Chuyện muôn thủa về mẹ chồng nàng dâu

Uyên Nhi ,
Chia sẻ

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay vẫn luôn được coi là một mối quan hệ nhạy cảm và có nhiều mâu thuẫn, bất hòa, vẫn là một câu chuyện kể mãi không hết…

Khi mẹ chồng “xấu tính”

Mới về làm dâu nhà chồng Nhi đã phải chịu bao vất vả khổ cực, bao nỗi oan ức chẳng biết tỏ cùng ai.

Ngày đón cô về làm dâu, bà đã tỏ rõ “bằng mặt mà không bằng lòng”. Vốn có ác cảm với cô từ trước nên bất cứ việc gì cô làm, dù cố gắng đến đâu cũng không khiến bà hài lòng. Bữa nào cô nhỡ tay nêm nếm gia vị hơi mặn bà lại dè bỉu: người thành phố ăn uống thanh cảnh, không chém to kho mặn như nhà quê đâu con ạ. Còn nếu cô nấu hơi nhạt bà lại chì chiết: chắc con định cho cả nhà này bướu cổ à?

Công việc của Nhi rất bận nên cô hay về muộn. Về đến nhà là cô lao ngay vào bếp vì mẹ chồng cô chẳng bao giờ giúp đỡ cô việc gì dù bà đã về hưu và có nhiều thời gian rảnh rỗi. Dù vất vả nhưng Nhi vẫn cố gắng làm tốt với hi vọng một ngày không xa mẹ chồng sẽ thay đổi cách nhìn về mình. Có chuyện gì ấm ức cô cũng để trong lòng, sợ nói ra sẽ làm chồng buồn. Nhi không muốn đặt chồng vào hoàn cảnh khó xử khiến không khí gia đình mất vui.

Nhưng mẹ chồng lại không có thiện ý như cô. Bà dành tất cả thời gian mình có để đi sinh hoạt hội hưu trí, đi tập thể dục, đi học nhảy… Đôi khi bà đến nhà con gái chơi với cháu ngoại hay sang nhà hàng xóm tán chuyện. Và trong những câu chuyện ấy, không ít lần bà nói xấu con dâu với những lời nói chỉ có 1/3 là sự thật.

Bà liên tục chê bai, nói xấu cô trước mặt chồng. Bà rất quý cô con gái của bà bạn thân mà bà định mai mối cho con trai nên suốt ngày mời cô đến nhà chơi. Mẹ chồng Nhi thì quý cô ta ra mặt, cứ một câu con gái, hai câu con gái trước mặt Nhi.

Tệ hại hơn nữa, chẳng biết nghe lời gièm pha của ai, bà nói bóng nói gió chuyện cô dạo này hay đi làm về muộn chắc có điều gì khuất tất. Bà còn đơm đặt với Tuấn là mỗi lần anh đi công tác, ở nhà cô thường hay ăn diện, phấn son, nước hoa, quần là áo lượt đi sớm về khuya. Vốn có tính hay ghen, nghe lời mẹ nói vậy chồng cô đã sinh sự cãi nhau với vợ. Dù đã cố thanh minh dạo này công ty có chiến dịch kinh doanh mới nên cô phải ở lại làm thêm nhưng chồng cô vẫn không tin. Vợ chồng lời qua tiếng lại. Quá uất ức, cô chỉ còn biết khóc. Cô biết mình không thể tiếp tục chung sống với mẹ chồng nếu bà còn cư xử như vậy. Một mình cô có thiện ý thì không đủ vun đắp, xây dựng mối tình cảm mẹ chồng – con dâu vốn đã quá mong manh.

 

Kẻ tám lạng người nửa cân

Không phải cô con dâu nào cũng nín nhịn như Nhi khi gặp bà mẹ chồng khó tính, ngược lại họ cũng đốp chát, “tranh tài cao thấp” với mẹ chồng, hai bên “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

Lan và mẹ chồng tuy chẳng ưng gì nhau nhưng trước mặt gia đình cả hai vẫn cười nói xởi lởi, cố gắng tỏ rõ sự khôn khéo của mình. Thấy cô con dâu nấu canh hơi mặn, bà Hòa nhăn mặt, trong bụng thầm chê cô vụng về nhưng miệng bà vẫn ngon ngọt: hình như con dâu mẹ sợ cả nhà bị bướu cổ hay sao ấy nhỉ?!. Cô đáp lại không vừa: mấy bữa trước con nấu nhạt mẹ chả sang kể lể với bà hàng xóm là con vụng về đấy thôi, con đang cố gắng làm vừa lòng mẹ mà. Nghe vậy bà Hòa giật thột. Chả là hôm nọ bà có sang nhà hàng xóm kể lể, nói xấu con dâu thật, không ngờ bị nó bắt được thóp. Bà đành im lặng nhưng trong bụng rất tức tối.

Lan có bầu, cả gia đình vui mừng khi biết đứa con trong bụng cô là con trai. Tình cảm của hai mẹ con cũng có phần cải thiện nhưng những ác cảm và mâu thuẫn dường như chưa chấm dứt. Bà Hòa chăm sóc nhiều hơn cho con dâu, bảo cô cố gắng ăn nhiều vì đứa cháu đích tôn của bà. Nhưng khi thấy con dâu ăn khỏe, bắt chồng đêm hôm đi mua hết thứ này đến thứ khác bà xót ruột bóng gió: mẹ thấy con bác hàng xóm hôm nọ đi đẻ phải mổ vì cái thai trong bụng quá to đấy. Gớm ốm ghén gì mà ăn thủng nồi trôi dế, bảo sao không phải mổ…?. Lan nghe vậy rất tức, cô định bụng sẽ tìm cơ hội trả đũa mẹ chồng.

Biết mẹ chồng đi học khiêu vũ, cô mua cho mẹ một bộ váy màu đỏ rực rỡ. Nhìn mẹ thử, cô xuýt xoa: “Ôi, trông mẹ trẻ ra đến chục tuổi ấy chứ. Kiểu này bố mà không lo giữ mẹ có khi là mất đấy. Nhìn đằng sau trông mẹ cứ như là gái hai mươi ấy” nhưng trong bụng thì mỉa mai: nhìn bà ấy như một con công lòe loẹt. Đúng là mấy bà đồng bóng. Già rồi, sắp làm bà nội mà còn nhảy nhót, khéo lại bồ bịch cũng nên, xấu mặt con cháu. Còn bà Hòa, tuy cũng thầm cảm ơn con dâu đã quan tâm đến mình nhưng bụng bảo dạ: mình già rồi mà nó còn mua cho mình cái màu đỏ rực thế này, chắc định biến mình thành trò cười cho thiên hạ đây? Thật ra bà Hòa thích màu đỏ nhưng là màu đỏ boocđô chứ đâu phải cái màu đỏ choe choét ấy, và Lan, cô cũng biết nhưng vẫn cố tình làm thế để chọc tức mẹ chồng và cô thấy vui vì khuôn mặt bà Hòa nhăn nhó, muốn chê mà không dám chê…

Những câu chuyện đời thường nhỏ nhặt nhưng đã bị hai mẹ con đẩy đưa, mỉa mai nhằm chọc tức đối phương cho hả dạ, và chẳng biết rồi câu chuyện của họ sẽ đi đến đâu?

Những chuyện dở khóc dở cười

Có những câu chuyện dở khóc, dở cười khi Nguyệt về làm dâu nhà chồng. Mẹ chồng cô tốt tính nhưng phải cái hay xoi mói, xét nét, để ý. Nhà có mỗi một cái toilet ở dưới tầng một mà phòng vợ chồng cô lại ở trên tầng hai, rất bất tiện trong sinh hoạt vợ chồng. Có đêm khuya, vợ chồng vừa “yêu” xong, cô khẽ khàng đi xuống nhà vệ sinh cho sạch, nhưng vừa bước ra đã thấy mẹ chồng đứng ngay trước cửa, bà giật mình bảo: “Mẹ định dậy đi vê sinh, thấy có người nên đứng đây chờ”. Vẻ mặt bà rất vô tư nhưng đôi mắt lại như dò xét khiến cô ngượng chín mặt. Biết mẹ chồng hay để ý, tính cô lại hiền lành, hay xấu hổ nên từ đấy về đến nhà cô chẳng dám đi vệ sinh nữa, cứ cố nhịn đến khổ sở…

Có lần cô bị cảm mà chồng lại đang đi công tác xa, chẳng có ai chăm sóc. Mẹ chồng lên phòng cầm chai dầu gió bảo để mẹ đánh gió cho nhanh khỏi. Thấy mẹ quan tâm, cô cảm động lắm. Nhưng sau mấy hôm, nghe chồng kể lại, mẹ bảo với bố chồng: cái con bé ấy nhìn mặt mũi không xinh, đầy mụn nhưng được cái da dẻ trong người trắng nõn nà, vú bánh dày đẹp ra phết. Cái tướng ấy rồi mắn đẻ và nuôi con khéo lắm. Trời ơi, chuyện đó mà mẹ chồng cô cũng đem kể lại với bố chồng, cô chỉ còn nước chui xuống đất cho khỏi ngượng…

Làm sao để tốt cho cả hai?

Mỗi người trong chúng ta không ai là không mong muốn có một cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc. Sự êm ấm, hạnh phúc ấy không phải tự nhiên mà có, nó đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình phải cùng cố gắng xây đắp bằng chính tình yêu thương trong trái tim mình. Mối quan hệ mẹ chồng  - nàng dâu cũng vậy, tất cả đều bắt nguồn từ suy nghĩ mà ra. Nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu, cảm thông và chia sẻ thì không có mâu thuẫn nào là không giải quyết được.

Nếu bà mẹ chồng nào cũng biết nghĩ: “Dâu là con, nó đã về gia đình mình, cũng như con gái mình đi lấy chồng, mình yêu thương nó rồi nó cũng yêu thương mình. Sống nên để cái phúc, cái đức về sau…”, và cô con dâu nào cũng hiểu được: “Mặc dù mẹ không trực tiếp sinh ra mình, không nuôi mình khôn lớn nhưng đã có công nuôi dưỡng sinh thành chồng mình, việc mình kính yêu, tôn trọng bố mẹ chồng là cái đạo nghĩa mà một cô con dâu nên làm” thì có lẽ câu chuyện về mẹ chồng – nàng dâu đã có thể kết thúc ở đây!

Theo Uyên Nhi
Phununet
Chia sẻ