Có mẹ chồng hiện đại: khổ hay sướng?
Chưa bao giờ cô than với mẹ về “mười hai bến nước” trong nhờ, đục chịu.
Ngày Hảo lên xe hoa, lúc tiễn cô theo chồng, cố nén cảm xúc trong lòng mẹ dặn dò con gái: “Bước chân theo chồng, con đã là con của người ta, cố mà ăn ở cho phải đạo. Mẹ thương con lắm, con gái mười hai bến nước…”.
Nhìn con gái tràn trề hạnh phúc, mẹ cười mà nước mắt giàn giụa làm họ hàng ai cũng cười cho là mẹ quá lo xa: “Cô Hảo chọn đúng bến trong rồi đó mẹ ơi! ”
Mẹ chồng Hảo là một phụ nữ hiện đại. Cái chất hiện đại toát ra từ con người bà, từ cách ăn mặc hợp thời trang của một phụ nữ trung niên, cách xử sự khôn khéo của mẹ làm cho Hảo yên tâm. Hảo suy nghĩ rất giản đơn: “Chọn được người yêu mình hết lòng như anh ấy, lại hợp tính hợp nết, mẹ chồng còn trẻ trung không cổ hủ lạc hậu lúc nào cũng 'dòm giỏ ngó treo' xét nét con dâu như mẹ mấy nhỏ bạn, chồng mình lại là con một, mình sẽ không chịu cái cảnh em dâu - chị chồng''.
Mẹ chồng Hảo càng vô cùng mãn nguyện, bà là một người thực tế. Bà không hướng con trai tìm vợ "thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại giỏi nuôi con” như quan niệm xưa của các bà mẹ.
Ban đầu, Hảo vui lắm khi mẹ chồng là người hiện đại (Ảnh minh họa)
Con dâu mẹ hình thức vừa phải thôi, đẹp quá không khéo “là vợ người ta” chứ chẳng chơi. Cái chính là con dâu không có tiền sử về bệnh tật. Cháu mẹ phải khỏe mạnh thông minh và phải có nghề nghiệp ổn định.
Một cô con dâu làm bưu điện như Hảo vừa ý mẹ thì mẹ vui là phải rồi. Cô hưởng tuần trăng mật như đang sống trên thiên đàng. Cuộc sống mới vô cùng hạnh phúc. Tuy có bỡ ngỡ lúc đầu nhưng Hảo vốn thông minh nên mọi việc đều ổn cả.
Một tháng sau, mẹ chồng gọi vợ chồng cô trao đổi việc gia đình: “Mẹ tính vậy! Công việc nội trợ trong nhà, ơn nghĩa gia đình mẹ lo tất, vợ con bận việc cơ quan có rảnh lúc nào thì phụ mẹ. Việc chi tiêu trong nhà hàng tháng chồng con phụ mẹ tháng lương của nó, còn tiền của con dâu mẹ không đụng đến. Ý con dâu thế nào?” Thấy vợ ngập ngừng chưa dám quyết, chồng cô nháy mắt ra hiệu gật đầu cho mẹ vui. Thế là yên cửa yên nhà.
Về tới phòng riêng, cô ngồi phịch xuống giường buồn bã. Bước đầu mẹ đánh vào mặt kinh tế rồi, biết sống sao đây? Mẹ có cái lo của mẹ, nhà Hảo đông người, mấy đứa em còn đang học, một mình mẹ lo không xuể, trước đây Hảo hay gửi tiền phụ giúp, chắc là mẹ chồng lo điều này.
Tự nhiên nước mắt cô ứa ra, Hảo thương mẹ vô cùng, lo cho con ăn học có nghề nghiệp ổn định, Hảo chẳng khác gì lũ vịt trời bay vù, muốn giúp mẹ cũng chẳng giúp được. Có chồng phải theo gia phong nhà chồng. Vậy là ý định ra riêng cũng tiêu tan.
Đã vậy mẹ lại rào trước đón sau: “Nhà này mẹ chắt chiu xây dựng là để cho vợ chồng con, mẹ chỉ có mình con, con không ở với mẹ mọi người coi mẹ ra gì?”.
Được vài tháng, mẹ chồng lại nảy ra ý định: “Lâu quá mẹ chưa thăm mẹ con, sui gia lâu ngày ít thăm viếng tình cảm nhạt hẳn đi, mẹ chẳng muốn tí nào! Chắc là mẹ phải đi thăm mẹ con một chuyến, tuy có hơi xa xôi nhưng ngồi máy bay một tiếng là tới nơi.”
Cô gọi điện cho mẹ, mẹ từ chối khéo léo “đường xá xa xôi, thời nay văn minh rồi, có gì mẹ con alô cho mẹ là tiện nhất.” Cô hiểu ý mẹ không muốn các con tốn kém vì chi phí mẹ chồng đi lại.
Độ này mẹ chồng Hảo lúc nào cũng buồn rầu ủ rũ. Mẹ nói: “Mẹ chẳng bệnh tật gì cả! Chẳng qua là buồn quá sinh bệnh thôi. Bạn bè mẹ ai có công việc, các con suốt ngày ở cơ quan, chỉ có mẹ thui thủi một mình, mẹ muốn đi du lịch cho đầu óc bớt căng thẳng, các con có đồng ý không?”
Tất nhiên là các con đồng ý!
Vậy là, gần ba năm trời vợ chồng cô cứ cuốn theo guồng quay của mẹ mà chưa dám nghĩ đến việc con cái. Mẹ ở quê nhà cứ gọi điện thúc: “Sao lâu quá vợ chồng con vẫn chưa có con, con thử cùng nó đi khám bệnh xem sao?”
Hảo phải cố thuyết phục: “Mẹ ơi! Các con chẳng có bệnh tật gì cả, chỉ là các con chưa muốn thôi! Đến chừng vỡ kế hoạch lại khổ.” Nghe xong mẹ mắng yêu: “Cái con này, chỉ được cái than thở là không ai bằng.”
Cô ngồi thừ một lúc, mẹ trách cô hay than. Vậy mà chưa bao giờ cô than với mẹ về “Mười hai bến nước” trong nhờ, đục chịu.