Mong ước “tầm phào”
Ít ai biết rằng, giờ anh chẳng thèm nhà hàng sang trọng, chẳng thèm sơn hào hải vị, chỉ thèm một buổi chiều vợ anh tự mình vào bếp, chuẩn bị vài món ăn cho mấy cha con.
“Mày sướng!” là hai chữ mà bạn bè hay bình luận về cuộc sống gia đình của anh. Các bạn bảo: “Một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh, ông đủ cả. Mà vợ ông thì vừa đẹp, vừa giỏi, giám đốc cả một công ty lớn chứ ít đâu. Ông còn đòi gì nữa?”.
Tuy nhiên, ở trong chăn mới biết chăn có rận, dù vật chất đủ đầy, nhưng anh vẫn thiếu, vẫn thèm nhiều thứ lắm. Những thứ đơn giản, bình dị mà những người đàn ông khác đều dễ dàng có được.
Ít ai biết rằng, giờ anh chẳng thèm nhà hàng sang trọng, chẳng thèm sơn hào hải vị, chỉ thèm một buổi chiều vợ anh tự mình vào bếp, chuẩn bị vài món ăn cho mấy cha con. Anh có thể phụ nàng lặt rau, rửa chén…, cực chút cũng được. Rồi cả nhà quây quần bên nhau quanh mâm cơm chiều, đầm ấm vui vẻ. Nhưng đó chỉ là mơ ước xa vời. Năm năm rồi, cơm nhà anh do một tay chị Tư giúp việc nấu.
Phần vợ anh, cứ đến chiều là gọi điện về, bảo ba cha con ăn cơm trước, còn mình thì lúc bận duyệt hồ sơ, khi bận tiếp đối tác, lúc thì bận giải quyết sự cố bất ngờ… Sau này, vợ anh cũng chẳng thèm điện thoại. Ba cha con mặc nhiên thấy nàng không về là tự hiểu, lủi thủi ăn cơm trước. Một tháng, số lần cha con anh ăn cơm chung với nàng chắc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Dù nhà cửa khang trang, vật chất đầy đủ, nhưng anh vẫn thèm một bàn tay phụ nữ cùng mình chăm sóc gia đình. Có lần, anh thủ thỉ đề nghị vợ bớt chút ít thời gian cho gia đình, nàng gạt phắt: “Anh rỗi hơi quá! Muốn gì thì đã có chị Tư. Em đâu có dư thời gian cho mấy việc tầm phào đó”. Nghe hai chữ “tầm phào” của nàng, bao nhiêu lời anh muốn nói đành nuốt ngược vào bụng. Chị Tư có thể thay nàng nấu cơm, rửa chén, giặt giũ, ru thằng Bi ngủ… Nhưng chị Tư không phải là vợ, là mẹ, có nhiều chuyện chị không làm được. Bé Tin vừa dậy thì, cần một người mẹ tâm sự theo kiểu “chuyện con gái chúng mình”, mà chị Tư thì ít học, lại thiếu sự tinh tế và lòng yêu thương để kiên nhẫn làm việc này.
Cuối cùng, anh cực chẳng đã phải thay vợ làm chuyện đó. Phần mình, nhiều khi anh cũng “tầm phào” thèm một vòng tay âu yếm, thèm một sự chăm sóc dịu dàng của người phụ nữ, chẳng lẽ cũng phải tìm đến chị Tư?
Nếu có ai hỏi anh ghét món đồ nào của vợ nhất, anh không ngần ngại khẳng định ngay, đó là cái laptop. Làm việc cả ngày, thậm chí là cả buổi tối dường như chưa đủ, nàng thường xuyên tha luôn cả công việc vào phòng ngủ. Cảnh thường thấy trong phòng ngủ của anh vào lúc 23g là nàng hí hoáy với cái laptop, còn anh thì mỏi mắt nằm… chờ. Riết rồi anh đâm chán, cứ tầm 22g là anh ngủ trước cho khỏe thân. Nói ra thì ngại, chứ thật tình muốn thân mật với vợ, anh phải canh cho đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. “Thiên thời” là việc kinh doanh của nàng đang xuôi chèo mát mái, “địa lợi” là nàng không có nhiều việc bận rộn với cái laptop khi đêm về, còn “nhân hòa” là tâm trạng của nàng vui vẻ. Thỉnh thoảng, anh tặc lưỡi tự trào: “Nhiều khi ngoại tình với… vợ hàng xóm còn dễ hơn!”.
Đã không biết bao lần anh đấu tranh với vợ để nàng bớt bớt công việc lại, nhưng chưa lần nào anh thành công. Vợ anh lúc nào cũng đầy đủ những lý lẽ sắc bén để phản bác, nào là nàng phải quán xuyến kinh tế gia đình, nào là công việc là niềm đam mê của nàng mà người chồng như anh phải biết trân trọng… Nói lý thì anh nói không lại, nhưng anh chỉ biết một điều, nếu được quyền chọn lựa, anh thà “một tầng, hai bánh” với đồng lương đủ sống của bản thân, chỉ mong đổi lấy một người vợ biết “lùi về hậu phương”, với những phút giây đầm ấm gia đình.