Đau đầu, mất ngủ vì bố chồng...
Chị đã không dưới một lần nhờ chồng góp ý với bố chồng nhưng cũng không ăn thua.
Vợ chồng chị lấy nhau được 3 năm nhưng do kế hoạch nên đến nay con trai chị mới gần 6 tháng. Ban đầu, anh chị ở riêng, nhưng dạo gần đây, sức khoẻ bố mẹ anh không tốt, anh lại là con một. Thêm lý do là ông bà lúc nào cũng nhớ cháu nên anh đón luôn bố mẹ mình lên thành phố ở cùng.
Ngày đầu tiên, chị đã thấy choáng váng vì cách hành xử của bố chồng đến mức không nói nên lời. Vừa lên đến nhà các con, ông bước thẳng vào phòng ngủ của vợ chồng chị, mở tủ quần áo của anh ra và... tìm quần đùi vì ông để quên hết ở quê. Thế rồi mặc dù con dâu ở nhà (chị vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh) nhưng ông vẫn thản nhiên mặc quần đùi, cởi trần nằm gác chân ngoài sofa xem tivi. Nhà chị ở chung cư, cứ đi ra đi vào là lại đụng cảnh ấy.
Có lần, bạn chị đến chơi, bố chồng vẫn trong bộ dạng như thế, chạy ra ngồi tiếp chuyện với khách mà chị đỏ cả mặt. Chị phải lựa lời nói khéo với mẹ chồng để bà nhắc ông chứ chị chẳng dám nói thẳng vì việc này cũng hơi tế nhị.
Chị sợ con trai sẽ học theo tính xấu của bố chồng (Ảnh minh họa).
Nhà chị tổng diện tích chỉ có hơn 60 mét vuông, không rộng rãi gì nên lúc nào chị cũng cố gắng giữ nhà cửa sạch sẽ và gọn gàng nhất có thể. Ấy thế mà, bố chồng chị bày bừa ra không khác gì trẻ con chơi đồ hàng. Góc này ông vứt tờ báo, góc kia là cái áo ông cởi ra cho đỡ nóng. Thôi thì chị cũng chịu khó mà dọn lại. Nhưng nào đã xong. Ông đi ra ngoài về, giày dép đầy bùn, cứ thế ông bước một mạch vào đến hết nhà. Rồi bữa cơm ăn cá, ông chẳng ngại mà nhổ toẹt miếng xương xuống nền. Lần khác, ông ăn xong xỉa răng rồi vứt ngay tăm xuống thảm trong khi con chị đang tập lẫy ở đó. Chị vội nhặt lên và bảo ông đừng vứt thế kẻo mọi người không để ý sẽ dẫm phải. Thế là ông quát luôn cho chị một trận vì cái tội "Thấy thế không nhặt đi lại còn dám nhắc bố chồng" rồi ông dỗi bỏ vào phòng. Lúc sau chị bổ dưa mời ông ăn, ông đủng đỉnh: "Thôi tôi không ăn đâu. Ăn xong phải xỉa răng rồi lại vứt lung tung, lại bị nói".
Tuy nhiên, những điều trên chưa là gì so với việc ông nói bậy. Câu nào ông cũng phải đệm vài ba từ nói bậy vào. Mà nào chỉ khi ở nhà, đi vào thang máy có bao nhiêu người, ông vẫn không ngại ngần mà "giữ phong độ". Nhiều lần chị ngại đến mức phải cúi mặt xuống vờ như không nghe thấy gì để hàng xóm đỡ "soi". Hôm vừa rồi, bác trưởng toà nhà sang tìm chồng chị nhưng anh đi vắng nên bác đành "nhờ cháu nhắc khéo ông cụ vì mấy căn hộ tầng trên phàn nàn".
Chị đã không dưới một lần nhờ chồng góp ý với ông nhưng cũng không ăn thua. Chồng chị cũng khó xử, đành bảo chị cố gắng chịu đựng vì ông vẫn đang quen thói như vậy rồi. Chờ một thời gian nữa ông sẽ dần tự thay đổi. Nhưng quan sát động thái của bố chồng, chị thấy ông không có ý muốn thay đổi những thói quen xấu đó. Còn con của chị nữa, nó sẽ lớn dần, nếu ông vẫn cứ mãi như vậy, chị sợ con sẽ học những điều đó rất nhanh. Mà chị thì không muốn như vậy chút nào...
Một lần, trong lúc cả nhà ngồi ăn cơm, chồng chị lỡ lời nói một từ hơi tục, thế là chị nhanh nhảu: "Anh ơi đừng nói bậy, nói thế sau này quen miệng thì làm sao bảo được con. Đó là chưa kể con sẽ học theo". Không phải chị định ra oai với chồng, chỉ là nhân cơ hội đó để bố chồng hiểu ra mà thôi. Tuy nhiên, ông không những không nhận ra vấn đề mà còn nói: "Vợ thì đừng có đi dạy chồng. Đàn ông không nói tục không phải đàn ông".
Sắp tới, chị hết thời hạn nghỉ và phải đi làm. Nếu để con ở nhà cho ông bà trông thì chẳng biết thằng bé sẽ học những thói xấu nào từ ông nội nó. Mấy hôm nay chị mất ngủ, nghĩ xem nên làm thế nào. Rồi chị quyết định, dù rất thương con nhưng sẽ cho con đi trẻ sớm. Mặt khác, chị sẽ thẳng thắn phê bình ông nếu ông còn tiếp tục cách cư xử đó hàng ngày. Chị nghĩ, thà mất lòng trước, được lòng sau để cả gia đình hạnh phúc, vui vẻ còn hơn cứ mãi một mình ôm lấy ấm ức!