi Diễm". Ngày nay, việc thỏa thuận tài sản trong thời gian chung sống, từ trước khi cưới không còn là cá biệt.

Mỗi người có trách nhiệm đóng góp cho cuộc sống hàng ngày, cho con cái, để tích lũy làm tài sản chung và ngoài những khoản đã thỏa thuận, họ có quyền có tài sản, tải khoản riêng, hoàn toàn tự do quyết định.

Nghe Thanh Hạnh, cô con gái út mới lấy chồng chưa đầy năm, tỉnh bơ kể chuyện lập tài khoản chung, tài khoản riêng, bà Ngô Thị Mùi (Q.5, TP.HCM) hốt hoảng: "Trời đất, mới cưới nhau, bộ tụi bay đã tính ly dị hay sao mà nghĩ tới tài sản chung, tài sản riêng? Vợ chồng làm gì có kiểu tính toán lạ đời đó? Đã là vợ chồng thì tất cả phải là của chung chứ".

Dù bị mẹ phản ứng, Hạnh vẫn ung dung: "Có gì đâu má. Cuộc sống bây giờ không chỉ có vợ chồng, con cái mà còn nhiều mối quan hệ khác. Kinh tế của gia đình chung vẫn là ưu tiên số một, nhưng cả vợ lẫn chồng đều cần những khoản để chi riêng, miễn là hợp lý. Chẳng hạn như giao tiếp, giúp đỡ bạn bè, người thân, mua sắm cho bản thân...".
 

Tương tự, ngay từ trước ngày cưới, vợ chồng chị Võ Oanh Khuyên (Q.Tân Phú) đã vui vẻ thỏa thuận, mỗi tháng hai vợ chồng cùng trích một khoản chung để lo chi tiêu trong gia đình. Một số tiền khác, được gọi là tài khoản tiết kiệm cố định để tích lũy cho con và cũng để hai vợ chồng dưỡng già. Mỗi khi cần mua sắm những vật dụng cần thiết trong gia đình, cả hai cùng bàn bạc xem sẽ dùng tài khoản tiết kiệm hay mỗi người đóng góp thêm từ tài khoản riêng của mình. Do thu nhập cao hơn vợ, nên chồng chị tự nguyện góp nhiều gấp rưỡi vợ. Hơn mười năm chung sống, hai người chưa bao giờ tò mò về tài khoản riêng của nhau và cho đến nay, mọi chuyện vẫn êm xuôi.

Chuyện lập tài khoản riêng  của gia đình chị Trần Mỹ Phụng (Q.10) thì chỉ nảy sinh khi hai người kết hôn được gần bốn năm. Chị kể: "Chồng tôi quan hệ rộng, tính tình lại hào phóng. Anh sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, người thân mà không cần tìm hiểu xem ngân quỹ gia đình có đủ để giúp họ hay không. Mỗi lần bị vợ từ chối đưa tiền để giúp bạn là anh lại cáu kỉnh, càu nhàu. Cứ thế, hai vợ chồng toàn cắn đắn nhau vì những chuyện không đâu. Cuối cùng, tôi bàn với chồng, thay vì góp hết tiền cho quỹ chung, mỗi tháng hai vợ chồng sẽ đóng góp một phần thu nhập cố định để tích lũy cho tương lai, một khoản khác có thể thay đổi theo thời gian  để chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt và con cái học hành. Phần còn lại của ai nấy giữ, tùy nghi sử dụng, xài hết... ráng chịu. Vậy mà êm!".

Vợ chồng có tài khoản riêng là cách sống bình thường trong hôn nhân ở các nước phương Tây, đã và đang "du nhập" vào các gia đình trẻ Việt Nam. Thanh Hạnh thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Mỗi người đều có sở thích riêng (dĩ nhiên là trong khuôn khổ của đạo lý vợ chồng) cần được tôn trọng. Một khi cả hai vợ chồng đã xác định gia đình là quan trọng nhất thì tiền bạc, tài sản chỉ là yếu tố phụ." 

Theo chị Oanh Khuyên, tài khoản riêng và hạnh phúc vợ chồng là hai điều chẳng dính dáng gì đến nhau. Để giải tỏa nỗi lo "chồng lập quỹ đen để làm chuyện mờ ám" của bạn bè, chị Oanh Khuyên còn giải thích: "Ngày nay, không chỉ riêng các ông chồng trong giới làm ăn mà ngay cả nhân viên các công ty  cũng có nhiều khoản thu nhập khác ngoài lương. Nếu họ đã muốn lập quỹ đen, thì khó bà vợ nào kiểm soát được. Thực tế từ những người đi trước giúp tôi nhận ra, mâu thuẫn vợ chồng không phải xuất phát từ chuyện tiền chung, tiền riêng, mà chính từ sự nghi ngờ lẫn nhau. Một khi đã tin tưởng nhau thì chuyện tài sản chung hay riêng chẳng có gì quan trọng".

Trong thực tế, nhiều cặp vợ chồng thường xích mích chỉ vì vợ hoặc chồng phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm với cha mẹ, anh chị em... Những cặp vợ chồng có tài khoản riêng đều cho rằng, họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn khi bản thân hoặc chồng giúp đỡ người thân, bạn bè bằng tài khoản riêng của mỗi người.

Từ kinh nghiệm của mình, chị Mỹ Phụng cho biết: "Nếu cho rằng phụ nữ phải quản lý tài chính để giữ được chồng thì... e là không còn hợp thời. Những khoản chi của mỗi cá nhân cho nhu cầu riêng, dù không mờ ám, nhưng lâu ngày sẽ khiến người kia khó chịu, đến một lúc nào đó trở thành bất hòa. Tài khoản riêng cho phép mỗi người đảm bảo được những nhu cầu cần thiết và giảm bớt sự chú ý đến thói quen chi tiêu của người bạn đời. Nhờ đó, giải tỏa được áp lực cho cả hai".
 
Theo Phụ nữ
Chia sẻ