Nàng dâu "chết khiếp" với… bữa cơm sum họp
Bà Thụy tự hào vì mười mấy năm nay vẫn duy trì được truyền thống tổ chức bữa cơm sum họp cả đại gia đình vào mỗi cuối tuần. Nhưng với nàng dâu thì đó là ác mộng.
Mẹ chồng ốm vẫn cứ liên hoan
Chị Hoàn, 38 tuổi, con dâu bà Thụy (Cầu Giấy, Hà Nội), kể rằng chị từng mừng rơn khi thấy mẹ chồng ốm vào đúng thứ 7, ốm ra ốm. Không phải chị ghét bà, chỉ vì bản thân chị quá mệt. Nếu vì mẹ ốm mà hủy được vụ liên hoan định kỳ vào chủ nhật thì chị sẽ nhờ thế mà được nghỉ ngơi theo, kỳ nghỉ hiếm hoi trong mười mấy năm làm dâu. Thế nhưng bà Thụy bảo: “Cứ làm con ạ. Không thể vì mẹ mà để cả gia đình mất vui. Mẹ ốm không ăn được thì sẽ ra ngồi nhìn mọi người là đủ vui rồi”. Hoàn méo mặt.
Tuần nào cũng như tuần nào, cứ trưa chủ nhật là vợ chồng con cái hai bà chị, một cô em của chồng Hoàn tập trung hết về nhà chị để ăn uống. Dĩ nhiên là phải làm cỗ bàn linh đình, với các món ăn tươi được thay đổi mỗi tuần. Cả đại gia đình gần hai chục người, nhưng hầu như có mỗi Hoàn chợ búa nấu nướng, đôi khi mẹ chồng phụ giúp tí chút. Còn các cô, các bác thì gần đến giờ ăn mới xuất hiện, niềm nở xông vào bếp hỏi hôm nay ăn gì đấy, ôi ngon thế, rồi lại ào ra phòng khách buôn chuyện, nhiệt tình thì bưng hộ đĩa bát ra mâm. Ăn xong, trong khi mọi người trò chuyện rôm rả thì Hoàn lụi cụi rửa mâm bát, dọn nhà, vứt rác…, xong xuôi cũng gần hết buổi chiều. Chị lại cố lo bữa tối cho xong để còn ngả lưng một chút lấy sức mai đi làm.
“Bố mẹ chồng mình coi bữa cơm sum họp ấy là bằng chứng gia đình hạnh phúc, đoàn kết yêu thương nhau, nên dù nắng mưa rét mướt vẫn động viên con cái duy trì. Kể cả lúc các cụ ốm cũng vì con vì cháu mà không cho bỏ. Thực ra mà nói, những cuộc như thế cả nhà ai cũng vui cả, nên ai cũng thấy là cần thiết, chả có lý do gì không thực hiện. Chỉ có mình là mệt thôi”, Hoàn tâm sự.
Trong mười mấy năm làm dâu, số chủ nhật không có “bữa cơm sum họp” đếm chưa hết 10 đầu ngón tay. Đó là khi thành phần tham gia vắng quá nhiều, hoặc một trong hai ông bà phải nằm viện vì ốm nặng.
Hết chuyện bạn bè, giải trí
Phương Dung, 28 tuổi, sống ở Đống Đa, Hà Nội, cũng than thở: “Mỗi tuần làm việc 7 ngày, ngày chủ nhật thì phục vụ tiệc tùng cho cả đại gia đình nhà chồng, em như cái máy vận hành quanh năm không có thời gian bảo dưỡng, không còn chút thời gian nào để gặp gỡ bạn bè”.
Muốn mua sắm gì cho bản thân hay gia đình, muốn làm việc thăm nom, hiếu hỉ, Dung chỉ có thể đi vào giờ nghỉ trưa trong các ngày làm việc. Chủ nhật muốn đưa con đi chơi ngoài một chút thì chỉ có cách tranh thủ 2 tiếng đồng hồ cuối buổi chiều, nhưng tối đó thì cô kiệt sức.
“Nhiều lúc em tỉ tê với chồng rằng cuối tuần em muốn thỉnh thoảng cà phê với anh, hoặc cùng đi xem phim cho thay đổi không khí. Ông ấy bảo có mỗi hai đứa ngồi ngơ ngáo ở quán cà phê sao vui bằng ở nhà đông đủ, tán phét với anh chị em được. Ông ấy làm như không biết rằng vợ ông ấy chỉ có mỗi cái quyền cắm mặt vào bếp. Nếu em được ngồi ung dung ăn uống, tán phét và hóng chuyện như họ thì em cũng thích bữa cơm sum họp gia đình lắm”, Dung nói
Dung chẳng bao giờ tham gia được các cuộc gặp gỡ, tụ tập của bạn bè, vì toàn được tổ chức vào cuối tuần, trùng lịch ăn uống của mẹ chồng cô. Gần đây, các bạn cấp ba kỷ niệm 10 năm ra trường, Dung cố gắng thuyết phục mẹ chồng nghỉ “sum họp” một bữa, bà gắt: “Chỉ vì một mình chị mà cả nhà phải mất vui hay sao?”. Dung rụt rè: “Hay mẹ cho phép con đặt người ta nấu?”. Mẹ chồng bảo: “Ý chị là chị sẽ trả tiền chứ gì? Chị nghĩ tiền có thể thay được tình cảm và trách nhiệm đối với gia đình à? Bữa cơm đoàn viên mà còn đi thuê nấu thì còn ra cái gì hả”. Thế là xịt, Dung không dám đi họp lớp nữa.
Đến con trai cũng… hãi
Thực ra không phải chỉ các cô con dâu mới ức chế vì quy định “đoàn tụ mỗi tuần” của bố mẹ. Ở gia đình chị Mai, chính chồng chị đã phải lên tiếng. Đó là hôm anh thông báo chủ nhật tới, vợ chồng anh sẽ không ăn uống với cả nhà vì phải dự liên hoan với các bạn anh.
Bà mẹ nói: “Thế thì mày đi một mình thôi, cho bọn trẻ con đi cũng được, còn cái Mai có biết uống rượu đâu, đi làm gì”. Con trai bà bảo, hôm đó ai cũng mang vợ đi cả, anh không mang người ta lại tưởng vợ chồng có vấn đề, vả lại Mai cũng lâu không được giao lưu rồi. Mẹ anh than thở rằng con với cái, được bữa sum họp gia đình thì bỏ đi cả, chúng mày bây giờ quá coi nhẹ các giá trị truyền thống.
Mai kể: “Mẹ chồng không nói gì quá căng thẳng cả, nhưng chồng mình chắc cũng ấp ủ lâu rồi nên kéo ghế ra ngồi đả thông mẹ luôn. Anh ấy bảo ngày nào bọn con chả ở với mẹ, có phải cuối tuần mới sum họp đâu; còn các cô các chú ít gặp mẹ hơn nên cuối tuần đến ăn bữa cơm, nếu thỉnh thoảng vắng mặt bọn con thì vẫn vui chứ sao. Anh ấy nói con đi làm cả tuần, nên chủ nhật nhiều khi cũng có những việc cần giải quyết, những mối quan hệ cần chăm sóc, cả vợ con cũng thế”.
Rồi chồng Mai đề nghị mẹ không liên hoan hằng tuần nữa, mà mỗi tháng một lần thôi. Những chủ nhật khác cô chú nào sang thăm mẹ thì có gì ăn nấy, không bày vẽ cho mệt. Thấy con trai ý tứ dứt khoát, lập luận rõ ràng, bà mẹ đành phải nghe, nhưng bà tủi thân bỏ về phòng, buồn hết cả ngày. Rồi dần dần, bà thấy hài lòng với mỗi tháng một lần “yến tiệc” khi nhận ra ngay cả các con đã ở riêng cũng ủng hộ ý tưởng đó, bởi bản thân họ cũng có việc phải làm.
Mai nói, cô đang nghĩ cách để bữa cơm sum họp trở nên “dễ chịu” hơn nữa, giống như nhà bố mẹ đẻ của cô: “Các bữa tụ họp ở nhà mẹ đẻ, em ít được tham gia, nhưng mà lần nào cũng vậy, mọi người không kể dâu cả hay dâu thứ, con dâu hay con gái đều xúm vào làm, nếu nhiều việc thì đàn ông cũng tham gia. Không có ai phải cặm cụi hầu hạ người khác nên ai cũng thoải mái, ngay khi nhặt rau, nấu nướng là đã trò chuyện rất vui rồi. Ăn xong cũng mỗi người một tay dọn dẹp, rồi cùng vào hàn huyên, mọi người đều được hưởng thụ, thư giãn”.
Theo Mai, một bữa cơm đoàn viên đúng nghĩa phải đem lại niềm vui cho mọi thành viên, từng người đều cảm nhận được ý nghĩa của nó, chứ không phải nàng dâu phải một mình phục dịch đầu tắt mặt tối trong khi mọi người “đoàn tụ với nhau”. Mai nghĩ, cô sẽ “xúi” chồng tác động dần dần để bữa cơm đoàn viên ở gia đình chồng cũng được như thế.