Bẽ mặt vì vợ "ki" ngày Tết

Me&be,
Chia sẻ

Nhớ lại Tết năm ngoái, vợ mình mừng tuổi cho mấy bé hàng xóm ở quê, mỗi phong bao vỏn vẹn hai tờ 500 đồng mới cóng mà đến giờ, anh Luân còn ngượng.

Đành rằng vợ chồng anh không quá dư dả, ở quê cũng chỉ là mừng tuổi lấy may nhưng thời buổi này mà còn lì xì 500 với 1000 đồng thì đến ngay cả ông bà già ở làng anh vẫn còn “xông xênh” hơn thế. Anh Luân kể năm ngoái, từ 29 Tết, vợ chồng anh đã khăn gói về quê nội. Sáng mùng 2 Tết sang nhà hàng xóm uống chén nước chè, chúc Tết, vợ anh mừng tuổi cho hai bé nhà ấy. Lúc đó, cậu anh lớn (hình như đang học lớp 2) nhanh nhẹn bóc phong bao rồi hét lên: “Tưởng 10 nghìn chứ” khiến anh phát “thẹn”.

Ngay cả với đám cháu trong họ, vợ anh cũng “dè xẻn”. Hai cháu con chị gái anh, mỗi bé được vợ anh mừng 20 nghìn. Đến khi bà chị lì xì lại cho con nhà mình, vợ anh hớn hở: “Ôi, lãi được 10 nghìn” rồi “phe phẩy” tờ 50 nghìn khoe với chồng.
 
Anh Phong (Thanh Trì, Hà Nội) nhớ giáp Tết năm ngoái, vợ chồng anh đi siêu thị khuôn về cơ man quà cáp. Nghĩ cô vợ trẻ tháo vát, sẽ tự biết biếu nội – biếu ngoại thế nào cho hợp lý, anh Phong không quan tâm. Khi về quê nội ăn Tết, thấy mấy hộp bánh kẹo “xấu mã” bày bàn thờ, anh Phong phàn nàn: “Mẹ mua thắp hương thì mua loại nào ngon một chút, ham gì mấy loại bánh gia công này”. Anh Phong thấy mẹ thở dài sườn sượt mà chẳng nói gì.
 

Mãi sau vô tình qua câu chuyện của bố mẹ, anh Phong mới biết đó là quà Tết biếu nhà chồng của vợ anh. Còn những “đồ xịn” hai vợ chồng sắm trong siêu thị đã được “khuân” hết về ông bà ngoại, cách đó 40km rồi. Thảo nào, vợ anh nằng nặc đòi về ông bà ngoại ăn Tết, còn bên nội chỉ ghé qua vài bữa lấy lệ. Chắc vợ anh nghĩ, ăn Tết bên ngoại là chính nên bên nội cứ “úi xùi” cho xong.

“Điên quá”, anh Phong gọi vợ vào buồng “sạc” cho một trận, vợ anh thanh minh: “Hôm đi siêu thị mua được ít quá, biếu ông bà ngoại hết rồi. Về đây, em mới mua thêm nhưng không ngờ, quê mình heo hút nên hàng hóa chỉ có thế”.

Anh Phong biết thừa vợ hào phóng với bên ngoại nhưng lại “kèn kẹt” với bên nội. Ngay chuyện chọn 2 cái khăn len biếu hai bà nội – ngoại, vợ anh cũng gửi bà ngoại cái đắt tiền hơn, cái còn lại (có giá bằng phân nửa) là dành cho mẹ chồng.

Đừng để ngày Tết "khục khặc"

Chuyện nàng dâu bủn xỉn với nhà chồng không phải quá hiếm. Tư tưởng yêu thương, chăm lo cho bên ngoại, nhàn nhạt, thờ ơ thậm chí là qua loa với bên nội khá thường trực ở những nàng dâu này. Nếu nhà chồng dễ tính, lại sẵn thói vô tâm thì chuyện “trọng ngoại, khinh nội” còn tiếp diễn.

Cũng có nàng dâu nghĩ rằng chỉ về quê ăn Tết mấy ngày nên không cần cầu kỳ làm gì, đằng nào ở nhà cũng có bố mẹ chồng lo cho hết rồi. Nghĩ thế nên họ mua sắm đại khái, không chọn lựa kỹ càng nên có thể “vớ” phải hàng kém chất lượng. Một số vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên quà cáp, tiền mừng tuổi các cháu cũng bị thu hẹp.

Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng có ảnh hưởng lớn đên quan hệ nội – ngoại và tình cảm vợ chồng. Nếu người vợ qua quýt với nhà chồng, có thể khiến bố mẹ chồng tự ái, làm chồng bực dọc, nghĩ không được vợ coi trọng. Mâu thuẫn này có thể làm vợ chồng mất vui, nhất là trong những ngày Tết.

Theo truyền thống Việt Nam, Tết là dịp đặc biệt thiêng liêng. Việc biếu quà Tết bố mẹ hai bên, mừng tuổi các cháu... cũng rất quan trọng. “Khéo ăn thì no”, vì thế, tùy vào điều kiện kinh tế, nàng dâu sẽ có cách đối nội – đối ngoại phù hợp trong dịp Tết. Tránh vì ki bo quá mức hoặc tiếc tiền cho bên nội mà khiến chồng bẽ mặt.

Chia sẻ