Day dứt vì vô sinh do nạo phá thai

Theo VnE,
Chia sẻ

Sau đám cưới hơn một năm vẫn chưa có bầu, chị Minh vừa sốt ruột vừa lo lắng. Trong thời gian chờ kết quả khám của hai vợ chồng, chị càng thấp thỏm, lòng nóng như lửa đốt...

Cách đây 5 năm, dù biết anh Đạt có gia đình, nhưng chị Minh – nhân viên kế toán một công ty bất động sản ở Cầu Giấy, Hà Nội, vẫn lao vào vì thấy anh là người đàn ông vừa tài giỏi, vừa ga lăng, đẹp trai. Sau nhiều lần quan hệ với nhau, chị có bầu và đành đi phá thai. Cuối cùng, anh Đạt cũng bỏ vợ và cưới chị. Chị Minh về chăm sóc chồng cùng con trai anh và mong mỏi được làm mẹ. Thế nhưng sau gần hai năm kết hôn, chị vẫn chưa có thai.

“Mình rất sợ. Trước đây mình vô cùng ‘nhạy”, chỉ lỡ không tránh thai cái là dính ngay, thế mà, bây giờ, đợi chờ mãi chẳng thấy gì. Chồng mình thì còn lưu luyến vợ cũ, cũng chẳng mặn mà gì với mình, thằng con anh ấy cũng có coi mình ra gì đâu”, chị Minh thổn thức kể.

Kết quả khám càng làm chị bàng hoàng hơn. Bác sĩ cho biết chị bị tắc vòi trứng – có lẽ do viêm nhiễm sau những lần nạo thai, và cơ hội làm mẹ của chị rất thấp.



“Lâu lắm rồi mình không có một giấc ngủ ngon, lúc nào cũng nghĩ tới những chuyện trước đây và hậu quả phải gánh chịu bây giờ. Chắc chắn mình sẽ cố gắng chạy chữa mọi cách để có con, nếu không, chẳng biết cuộc sống của mình sẽ đi tới đâu” chị Minh thổ lộ.

Dù đã có một cô con gái xinh xắn nhưng chị Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) vẫn khao khát được làm mẹ lần nữa và vô cùng khổ tâm khi không thể thực hiện được điều này. Con gái đầu đã 9 tuổi nên đi đâu chị cũng được hỏi "Bao giờ tập 2?" nên càng buồn hơn.

Chị Ngọc kể, sau khi sinh con đầu được một năm thì chị có bầu lại. Kinh tế khó khăn, công việc chưa ổn định nên hai vợ chồng chị bàn bạc và thống nhất với nhau là sẽ không sinh em bé này. Thực ra, chị không hợp đặt vòng, uống thuốc lại hay quên nên cuối cùng anh chị quyết tính vòng kinh và những hôm không an toàn mà muốn "yêu" thì chồng chị phải đeo bao. Thế nhưng họ vẫn bị vỡ kế hoạch. Sau đó hơn một năm, chị Ngọc lại có bầu tiếp. Lúc này, chị đang phấn đấu lên chức trưởng phòng ở công ty, nếu có bầu và nghỉ sinh, mọi cố gắng của chị sẽ thành vô nghĩa. Chị quyết định bỏ thai lần nữa.

Khi cô con gái lớn 5 tuổi, anh chị muốn có em bé thứ hai nên không "kiêng" nữa. Thế nhưng, dù "thả" cả năm chị Ngọc vẫn chẳng có dấu hiệu bầu bí gì nên đi khám. Bác sĩ cho biết, chị bị dính buồng tử cung và việc chữa trị không đơn giản. Suốt gần 4 năm qua, tình hình của chị vẫn chưa có tiến triển gì.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y khoa Thái Hà (Thái Hà, Hà Nội) cho biết, bình thường, bộ phận sinh dục của phụ nữ đã dễ viêm nhiễm do cấu tạo bên trong, có nếp gấp, lại bị hành kinh hằng tháng. Khi phá thai, khả năng này càng cao hơn bởi phải dùng dụng cụ bên ngoài can thiệp vào tử cung, dễ gây viêm nhiễm và làm tổn thương ở các phần phụ. Nguy cơ lớn nhất cho chị em nạo phá thai là bị viêm nhiễm bộ phấn sinh dục, dính, tắc vòi trứng, ngoài ra còn có thể bị dính tử vung, thủng tử cung và có những người sẽ không bao giờ có thể bình phục lại được.

Nếu chị em thực hiện thủ thuật ở các cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện vô trùng hay bác sĩ kém chuyên môn, hoặc phá khi thai đã to, điều này càng dễ xảy ra.

Một khảo sát về nguyên nhân gây vô sinh được thực hiện tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ với hơn 4700 người mấy năm trước cho thấy: trong số những phụ nữ vô sinh thứ phát có đến hơn 60% có tiền căn nạo phá thai. Cụ thể, những người từng nạo phá thai trước đó sẽ có nguy cơ bị vô sinh thứ phát gấp 2,5 lần so với những chị em chưa từng thực hiện thủ thuật này. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tuổi thai lúc nạo phá càng cao thì càng tăng nguy cơ vô sinh và nơi tiến hành thủ thuật như tuyến huyện xã thì khả năng vô sinh cũng cao hơn.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết, với tất cả những chị em tới yêu cầu được phá thai bà đều thông báo rõ về các nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện thủ thuật này, đồng thời tư vấn cho họ cố gắng giữ lại thai, trừ những trường hợp bất khả kháng. Dù vậy, vẫn rất nhiều người quyết tâm bỏ thai, với rất nhiều lý do, như sợ dư luận dị nghị, vì kinh tế khó khăn, lo sinh quá dày, ngại ảnh hưởng đến sự nghiệp, thăng tiến… Và thực tế, Việt Nam được xem là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.

Theo bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ, và dù vì nguyên do gì, chị em cũng khổ tâm khi không thể thực hiện thiên chức cao quý của mình: làm mẹ. Tuy nhiên, khi không thể có con được nữa vì từng phá thai, nhất là phá nhiều lần, chị em sẽ càng ám ảnh, đau khổ hơn bởi mặc cảm có lỗi.

“Thực tế, trong việc này, người phụ nữ cũng là nạn nhân của chính mình. Bởi vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc, cần hạn chế đến mức tối đa việc nạo phá thai. Hãy luôn làm chủ cuộc sống của mình, kể cả trong việc quan hệ tình dục và tránh thai. Chúng ta cần hiểu rõ các kiến thức về sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục để có thể tận hưởng niềm vui nhưng không để lại hậu quả là có thai ngoài ý muốn hay bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục”, bác sĩ Dung chia sẻ.

Chia sẻ