Đại tướng Võ Nguyên Giáp và câu chuyện bình dị về gia đình

Nguyễn Mai (Tổng hợp),
Chia sẻ

Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người ta vẫn nhắc đến hình ảnh của vị tướng tài giỏi nhưng rất dung dị, đời thường. Và đằng sau ánh hào quang của trận mạc oai hùng, người ta vẫn gặp một “anh Văn” rất thương vợ, yêu con.

Mối tình lớn, thiêng liêng với người vợ liệt sĩ

Lần đầu tiên Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gặp bà Nguyễn Thị Quang Thái là năm 1929, trên một chuyến xe lửa hành trình Hà Nội - Huế. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Tổng bộ Việt Minh cử đi công tác. Mục đích của chuyến đi là để hợp nhất Đảng Tân Việt với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và Việt Nam Cộng sản đảng. 

Bà Nguyễn Thị Quang Thái lúc đó mặc áo dài, tóc để xõa, da trắng hồng, đôi mắt đen láy thông minh. Ấn tượng của Đại tướng lúc bấy giờ rất đậm nét về cô nữ sinh gốc Hà Nội ấy. Về phần cô nữ sinh Quang Thái, trong lần gặp đầu tiên đã ngồi im không trò chuyện gì vì cho Võ Nguyên Giáp là một chàng thư sinh “công tử bột”. Chỉ đến khi nghe người thanh niên ấy tự giới thiệu là nhà báo thì cô mới dịu lòng và bắt chuyện.

Tình yêu giữa hai người bắt đầu nảy nở từ những lý tưởng chung về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn với bà Nguyễn Thị Quang Thái. Khi đó bà ở tuổi 20. Một thời gian dài sau đó, bà Quang Thái sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Hồng Anh. 

Vào cuối năm 1939, thực dân Pháp khủng bố mạnh. Lúc này, người chiến sĩ cách mạng Võ Nguyên Giáp phải rút vào hoạt động bí mật. Sau đó ông được cử sang Trung Quốc hoạt động.

Trước sự phân vân, lo lắng vì hai vợ chồng không thể cùng nhau khi con gái Hồng Anh còn quá nhỏ, bà Quang Thái đã động viên chồng: “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được mà. Chờ con lớn thêm chút nữa em gửi con cho ông bà nuôi, em sẽ đi sau”. Cả hai vợ chồng bà Quang Thái không ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn giữa hai người.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và câu chuyện bình dị về gia đình  1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (Ảnh tư liệu)

Năm 1942, bà Quang Thái bị bắt và bị kết án 16 năm tù. Trong thời gian bị giam giữ, bà thường xuyên bị tra tấn nhưng vẫn kiên trung không tiết lộ thông tin của tổ chức. Năm 1944 bà Quang Thái mất do kiệt sức khi chăm sóc bệnh nhân trong nhà lao Hỏa Lò và bị nhiễm phong hàn.

Do điều kiện phải hoạt động bí mật nên mọi thông tin về việc bà Quang Thái bị bắt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hề hay biết. Chỉ đến khi trở về nước và tham dự hội nghị Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào tháng 4/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nhận được tin dữ.

Khi nghe tin người vợ yêu thương đã hy sinh, người Đội trưởng Đội Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp bàng hoàng đi sang buồng bên, bỏ dở cuộc họp… 

Nói về tình cảm của cha dành cho mẹ, cố Giáo sư Nguyễn Hồng Anh từng chia sẻ: “Thời gian họ ở bên nhau không dài lắm nhưng bằng tất cả sự trải nghiệm và sự nhạy cảm của mình, tôi hiểu mối liên hệ giữa Ba Mẹ là thiêng liêng và bền chặt”; “Đó là một vị trí thiêng liêng và độc nhất vô nhị… Điều đáng nói là, vong linh của mẹ được yên lòng về cuộc sống của ba khi vắng bóng bà”.

Mối tình bình dị, sâu đậm với người vợ Đặng Bích Hà

Trải qua hơn 65 năm chung sống với nhiều lo toan bận rộn, nhưng những kỷ niệm đầu tiên ấy không bao giờ phai trong tâm trí người vợ thứ 2 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - bà Đặng Bích Hà (con gái của Giáo sư Đặng Thai Mai).

Qua lời kể của những người thân thiết với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bà Đặng Bích Hà là một người phụ nữ cư xử rất khéo léo và đúng mực. Bà cũng được đánh giá là người vợ, người mẹ tần tảo, hết mực chiều chồng, yêu con.

Khi chia sẻ với báo chí về mối nhân duyên giữa mình và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Bích Hà từng kể: Khi bà mới 6 hay 7 tuổi thì chiều nào ông cũng chở cô bé lí lắt ngày ấy là bà đi cùng. Nhưng rồi một hôm bỗng dưng ông nói với bà: “Anh sẽ cưới Hà bằng một đĩa xôi và một con gà”. Và không ai có thể ngờ câu nói đùa hôm ấy hơn mười năm sau đó trở thành sự thật.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và câu chuyện bình dị về gia đình  2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ - bà Đặng Bích Hà (Ảnh tư liệu)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết và gắn bó với Đặng Bích Hà khi bà còn là một cô bé tinh nghịch, rất bướng bỉnh. Trong suốt thời gian hoạt động và làm việc từ 1931-1941 tại Vinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống tại nhà của Giáo sư Đặng Thai Mai. Lúc nào ông cũng xem cô bé Bích Hà như một người em nhỏ nên rất cưng chiều và chăm bẵm.

Sau này, khi Đặng Bích Hà ra Hà Nội, những lần chờ cô đằng sau xe từ sân tập võ về, ông vẫn thường kể cho cô nghe về người con gái ông yêu - bà Quang Thái… Quãng thời gian sau đó, ông kết hôn với bà Quang Thái và ra ở riêng. Sau đó ông sang Trung Quốc hoạt động. Về phần Đặng Bích Hà, cô theo trường tản cư vào Thanh Hóa, mãi năm 1945 mới trở lại Hà Nội. 

Trong suốt khoảng thời gian 10 năm ấy, tình cảm giữa hai anh em Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà ngày càng gắn bó. Đó là tình cảm trong sáng của người em gái với người anh trai. Từng bước trưởng thành của cô Bích Hà đều được Võ Nguyên Giáp dõi theo và luôn ở bên cạnh làm người động viên giúp đỡ. Không ai, kể cả bản thân cô và Võ Nguyên Giáp nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ là vợ chồng.

Năm 1945, khi hai người gặp lại nhau cũng là lúc Võ Nguyên Giáp đang phải gánh chịu một sự mất mát lớn, khi biết tin người vợ thân yêu hi sinh trong nhà lao Hỏa Lò.

Từ sự kính phục và lòng quý mến, giờ đây cô tiểu thư Bích Hà lại có thêm một tình thương yêu, cô muốn được cùng ông chia sẻ mọi khó khăn, mất mát trong cuộc sống và được cùng ông đi trên một con đường, được cùng nắm tay ông vượt qua mọi khó khăn sóng gió của cuộc đời.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và câu chuyện bình dị về gia đình  3
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1963)- (Ảnh tư liệu ).

Vào cuối năm 1946, gia đình cụ Đặng Thai Mai đã đồng ý tổ chức lễ cưới cho Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà. Đám cưới của hai người được tổ chức rất giản dị, chỉ có gia đình nhà gái và 1 vị khách mời duy nhất.

Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong suốt chặng đường dài từ sau Cách Mạng Tháng Tám đến nay, bà Bích Hà vẫn luôn bên cạnh động viên ông với tâm hồn bình thản qua những lời giản dị và lạc quan. Sau này khi các con đã trưởng thành, trong những bữa cơm gia đình Đại tướng thường nói: “Ba rất tin tưởng ở mẹ các con, nhờ có mẹ mà ba mới có thể yên tâm công tác”.

Trong những năm tháng Đại tướng bị bệnh, bà Đặng Bích Hà cùng các con cháu vẫn thường xuyên vào viện thăm. Ngay kể cả với người con riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Giáo sư Võ Hồng Anh, bà cũng chăm sóc rất chu đáo và đối xử công bằng như với 4 người con ruột khác. Tình cảm giữa Đại tướng và bà không chỉ bằng lời mà bằng ánh mắt, bằng sự thấu hiểu, thương yêu lẫn nhau. 

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày kỉ niệm ngày cưới, dù bận rộn cỡ nào thì Đại tướng vẫn ghi nhớ và nhờ con gái mua một bó hoa hồng nhung để tặng cho người vợ nặng nghĩa tình.

Anh Lê Văn Hải - cán bộ giúp việc kề cận Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ với báo chí về thói quen chăm sóc chồng của bà Hà: “Anh Văn có thói quen ăn nhẹ giữa bữa. Thông thường, đó là việc của anh em phục vụ. Tuy nhiên, bà cũng thường xuyên tự mình làm những việc đó như một cử chỉ ân tình với chồng. Đi đâu thì thôi chứ ở Hà Nội, dù có cách xa mấy, đến giờ là bà Hà lại mang bữa ăn lên cho Đại tướng.

Trong gia đình, bà có công rất lớn trong việc chăm sóc và dạy bảo các con. Gia đình đầm ấm lắm. Tôi ấn tượng nhất là cảnh mỗi lần con cháu của Đại tướng gặp gỡ là lại chạy đến thơm lên má ông rất vui vẻ. Đó là hình ảnh không phải gia đình nào cũng có được”.

Trong những năm tháng Đại tướng bị bệnh, bà Đặng Bích Hà cùng các con cháu vẫn thường xuyên vào viện thăm. Ngay kể cả với người con riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Giáo sư Võ Hồng Anh, bà cũng chăm sóc rất chu đáo và đối xử công bằng như với 4 người con ruột khác. 

Người cha mẫu mực trong mắt các con 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và câu chuyện bình dị về gia đình  4
Con cháu quây quần bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)

Theo Đại tá Nguyễn Huyên - người trợ lý đã có hơn 40 năm làm việc kề cận bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì: "Mặc dù dành phần lớn thời gian cho công việc, nhưng Đại tướng luôn là người cha mẫu mực. Ông hết sức quan tâm đến con cái. Con của ông ai cũng học hành đỗ đạt, có tiếng tăm. Giáo dục con cái nên người, quan tâm đến gia đình, theo Đại tướng cũng là đạo đức, phẩm chất bắt buộc đối với người làm cách mạng. Tuy một tay bà Hà chăm sóc các con nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người luôn định hướng, nhắc nhở các con. Các con đã chịu ảnh hưởng lớn từ chính lối sống dung dị đời thường của Đại tướng".

Đại tá Nguyễn Huyên cũng cho biết: Suốt hơn 40 năm làm việc cận kề Đại tướng, ông chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu bẳn hay to tiếng với vợ con. Mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, Đại tướng thường rất nhỏ nhẹ nhắc nhở. 

Những lúc phải đi công tác xa nhà Đại tướng chưa bao giờ để vợ con phải có cảm giác lo lắng, hụt hẫng vì bị “lãng quên”, ông vẫn luôn cố dành thời gian, dù chỉ là mấy phút để viết những dòng thư ngắn gọn gửi ra cho bà và các con để hỏi thăm sức khỏe và động viên tinh thần học tập, công tác.

Trải lòng mình về người cha và tình yêu thương đặc biệt của ông đối với mình, cố Giáo sư Võ Hồng Anh từng chia sẻ: “Từ khi biết đọc, biết viết, tôi thuộc từng đoạn dài trong những lá thư ba tôi gửi về, những lá thư bao giờ ngoài phong bì cũng có câu đề: “Hồng Anh, con gái Anh Văn…”. Và tôi thích nhất bức ảnh ba tôi mặc quần áo bộ đội, đội cái mũ Vệ Quốc đoàn có gắn sao phía trước mà người gửi về cho tôi…”.

“Mỗi người chúng ta đều cảm nhận nét riêng trong tình cảm cha mẹ dành cho mình theo góc độ khác nhau. Riêng tôi, tôi cảm nhận sự đặc biệt đó chủ yếu vẫn qua “một cái kênh không lời” và phần nào qua cư xử hàng ngày của Ba tôi, mà rõ nhất là sự đòi hỏi khắt khe”.

“Yêu thương không có nghĩa là cưng chiều. Tôi nhớ, hồi ở Việt Bắc, thỉnh thoảng, ba tôi lại bảo bà nội: “Buổi chiều, Bà cho Hồng Anh tham gia với các chú bộ đội”. Tôi lấy đôi ủng của ba để đi ra ruộng rau (như mọi đứa trẻ, tôi thích thú vì đó là thứ của ba và tôi lại rất sợ bị vắt bám), đôi ủng cao lút cả hai chân, tôi đi vẹo vọ, nhìn rất ngộ. Tôi mới học lớp ba, lớp bốn gì đó, ba đã bắt đọc cuốn: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của bác Trường Chinh”.

Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Wikipedia, Báo giadinh.net, Báo CAND online...


Chia sẻ