Bộ mặt thật của chàng rể "thảo"

Hoài Phương,
Chia sẻ

Đứng trước cửa nhà, chị bần thần nghe những lời mạt sát của chồng với mẹ mình. Lần đầu tiên, chị biết bộ mặt thật của chồng sau lớp vỏ bọc chàng rể ngoan hiền.

Thấy chồng một mực khuyên vợ nên đưa mẹ vợ lên chăm sóc con cái, vợ chồng chị lại có thêm cơ hội phụng dưỡng mẹ, chị nhanh chóng đón mẹ lên ở cùng. Chị mừng vì bấy lâu nay mẹ thui thủi ở quê một mình, thỉnh thoảng lắm con cháu mới về thăm. Dù có chút tiền bạc gửi cho mẹ cũng không bằng thời gian quây quần bên nhau. Chị không ngờ anh lại hiểu vợ đến thế! Nhưng chị cũng không biết, ngày đón mẹ lên cũng chính là ngày chị đưa mẹ bước vào một cuộc sống tồi tệ.

Trước mắt chị, anh luôn đon đả, giành làm hết mọi công việc: “Mẹ cứ ngồi đi, có mấy bộ áo quần, mẹ giặt máy cho đỡ mệt, mẹ giặt tay làm gì cho đau lưng...”. Nhưng giờ chị mới biết trong những lần chị vắng nhà, anh lại buông ra những lời miệt thị với mẹ: “Bà nghĩ điện là miễn phí hả? Máy giặt, tủ lạnh bà có biết một tháng bao nhiêu tiền không? Bà đúng là sướng quá mà…”.

Lúc đầu nghe hàng xóm kể, chị không tin vì những gì chồng chị thể hiện không hề có sự giả tạo. Hơn nữa, nếu có gì phải chịu đựng, hẳn mẹ đã tâm sự với chị, nhưng chị đâu thấy mẹ nói gì. Tính mẹ vốn ít nói, lại cần mẫn, hay lam hay làm nên mẹ cứ giành hết việc này đến việc khác. Chị nghĩ mãi cũng không thấy có gì lạ, chắc mọi người cứ đồn thổi, đặt điều vậy thôi.

Nói thì nói vậy, nhưng thỉnh thoảng chị cũng hỏi mẹ: “Mẹ ở có thấy thoải mái không ạ? Có gì mẹ cứ nói với con nhé. Mẹ đừng ngại gì hết!”. Những lần ấy mẹ chị lại nhẹ nhàng trả lời: “Mẹ sống vẫn tốt mà con, con cứ yên tâm làm việc. Chỉ cần con sống hạnh phúc là được”.

Nghe mẹ nói, chị cứ nghĩ đó chỉ là lời động viên của mẹ dành cho con gái. Nhưng khi sự thật về cách ứng xử tồi tệ của chồng với mẹ bị phanh phui, chị mới biết mẹ đã phải chịu đựng nhiều đến nhường nào. Nhưng mẹ không muốn nói vì sợ chị buồn. Bà sợ sự xuất hiện của bà làm xáo trộn gia đình con cái nên bà quyết định im lặng.

Bộ mặt thật của chàng rể
Chị không biết rằng ngày đón mẹ lên cũng chính là ngày chị đưa mẹ bước vào một cuộc sống tồi tệ khi phải chịu đựng sự hành hạ của chàng rể thảo (Ảnh minh họa).

Chị không biết nếu như chị không về nhà sớm như thế, cảnh tượng đáng thương của mẹ chị và bộ mặt thật của chồng đến bao giờ mới được phát hiện.

Bà lên đây chỉ biết ăn không ngồi rồi. Bà nghĩ chúng tôi đi chơi mà ra tiền hả, biết thân biết phận thì lo nhà cửa cho tốt. Tôi rước bà từ cái xứ khỉ ho cò gáy ấy lên để làm gì, được voi đòi tiên à?” - Giọng anh rành rọt.

Hay: “Tôi đã nói bao lần rồi. Đầu bà chỉ toàn đất hả, bát đũa toàn là đồ sứ đắt tiền, không phải bà sắm sửa nên không biết tiếc đúng không? Bà thích đập nên mới để vỡ hết thế à? Mà tay bà rửa đã sạch chưa? Ở đây là phải sạch sẽ, không bẩn thỉu như ở quê bà được đâu”.

Chị nghe từng lời chồng nói với mẹ mà thấy rùng mình. Mới hôm qua, ngay khi đi làm về, anh còn nhanh nhảu chạy tới đỡ lấy đống áo quần mẹ chuẩn bị đem phơi, trong khi cà vạt còn thắt nguyên, áo quần còn đóng thùng gọn gàng. Nhớ tới cảnh đó, chị càng thấy sợ hãi cái con người đang đứng trước mặt chị: tay chống nạnh, miệng không ngớt lời khinh miệt.

Còn mẹ chị cúi đầu lặng thinh như 1 kẻ tội đồ đã gây ra điều gì đó thật kinh khủng. Khồng kìm được tức giận, chị hét lên: “Anh im đi, anh đang làm cái gì thế hả?”.

Nghe tiếng chị, cả chồng lẫn mẹ đều quay sang với vẻ ngỡ ngàng. Chồng chị miệng ú ớ không nói nên lời: “Em… em về khi nào thế?”. Chị nghiến răng nói từng từ: “Từ khi anh nói mẹ tôi là kẻ quê mùa, là ô sin, là đầy tớ, là kẻ ăn bám thì phải biết thân biết phận. Anh lấy tư cách gì mà dám nói mẹ tôi như thế?".

Chị vừa gào thét, vừa khóc. Mẹ chị cũng khóc rưng rức theo con, miệng nói liên hồi: “Không có chuỵện gì đâu con, con đừng làm to chuyện. Thằng Trung nó không làm gì mẹ hết, con bình tĩnh đi, vợ chồng đâu còn có đó”.

Chị chỉ tay vào mặt chồng rồi nói: “Mẹ còn bênh vực anh ta làm gì? Con đón mẹ lên đây để mẹ được an nhàn chứ sao nỡ để mẹ phải chịu đựng thế này? Giờ con mới rõ bộ mặt thật chàng rể ngoan này đấy”.

Nghĩ đến những việc mẹ phải chịu đựng suốt thời gian qua, chị như đứt từng khúc ruột: “Mẹ gói đồ đạc đi, con chở mẹ qua nhà chị hai”. Rồi chị quay sang phía chồng vẫn đang đứng trân trân, đanh giọng: “Ly hôn đi! Đến mẹ tôi anh còn không tôn trọng thì anh xem vợ mình ra cái gì nữa? Đồ giả dối! Sao anh có thể sống hai mặt như thế chứ? Đến ô sin cũng không chịu được kiểu hành hạ của anh đâu".

Chồng chị hốt hoảng chạy đến níu tay chị van nài: “Anh xin lỗi. Anh hơi quá lời, chỉ là hiểu lầm thôi! Anh chưa khi nào quá đáng với mẹ như vậy hết. Anh thề đây là lần đầu tiên và là lần cuối cùng. Em và mẹ hãy tha thứ cho anh”.

Nói rồi anh chạy lại chỗ mẹ chị, cầm lấy túi đồ của mẹ giọng van lơn: “Con xin lỗi mẹ, mẹ nói vợ giùm con. Lỗi tại con hết, con đã biết con sai rồi. Mong mẹ bớt giận... Hãy nghĩ đến cháu Bi mẹ ạ!”.

Nghe nhắc đến cu Bi, mẹ chị có chút chùn lòng. Bà đến bên chị nhẹ nhàng nói: “Con đừng làm to chuyện, mẹ sống ở nhà chị hai con cũng được, nhưng con đừng vì mẹ mà ly hôn, làm thế mẹ thấy có tội lắm”. Chị nhìn khuôn mặt khắc khổ của mẹ, tai vẫn lắng nghe những lời van nài khẩn thiết của chồng.

Nhưng cứ nghĩ đến cảnh tượng lúc nãy, khi chồng chị vứt đống áo quần mới phơi khô trước mặt mẹ nói: “Bà giặt cái quái gì thế này? Giặt lại hết đống này đi! Bà định làm hỏng cái áo sơ mi của tôi hay sao mà lại giặt chung nó với đống áo quần dơ bẩn của bà?”, chị lại thấy lòng mình đau nhói. Và rồi chị vẫn nhất quyết đưa mẹ đi.

Nén tiếng thở dài, mẹ bước theo chị. Trên đường chở mẹ sang nhà chị hai, lòng chị biết bao ngổn ngang.Vừa đau xót khi nghĩ đến những gì mẹ phải chịu đựng, chị vừa băn khoăn khi nghĩ đến việc phải đối diện với chồng sau này.

Liệu chị có đủ can đảm để ly hôn khi còn cu Bi? Còn tình cảm vợ chồng từ trước đến giờ? Và hẳn mẹ sẽ suy sụp lắm khi nghĩ con gái ly hôn chồng vì mẹ. Nhưng lòng tin trong chị với chồng đã vơi bớt đi rất nhiều...



Một buổi chiều, khi bà đi ăn cỗ cưới trở về thì nghe thấy anh con rể chửi thẳng vào mặt vợ: “Cô rồi cũng là thứ đàn bà như mẹ cô thôi… chứ hay ho gì…”.
Bộ mặt thật của chàng rể
Chia sẻ