"Gồng gánh" cùng nhau
Nghĩ cho cùng, khó mà có sự hoàn hảo. Kể cả những “cặp đôi hoàn hảo” cũng chỉ là hoàn hảo một cách tương đối và trong một vài lĩnh vực nào đó thôi.
Đã có gia đình là phải mang trách nhiệm với gia đình. Tất cả những người đàn ông bình thường đều nghĩ như vậy và đều cố gắng trong khả năng của mình để làm như vậy. Nhưng để có thể lo cho gia đình mình một cách tối đa trong khi vẫn bảo đảm làm công việc của mình một cách tốt nhất thì quả thật khó. Công việc gia đình gồm một số đầu việc lặp đi lặp lại và một số đầu việc phát sinh. Nhiều khi tôi có thể làm tốt một số đầu việc phát sinh nhưng lại không làm tốt những đầu việc quen thuộc lặp đi lặp lại. Đành phải trông cậy vào vợ mình, và nhiều khi trông cậy một cách vô tư, nói rõ hơn là ỷ lại.
Bây giờ thì khác hẳn. Trong gia đình không chỉ người đàn ông mà cả phụ nữ cũng có nhiều việc để làm, nhiều mối để lo toan, và nhiều cánh cửa có thể mở ra cho sự thành đạt. Vì thế, gia đình bây giờ cũng khác. Công việc giữa hai vợ chồng được phân công một cách bình đẳng hơn, nhất là những đầu việc “trong nhà” thường lặp đi lặp lại. Con trai tôi bây giờ cũng phải biết đưa đón con, chứ không thể phó thác hết cho vợ nó. Phải biết cân đối giữa công việc của mình và công việc nhà, trong đó có việc dạy dỗ con. Với những gia đình có thu nhập còn thấp, thì việc nhà thường được thu gọn tới mức tối thiểu, để thời gian cho những công việc làm thêm hay kiếm tiền. Tôi rất quý những người đàn ông biết làm thêm, biết kiếm tiền một cách chính đáng cho gia đình mình. Dĩ nhiên, khi anh dồn tâm sức vào công việc ngoài giờ, anh sẽ rất khó chu toàn những công việc trong nhà. Nhưng đó là điều cả hai vợ chồng phải vui vẻ chấp nhận.
Chỉ có điều, những áp lực của cuộc sống không chỉ là áp lực của kinh tế, của đồng tiền. Làm ra nhiều tiền chưa hẳn đã có hạnh phúc.
Dẫn con trẻ đi tô tượng ở siêu thị, hay đọc cho con nghe một câu chuyện cổ tích, mở cho con nghe một bản nhạc, tặng cho vợ một bông hoa trong ngày 8/3… Những việc ấy đều có thể mang lại hạnh phúc.
Và, biết quan tâm tới người khác, biết chìa tay giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, đau khổ hơn mình, biết đóng góp cho cộng đồng cũng là một cách mang lại hạnh phúc cho chính mình và gia đình.
Hơn thế nữa, biết quan tâm, sẻ chia tới vận mệnh của đất nước, biết sống như một người Việt Nam yêu nước một cách bình thường và lặng lẽ, ấy cũng là niềm hạnh phúc cho chính mình và gia đình. Nếu gia đình mình là một con thuyền nhỏ, thì có hàng triệu con thuyền như thế của đất nước đang lướt trong biển đời. Sự cưu mang, giúp đỡ nhau giữa những con thuyền nhỏ ấy mang lại một sự sống lớn hơn, một niềm hạnh phúc lớn hơn. Nói to tát như vậy, với tôi, tôi luôn tự dặn dò mình “chung tay với vợ” một cách cụ thể...