Làm dâu ba chồng
Làm dâu mẹ chồng đã khổ, nhưng có nhiều người, làm dâu ba chồng còn khổ hơn gấp nhiều lần.
Ai ở xóm cũng biết chuyện làm dâu của Hằng (26 tuổi, Đắk Lắc) bởi nó khá ngược đời và có phần "cười ra nước mắt”. “Người ta thì đau khổ, bế tắc vì làm dâu mẹ chồng, còn mình thì chán chường, bất mãn vì làm dâu ba chồng. Nói ra không ai tin chứ mẹ chồng mình hiền hậu, dịu dàng, dễ tính với con dâu như thế nào thì ba chồng lại hạch sách, bắt bẻ, chua ngoa với con dâu bấy nhiêu”.
Chồng Hằng là con 1 nên khi cưới, cô dĩ nhiên phải về làm dâu. Khi yêu nhau, Hằng đã sợ ba chồng. Ông vốn là bác sĩ về hưu nên tính tình gọn gàng, sạch sẽ đến thái quá. Đặc biệt, ông rất thích nói chuyện đạo lí với mọi người, lúc nào ông cũng nói tôi là tôi phải thế này…, tôi là tôi phải thế kia… mà không hề chủ ý đến thái độ người nghe.
Ngay đêm tân hôn, Hằng đã bị ba chồng “dạy” cho một trận “xám hồn”. “Vừa tan khách, mình còn chưa kịp thay váy cưới đã bị ông gọi ngồi xuống nói chuyện. Mình ngạc nhiên lắm vì chẳng biết ông định nói chuyện gì. Mình xin ông cho đi thay váy rồi nói chuyện sau cho tiện thì bị ông mắng cho một tràng. Ông bảo mình dâu con chưa chi đã hỗn, ba chồng nói mà không biết nghe lời. Mình hết hồn vội vã thanh minh rồi ngồi xuống cho yên chuyện. Sau đó, ông bắt đầu nói về tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh, về những phẩm chất cần có của người vợ, người mẹ, người con dâu trong nhà. Mình nghe tới tận 11 giờ khuya đến choáng váng cả mặt mày. Nếu không có mẹ và chồng đứng ra nói giúp, giải thoát cho mình thì e là mình cũng chưa thể đi ngủ được”. Đối với Hằng, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để cô không thể quên được đêm tân hôn nhớ đời của mình.
Sau đó, Hằng dần dần “tận hưởng” cuộc sống làm dâu cha chồng không mấy thú vị. Ba chồng cô xét nét con dâu đến mức mẹ chồng, và chồng cô phải lên tiếng bênh vực cô. Nhà chồng ở quê, ba chồng cô lại có tư tưởng lạc hậu nên chỉ cần thấy con dâu mặc quần đùi ngắn ngắn đã lên tiếng ngay. Vì thế, dù đi ngủ, hay chỉ làm công việc loay hoay trong nhà, cô vẫn phải mặc quần áo dài tay, kín cổng cao tường.
Lâu lâu đi đám cưới, thế nào trong nhà cô cũng có chuyện xảy ra. Thấy con dâu mặc váy đi dự tiệc, ba chồng cô lại mỉa mai các kiểu: “Đi ăn đám ở quê mà cũng váy này áo kia”, “Mặc hở hang ra đấy cho thiên hạ người ta nhìn, đẹp mặt lắm đấy”… Mẹ chồng cô phải lên tiếng ông mới chịu thôi nhưng vẻ mặt vẫn rất tức tối.
Lâu dần, Hằng sợ ba chồng đến nỗi cô không bao giờ dám nhìn mặt ông. Ông ở nhà trên thì cô ở nhà dưới, ba chồng xuống nhà dưới thì cô lại lẩn ra bếp hoặc ra sau vườn. “Mình mua trái cây về để trong tủ lạnh ăn dần cũng bị ông nói phung phí, mình rửa chén, ông cũng đứng săm soi rồi cầm chén ngửi lại xem sạch chưa. Mình nấu ăn cũng bị chê mặn nhạt dù ai cũng khen ngon. Thậm chí, mình bệnh nằm liệt trên giường, mẹ chồng nấu cháo bưng vào cho ăn cũng bị ông trách mắng là lười biếng, vô tích sự khi để mẹ chồng hầu hạ… Mình thật sự chẳng biết sống thế nào cho vừa lòng ông nữa”, Hằng khổ sở nói.
Trường hợp của Hà (27 tuổi, TPHCM) cũng chẳng khác Hằng là mấy, thậm chí còn bi đát hơn. Vốn là Hà có thai trước nên ba chồng cô ngay lúc đầu đã không có ấn tượng tốt về con dâu. “Khi ấy, đám cưới mình chỉ đơn sơ vài bàn đãi họ để thông báo mình và chồng đã chính thức cưới nhau. Ba chồng mình suốt ngày cưới không cười một cái, dù chỉ hé môi. Sau khi cưới, ở chung với ông, mình càng thấm thía hơn nỗi đau và nhục của việc làm dâu ba chồng. Ai nói làm dâu mẹ chồng khổ, ít ra mẹ cũng là phụ nữ, vẫn dễ để nói chuyện hơn ba chồng, làm dâu ba chồng mới thật sự là địa ngục khi làm gì cũng bị xét nét, bị mắng chửi, thậm chí là đuổi đi”.
Khi mang thai, dù nghén tới nghén lui Hà vẫn phải làm mọi việc nhà. Ba chồng cô còn ra vào nói móc mỉa, ông luôn cho rằng đứa bé trong bụng cô chưa chắc đã là con cháu nhà này. Điều này làm cô hết sức đau khổ nhưng không dám lên tiếng vì chính mình đã “hư” trước. Khi sinh cháu, ông cũng không một lần ngó ngàng đến con cô. Nghe ai khen thằng bé nhìn giống ông nội là ông lại bảo: “Chắc gì cháu nội tôi mà bảo giống với không giống”. Mẹ chồng Hà phải nói mãi ông mới thôi nói như vậy, nhưng bế cháu vẫn là chuyện không tưởng.
Cũng vì ghét nên dù Hà làm gì, ba chồng cô cũng không vừa lòng. Cô quét sân vừa xong thì cây xoài trước nhà lại rụng lá xuống, ông nhìn thấy sân vẫn còn lá là mắng Hà ngay. Hà im lặng kệ ông thì ông nói một lúc lại thôi, nhưng những khi bực bội, Hà nói lại thì ngay lập tức bị ông mắng cho một trận vì tội láo, ba chồng nói mà dám cãi lại. “Không lẽ, mình phải canh lá rụng để quét suốt ngày, thật chỉ muốn chặt cây xoài đó đi”, Hà nhăn nhó chia sẻ.
Ba chồng cô cũng không muốn cho gia đình nhỏ của Hà đi đâu. Mỗi lần xin về ngoại là mỗi lần Hà thấy tủi thân vô cùng. Ba chồng cô khi vui thì cũng cho đi, nhưng bao giờ cũng thêm vài câu kiểu “Đi, suốt ngày chỉ biết đi. Là con người khác mà cứ ngóng ngóng về ngoại là không được rồi”, hay “Đi rồi ở luôn đi, đừng vác mặt về nữa”. Còn những khi ông buồn bực trong người là không chỉ không cho đi, ông còn mắng cho 2 vợ chồng một trận. Có khi chồng Hà bực tức quá, lên tiếng nói lại thì ông cầm chổi đánh cả con trai vì lí do “nghe lời vợ nên hư hỏng, cãi lời ba mẹ”.
Một lần, khi đang ăn cơm, Hà đút cho thằng bé ăn thì nó gạt tay rồi khóc lóc ầm ĩ không chịu ăn. Giận con, Hà phát vào mông bé một cái. Không ngờ, ba chồng cô hầm hầm đứng dậy hất tung cả bàn ăn vì “Nó dám đánh dằn mặt tui, cái thứ con dâu mất nết, có chửa trước mà còn không biết điều”, rồi đuổi Hà đi. Cả nhà phải nói ra nói vào ông mới thôi mắng, còn Hà, cô chỉ biết khóc cho phận làm dâu của mình.
“Chắc mình phải chuyển ra riêng. Chỉ tội mẹ chồng, mẹ thương mình lắm nhưng vẫn sợ ba nên không bao giờ dám nói lại. Sau những lần bị ba mắng chửi đuổi đi, mình với mẹ lại ôm nhau khóc. Nhưng sống như vậy hoài, chắc có ngày, mình chịu không nổi mà làm càn quá. Tất cả chỉ vì mình có thai trước nên mới bị ông xem thường như vậy. Dù mình cố gắng sống tốt thế nào, đối với ông, mình cũng chỉ là kẻ xấu xa, hư hỏng mà thôi”, Hà nói trong nước mắt.