1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám (I): Khu phố Pháp

,
Chia sẻ

Sau khi chiếm Hà Nội, biến Hà Nội thành nhượng địa, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng đường sá, nhà cửa ở thành phố theo quy hoạch đô thị mới. Mốc thời gian có thể tính từ tháng 10/1874.

Tái hiện đời sống  người Hà Nội những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội, bằng thể loại văn ký sự đậm đặc chất tư liệu, Cuộc sống Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám của nhà văn Hoài Anh đã phản ánh về muôn mặt đời thường của Hà Nội trong khoảng thời gian từ năm 1873 1943. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số bài viết trong cuốn sách này.

Phủ Thống sứ Bắc Kỳ ( Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ số 12 Ngô Quyền) được xây dựng năm 1918.


Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khu phố Pháp nằm trong khoảng 4 con đường lớn: Paul Bert (nay là Tràng Tiền), Rollandes (Hai Bà Trưng), Carreau (Lý Thường Kiệt) và Gambetta (Trần Hưng Đạo) đã được thi công theo phương pháp châu Âu, làm đường nhựa trước, nhà sau.

Đường Paul Bert (Tràng Tiền) lúc đó được coi là “phồn sinh”, vì nhà gạch đã được xây nhiều. Có hàng quán do Tây và do Hoa kiều mở để phục vụ quân đội xâm lược.

Lúc ấy tính bề dài của các phố ta cũ chỉ có 45km, sau khi mở rộng thành phố, đến năm 1905 thì các phố dài 81km. Lúc này mạng lưới đường Hà Nội thuộc khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm hiện nay và phía Nam tới đường Lý Thường Kiệt hiện nay đã được trải nhựa

Tuy là thủ phủ của xứ Đông Pháp, nhưng Hà Nội thời bấy giờ cũng chỉ là một thành phố nhỏ, dân số từ 28 – 30 vạn người. Địa thế cũng hẹp. Ngang dọc có thể tính thế này: Phía bờ sông Hồng từ đầu ô Yên Phụ đến nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện Quân y 108 hiện nay). Từ cột Đồng Hồ (phố Trần Nhật Duật hiện nay) chiếu đường chim bay đến đầu phố Đội Cấn bây giờ. Còn từ trung tâm đi ra thì: Phía Tây Bắc đến Trường Bảo hộ (bây giờ là Trường Chu Văn An); phía Nam đến Ngã tư Vọng, Ngã tư Trung Hiền (chợ Mơ) và Ngã tư Sở. Nội thành là nơi có phố, phố có biển tên, hai bên có nhà gạch (có gác hoặc không) và ban đêm có đèn điện soi sáng đường sá…

Theo bản đồ Hà Nội năm 1831, có 16 cửa ô: Yên Hoa (hay Yên Phụ); Yên Tĩnh (hay Yên Định); Thạch Khối (hay Nghĩa Lập); Phúc Lâm (hay Tiền Trung); Đông Hà (Quan Chưởng); Trừng Thanh (ở Hàng Chĩnh); Mỹ Lộc (ở Hàng Mắm); Đông Yên (ở phố Lò Sũ gần chợ Hàng Thùng); Tây Long hay Trường Long (gần Đồn Thủy ở phố Tràng Tiền); Nhân Hòa (trên bản đồ năm 1873 không còn); Thanh Lãng hay Yên Lãng (Đống Mác) ở phía Đông thành; Yên Ninh hay Thịnh Yên (Cầu Dền); Kim Hoa hay Kim Liên; Thịnh Quang hay Thịnh Hào (ô Chợ Dừa) ở phía Nam thành; Thanh Bảo (Kim Mã); Thụy Chương (Thụy Khuê) ở phía Tây thành.

Sau khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, biến Hà Nội thành nhượng địa, xây dựng đường phố, nhà cửa theo quy hoạch đô thị mới, do đó các cửa ô bị lấp dần đi chỉ còn lại: ô Quan Chưởng, Cầu Dền, Đống Mác, Kim Liên, Chợ Dừa, Cầu Giấy, Kim Mã, Thụy Khuê, Yên Phụ. Các cửa ô này nằm trên vành đai bao quanh nội thành.

Tòa nhà Bộ Giao thông vận tải (nằm ở góc phố Quán sứ và đường Trần Hưng Đạo).

Người Pháp lại xây dựng một con đường vòng (route circulaire) bao bọc lấy thành phố - có lẽ để dùng vào mục đích quân sự. Nếu ô Yên Phụ là đầu đường thì nó là con đường hiện nay chạy qua Quảng An, Quảng Bá, Nhật Tân, theo bờ hồ Tây về chợ Bưởi, xuyên sang ô Cầu Giấy, vòng làng Láng đến Ngã Tư Sở, rồi thẳng đi Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Trung Hiền ra bờ sông.

Năm 1899, thành lập khu vực ngoại thành Hà Nội gồm các xã thuộc huyện Vĩnh Thuận (phủ Hoài Đức), một số xã thuộc huyện Từ Liêm (phủ Hoài Đức) và huyện Thanh Trì (phủ Thường Tín)…

Hà Nội cũ với dân số chừng ấy, diện tích như vậy là rộng rãi. Quanh năm ngày tháng, lúc nào và hầu như phố nào cũng có nhà trưng biển (dài rộng chừng 30-40cm): “Nhà cho thuê” hoặc “Gác cho thuê”. Cho nên còn nhiều đất “bỏ hoang”. Ngay khu vực trước lễ đài Ba Đình hiện nay, qua một mặt phẳng đường nhựa cũng là bãi cỏ. Khu vực quanh Đấu xảo (Cung Văn hóa Hữu nghị bây giờ) cũng là bãi hoang. Cái phố gần hồ Thiền Quang cũng mới có sau này, gọi là phố Halais, sau năm 1954 vẫn có nhiều người quen gọi tên hồ là hồ Hale!

Ở những khu vực “xa xa” như chợ Đuổi (cuối phố Bà Triệu bây giờ) chạy sang phía bến xe điện Kim Liên sau đó khi ấy đều là bãi rác… Quãng phố Bạch Mai còn đứt đoạn nhiều chỗ không có nhà cửa. Vùng bến ô tô Kim Liên đến miếu Hai Cô cũng là những bãi lầy, bèo sen vì nó là chỗ bắt đầu của hồ Bảy Mẫu…

Trong thời Pháp tạm chiếm (1947-1954) số dân có phần đông hơn, bọn Pháp - Mỹ có làm thêm một số nhà ở, mà khi ta tiếp quản thành phố còn thấy ở khu Lương Yên, gần phố Tô Hiến Thành, phố Vĩnh Hồ (Ngã Tư Sở)…

Đường phố Hà Nội có nhiều cách gọi: phố (rue), ngõ (ruelle), ngõ cụt (impasse) như ngõ cụt Tạm Thương, ngõ Yên Thái. Đường phố dẫn đến một dinh thự nào đó thì nó gọi là “Avenue”, tỷ như phố Tràng Tiền của ta bây giờ gọi là Avenue Paul Bert - vì đường phố này dẫn đến nhà hát Tây, một dinh thự. Hoặc phố Trần Hưng Đạo hiện nay, hồi đó là Avenue Gambetta - vì nó dẫn đến nhà ga Hà Nội.

Phố Tràng Tiền - khu vực vốn là xưởng đúc tiền của nhà Nguyễn từ năm 1808. Đến năm 1878, thực dân Pháp đã cho bọn tư bản xây cửa hàng, cửa hiệu.


Đường phố rộng có trồng cây hai bên gọi là boulevard: phố Phan Đình Phùng, phố Phùng Hưng, phố Hàng Đẫy ngày nay đều là những boulevard khi đó. Ngoài ra còn có đường (voie) là những đường phố chưa có vẻ là phố. Phố Hàng Bột khi ấy là voie Soeur Antina… Hà Nội lại còn xóm (cité) nữa. Xóm Hạ Hồi khi đó được gọi là cité Jauréguiberry.

Tên các phố lớn và vườn hoa thì phần nhiều lấy tên những tay thực dân có công đánh chiếm hay bóc lột. Những phố đó thường gọi là “phố Tây”, vì hầu hết là Tây ở. Còn “phố Ta” ở khu vực “36 phố phường” xưa thì vẫn giữ chữ “hàng”: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Chĩnh, Hàng Nón, Hàng Hòm v.v.

Theo thanglong.chinhphu.vn

Chia sẻ