Cửa nhà không khóa
Từ ngày anh đi, chị chẳng bao giờ khóa cửa...
Quá nhiều việc dồn đến một lúc khiến sức chịu đựng của chị dường như bị vỡ tung. Chị hét lên: “Cả nhà anh tạo cho tôi quá nhiều áp lực, ngay cả khi tôi mang thai, sinh nở rồi nuôi con mọn. Tôi ý kiến thì anh gạt phắt, kêu ai có việc người ấy. Rồi anh cứ thích mua sắm vung vít, chi vượt quá thu, chưa kể những khoản anh liều mang cho vay mà chả đòi được. Nhà lúc nào cũng cạn tiền. Tôi còn đến khổ sở với người thân của anh, lúc nào cũng yêu cầu tôi phải chính xác, chỉn chu từng chân tơ kẽ tóc. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi đã yêu xong một người, chả còn gì để luyến tiếc nữa”.
Từng lời của chị như ngàn mũi dao xỉa thẳng tới, lòng anh ít nhiều bị tổn thương song vẫn từ tốn nhắc: “Em bắt đầu không kiểm soát được lời nói rồi đấy”. Đoạn anh nhìn sang thằng bé con đang ngơ ngác: “Ơ, ơ, trêu nhau à?”
Từ ngày anh đi, chị nhớ anh da diết (Ảnh minh họa)
Chị hít một hơi thật dài rồi quyết định im lặng. Anh lặng lẽ dẫn con vào phòng của nó, giọng anh cất lên đều đều: “Hôm nay mình cùng đến với câu chuyện về bạn Thỏ có một vườn cà rốt nhé…”.
Chị ngồi thừ trong phòng, nước mắt lăn dài, phải chịu thiệt thòi bao lâu nữa đây, sao cứ khổ sở gồng gánh chuyện nhà chồng thế này, mà họ có hiểu cho đâu, lúc nào cũng phải tìm bằng được điểm mà chê. Phải rồi, chị sai, quá sai khi lấy anh, có thế thôi. Cơn giận trong chị lại bốc lên ngùn ngụt…
Anh bước vào báo con đã ngủ, chị lại giở giọng ca thán rên rỉ và muốn anh biến đi đâu đó, để chị yên, giờ chị rất muốn ly dị cho xong. Anh chỉ khẽ nói: “Mình xa nhau một thời gian thôi, nếu vẫn không muốn nhìn mặt nhau nữa thì lúc ấy giải tán cũng chưa muộn”.
Họ giấu bố mẹ hai bên về việc ly thân, anh thu xếp quần áo đến tá túc nhà cậu đồng nghiệp. Được chục ngày thì chị liên lạc với anh: “Anh ở đâu mấy hôm mà mẹ gọi điện không được, gọi cho em hỏi, làm em ú ớ chẳng biết nói sao”.
“Anh đi công tác Hàn Quốc gấp quá, hôm ấy tính gọi báo mà em không nghe máy. Con ngoan không?"
“Vẫn ngoan ạ”. Chị ngần ngừ định nói con khóc hỏi bố suốt nhưng rồi ngại lại thôi.
“Đợt này bận quá, thu xếp được anh sẽ về thăm con”. Anh nói.
Mọi khi vợ chồng cùng dạy con, nó nghịch dại bố sẽ lớn tiếng, đe nẹt, mẹ thì nhỏ nhẹ, chỉ bảo, nói lý. Rồi cả hai đều nói con làm thế là không được, là chưa ngoan.
Rồi căn nhà cứ vắng vẻ, quạnh quẽ khiến hai mẹ con ít cười hẳn. Những lúc chị nấu cơm, thằng bé cứ quẩn quanh bên chân, thấy vướng chị lại quát cho, mọi khi bố con nhà nó cứ đùa nhau, sằng sặc suốt ngày cơ.
Chị lại lo âu nghĩ cảnh anh đang cơm niêu nước lọ với anh bạn, hay lại sà vào quán xá nhếch nhác nào đó không chừng. Tối khuya, chị ngồi nhớ lại sự việc đã qua và thấy hối hận. Chị dặn mình hãy thử bớt đi những mặc cảm, suy nghĩ, kết luận về chuyện gia đình chồng.
Học chấp nhận những sở thích riêng của mọi người và biết chấp nhận bố mẹ chồng như họ vốn thế từ bao năm nay. Được thế hẳn mình đã không phải nhọc lòng và khiến chồng khó nghĩ...
Chị khóc khi nhớ lại câu anh nói trước lúc đi “Em đang mệt, nên nghỉ ngơi đi, việc gì cũng có thể tháo gỡ được, miễn là bình tĩnh và hai vợ chồng đồng tâm nghĩ cách”.
Anh gọi điện, chị đưa cho con nói chuyện
“Con đang làm gì đấy?”.
“Đang xếp hình ạ”.
“Nhớ bố không?”
“Nhớ bố nhắm”.
“Bố cũng nhớ con lắm. Thế mẹ đang làm gì?”.
“Mẹ đang khóc… ơ mẹ ơi… đừng khóc”, thằng bé quẳng chiếc điện thoại xuống chạy lại ôm mẹ. Anh sững sờ, lòng nghèn nghẹn.
Phóng xe về, anh lấy chìa khóa mở cổng, khẽ khàng bước vào: “Bố đi công tác về rồi, có quà đây. Hai mẹ con khỏe không?”. Chị cố kìm nước mắt lại, giục anh vào rửa tay, để chị dọn mâm, cơm nấu xong cả rồi.
Giận hờn phút chốc được xóa nhòa, chị nói dỗi: “Sao anh không về sớm hơn. Từ hôm anh đi, nhà có khóa bao giờ đâu”.