Đêm tân hôn của vợ chồng nghèo
Điều khiến chị không bao giờ quên được đầu tiên phải kể đến chính là đêm tân hôn - đêm đầu tiên đánh dấu 2 người chính thức là của nhau
Vậy là sắp 10 năm ngày anh chị cưới nhau. 10 năm qua, rất nhiều chuyện đã xảy ra, có việc là vui, có sự kiện là buồn, 2 đứa con lần lượt ra đời, anh chị cũng đã xây dựng cho mình một cơ ngơi kha khá. Thế nhưng, điều khiến chị không bao giờ quên được đầu tiên phải kể đến chính là đêm tân hôn - đêm đầu tiên đánh dấu 2 người chính thức là của nhau, thành vợ thành chồng, sẽ cùng bên nhau dù sướng khổ, vui buồn sau này.
Nhớ năm đó, anh chị đều là dân tỉnh lẻ lên học hành rồi lập nghiệp ở thành phố. Đám cưới được tiến hành cũng là để… tiết kiệm! Anh đã nhìn chị đắm đuối mà rằng: “Đằng nào chẳng cưới nhau mà em, giờ cưới luôn có phải không? Về ở chung, tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền chi tiêu giảm đi đáng kể, thành ra mình tiết kiệm được kha khá khoản đấy em ạ!”. Trước lời cầu hôn sặc mùi tiền đó của anh, chị cười như nắc nẻ, rồi sung sướng gật đầu đồng ý ngay chẳng cần suy nghĩ. Nhưng sau này anh mới thổ lộ rằng, anh thì nghèo rớt mùng tơi, chỉ sợ yêu thêm vài năm nữa mới cưới, để chị xinh tươi nhởn nhơ như thế, lại có chàng nào nẫng mất thì toi!
Hai người chả ai có nổi một món tiết kiệm, lương bèo bọt nên được bao nhiêu đều xào hết bấy nhiêu, đám cưới thật là khó khăn trăm bề. Bố mẹ 2 bên cũng đều nghèo nào có gì cho, vì thế tiền cỗ bàn, các khoản chi phí cho đám cưới, anh chị đều phải đi vay mượn cả. Lúc đi đặt cỗ, khách sạn nói sẽ tặng kèm một phòng tân hôn cho cô dâu, chú rể. “Nếu chúng tôi không cần phòng đó thì có bớt được chút chi phí nào hay không? Đành rằng đó là phần khuyến mại thêm…” - chị nảy ra ngay sáng kiến để tiết kiệm. Có lẽ nhìn vẻ mặt đáng thương của chị, nghĩ cám cảnh cho đôi vợ chồng nghèo mà nhà hàng đã đồng ý.
Hai người chả ai có nổi một món tiết kiệm, lương bèo bọt nên được bao nhiêu đều xào hết bấy nhiêu, đám cưới thật là khó khăn trăm bề (Ảnh minh họa).
Ngày cưới, sau khi bận bận rộn rộn, đi chào khách khắp các bàn gãy cả chân, cười xái cả quai hàm thì cũng đến lúc tàn tiệc. Chị ỉ ôi mượn tạm một phòng của khách sạn chốc lát để… đếm phong bì, chứ chả lẽ ngồi ngay giữa sảnh đổ đám phong bao ra đếm! Nóng ruột kiểm kê tiền mừng như thế là do anh chị không có sẵn tiền mặt trong tay, bóc phong bì ra để còn thanh toán nốt cho nhà hàng chứ không chỉ còn nước cắm người ở lại mất! Thay vội trang phục cô dâu - chú rể ra, anh chị bắt đầu công cuộc quan trọng nhất đối với 2 người (ít nhất là vào thời điểm đó). Từng bao thư được xé, từng tờ tiền được xếp ra phẳng phiu một cách đầy trân trọng. Hồi hộp lắm, 2 vợ chồng chụm đầu vào đếm cho đến khi bao thư cuối cùng được mở ra. “Đủ tiền trả nhà hàng rồi anh/em ạ!” – tân lang, tân nương đồng thanh hét lên vui sướng.
Không lấy phòng tân hôn ở khách sạn, vì thế sau khi làm xong thủ tục với nhà hàng, anh chị lại đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng về căn phòng trọ - tổ ấm mới của mình. Căn nhà trọ này anh mới tìm được, ở hơi xa trung tâm một chút cho rẻ, nhưng được cái cũng sạch sẽ, thoáng đãng. Đi được nửa đường, bụng chị réo òng ọc từng hồi, lúc ấy cả 2 mới sực nhớ ra là đều chưa có gì bỏ bụng suốt từ chiều. Chạy tăng tốc về đến phòng thì cả anh và chị đều đói mềm. Thế là mỗi người một bát mì tôm nóng hổi rắc vài cọng hành, trộn thêm ít cơm nguội cho chắc dạ đã được anh chị hưởng ứng một cách rất nhiệt tình! Và mì gói cũng là người bạn đồng hành của 2 người cả một thời gian dài sau ngày cưới.
Sau khi đánh chén sạch bách bát mì, anh chị lên giường… ôm nhau ngủ 1 mạch đến sáng vì quá mệt. Đêm tân hôn chẳng hề có những khoảnh khắc nồng nàn, say đắm thế nhưng 2 người vẫn vui như Tết vì đã lấy được nhau rồi - đó mới là điều quan trọng nhất. Đến tối hôm sau thì 2 người mới làm cái việc mà người ta hay làm vào đêm tân hôn ấy!
Đêm tân hôn của cặp vợ chồng nghèo không có nến, chẳng có hoa hay rượu vang, thậm chí cả chăn nệm mới cũng chẳng có (Ảnh minh họa).
Kết thúc đám cưới, cả anh và chị nhanh chóng trở lại với guồng quay công việc, chẳng biết khái niệm tuần trăng mật là gì. Cuộc sống hôn nhân của 2 người đã khởi đầu như thế đó, chẳng suôn sẻ, chẳng lãng mạn, chỉ giản đơn đến tội nghiệp và nhuốm đầy màu thực dụng, nhưng chị - cô dâu mới lại chẳng chút chạnh lòng. “Có sao dùng thế, biết làm sao được!”, hay “Ít nữa có điều kiện hưởng bù!” là những câu nói chị hay nói với mọi người mỗi khi được hỏi, cũng chính là để động viên chính bản thân mình trong những bước đường khó khăn của cuộc sống sau này.
Đêm tân hôn của cặp vợ chồng nghèo không có nến, chẳng có hoa hay rượu vang, thậm chí cả chăn nệm mới cũng chẳng có, ấy thế nhưng lại trở thành một kỉ niệm khó phai mờ trong tâm trí chị. Sau này có khi nào chợt nhớ về, nước mắt chị lại không khỏi rưng rưng. Buổi chiều của ngày kỉ niệm 10 năm ngày cưới, định bụng về nhà sớm để chuẩn bị đãi cả nhà 1 bữa ra trò. Vào nhà, chẳng thấy bóng dáng mấy đứa trẻ đâu, chỉ nhác thấy anh đang kì cạch nấu gì đó trong bếp. Nghe tiếng chị về anh nói với ra: “Em đi tắm đi rồi ăn cơm, hôm nay 2 vợ chồng mình đánh lẻ, các con gửi ông bà hết rồi!”. Chị cười tủm tỉm, lấy quần áo vào nhà tắm.
Xong xuôi, ngồi xuống bàn ăn, nhìn những thứ trong mâm mà nước mắt chị cứ chảy dài: trên bàn là 2 bát mì tôm rắc vài cọng hành, bên cạnh là nồi cơm trắng để trộn thêm khi cần. Hóa ra anh chẳng bao giờ quên, cũng như chị vậy. “Ăn đi em! Hết đấy nhé!” - anh bê bát mì lên, hào hứng nói với chị. Chị gạt nước mắt, mỉm cười bắt đầu ăn mì, vừa ăn vừa nghe tiếng anh dịu dàng nói: “Anh ước 10 năm nữa mình sẽ vẫn được cùng nhau ăn mì như thế này…”.