Bạo hành tinh thần trong gia đình trẻ

,
Chia sẻ

Nếu như các chuyên gia tâm lý phân chia bạo hành trong gia đình thành bốn loại: thể xác, tinh thần, tình dục, kinh tế… thì bạo hành xảy ra giữa các cặp vợ chồng trẻ thường là bạo hành về tinh thần.

Gần đây, thông tin đại chúng nhắc rất nhiều đến vấn đề bạo hành trong gia đình, đặc biệt giữa vợ và chồng mà nạn nhân phần nhiều là phụ nữ. Bạo hành trong gia đình xảy ra khi vợ và chồng sau một khoảng thời gian chung sống không còn tìm được tiếng nói chung, không thể đồng cảm với nhau. Vì thế, bạo hành trong gia đình thường xảy ra đối với các cặp vợ chồng đã có thời gian chung sống tương đối dài. Thế nhưng, khi vấn đề li hôn ở gia đình trẻ hiện nay đang dần dần chiếm tỉ lệ rất lớn, thì một câu hỏi đặt ra là: có hay không bạo hành trong gia đình vợ chồng trẻ? Và bạo hành trong gia đình trẻ thường xảy ra dưới những dạng thức nào

Thực ra, bạo hành trong gia đình trẻ không phải là ít xảy ra. Nếu như các chuyên gia tâm lý phân chia bạo hành trong gia đình thành bốn loại: thể xác, tinh thần, tình dục, kinh tế… thì bạo hành xảy ra giữa các cặp vợ chồng trẻ thường là bạo hành về tinh thần.
 
Đây là dạng bạo hành xảy ra tương đối phổ biến trong các gia đình trẻ. Phần lớn cả vợ và chồng đều là người có học thức, độc lập về tài chính. Nhưng trong cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi nảy sinh những mâu thuẫn, nếu như hai vợ chồng không thể khéo léo giải quyết, bạo hành về tinh thần rất dễ xảy ra.

Hương và Long mới cưới được hai tháng. Những tưởng cuộc sống sau kết hôn là quãng thời gian đẹp, lãng mạn dành cho nhau, nhưng trong ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng thường xuyên xuất hiện mâu thuẫn. Khi còn yêu nhau, Long là một người vui tính, hoà đồng, và đặc biệt là rất chiều chuộng Hương. Nhưng sau khi cưới, Long dường như trở thành một con người khác hẳn. Đối với gia đình nhà vợ, Long tỏ thái độ lạnh nhạt, thờ ơ. Còn đối với vợ, Long cũng không còn chiều chuộng nữa. Mặt khác, Long còn sa vào điện tử, tối nào đi làm về cũng ngồi chơi điện tử đến 1 - 2h sáng, có hôm còn không về nhà. Khi Hương quan tâm, hỏi han thì bị Long trả lời bằng một giọng điệu xa lạ: “Quan tâm làm gì”. Trước sự thay đổi vô cùng lớn của chồng, Hương đành ngậm ngùi nín chịu. “Dù sao anh ấy là bác sĩ, mình là giáo viên, đều được mọi người nể trọng, mình không nín nhịn nhỡ xảy ra to tiếng thì không biết giấu mặt vào đâu”. Chình vì suy nghĩ ấy nên hầu như đêm nào Hương cũng thức suốt đêm đợi chồng về mà không dám than thở với ai nửa lời. Chỉ mới lấy chồng được hai tháng mà Hương gầy rạc hẳn đi.

Khác với hoàn cảnh của Hương, Thảo (nhà báo) cũng mới lấy chồng được hơn một năm nhưng cuộc sống gia đình cũng không xuôi chèo mát mái. Nghề báo vốn dĩ rất vất vả nhưng thu nhập không cao. Tùng - chồng Thảo, làm giáo viên thu nhập cũng không dư giả là mấy. So sánh với cuộc sống nhà bạn, Tùng cảm thấy mặc cảm. Thế là Tùng thường xuyên tự trách bản thân, đêm không ngủ, bỏ cơm, thường xuyên than vãn về cuộc sống khó khăn không được như ý muốn. Thậm chí, Tùng còn gọi mẹ, gọi em, vợ là “tiêu sản”. Mặc dù chồng không nói gì nặng lời, nhưng trước thái độ ấy, Thảo cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Lúc nào về đến nhà, chị cũng phải đối mặt với không khí ngột ngạt và đầy bế tắc trong gia đình. Thảo có thể thông cảm với chồng, nhưng cô không thể thay thế chồng trong mọi việc, đặc biệt là vai trò trụ cột của một người đàn ông trong gia đình. Mỗi lần Tùng không ngủ là một đêm Thảo mất ngủ, mỗi lần Tùng bỏ ăn là một lần Thảo nuốt không trôi. Cuộc sống gia đình dần dần mất đi những tiếng cười hồn nhiên, mà thay vào đó là sự ngột ngạt khiến cô cảm thấy ghê người.

Còn trường hợp của Vương lại hoàn toàn khác. Là một người đàn ông mẫu mực, nhưng đến xấp xỉ bốn mươi anh mới xây dựng gia đình. Hoài – vợ của Vương vốn là một sinh viên được anh hướng dẫn thực tập. Chuyện tình cảm của hai người nảy sinh rất nhanh chóng và chỉ sau 3 tháng yêu nhau, Vương và Hoài chính thức thành vợ thành chồng. Họ hàng nhà Vương vô cùng ngạc nhiên, nhưng cũng mừng cho anh lấy được cô vợ trẻ, đẹp, lại khéo léo.
 
Nhưng chính vì “cái tiếng” đó mà đến bây giờ, Vương chỉ biết âm thầm chịu đựng. Hoài vốn là một cô gái sành điệu, quan hệ rộng. Quen Vương sau khi vừa bị bồ đá, Hoài bấu víu lấy anh như một chỗ để “lấp khoảng trống”. Sau khi tìm hiểu thấy gia đình Vương giàu có, lại có quan hệ với giới thượng lưu, Hoài đồng ý tiến tới hôn nhân. Nhưng cuộc hôn nhân diễn ra không dựa trên tình cảm chân thành từ hai phía, cộng với việc Vương là một người quen ứng xử theo phong cách của con nhà gia giáo nên không thoả mãn được những thói quen đỏng đảnh của vợ. Cô thường xuyên bỏ nhà đi tìm kiếm những cuộc vui thâu đêm, thậm chí còn công khai với chồng rằng mình có bồ.

Vốn là một người trọng danh tiếng, lại thêm tính tự trọng cao, nên Vương đành ngậm ngùi “coi như không biết”. Bởi lẽ, giờ đây anh là một người vô cùng hạnh phúc, có địa vị, danh tiếng, có vợ đẹp, lại thông minh, khéo léo.

Thực ra, trong cuộc sống hiện đại, đối với các cặp vợ chồng trẻ, mâu thuẫn là một điều không thể tránh khỏi. Mâu thuẫn đó xuất phát từ những thói quen, lối sống, cách tư duy khác nhau. Nhưng vì đều là những người còn trẻ, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, đồng thời là những người có cái “tôi” cá nhân rất lớn, nên khi xảy ra bất hòa, không ai chịu nhượng bộ, vì thế mâu thuẫn ngày càng căng thẳng, dần dần sẽ biến thành cuộc chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay đa phần là những người “có học”, có bằng cấp, chịu sức ép của danh tiếng nên họ không dám thổ lộ hoặc xin ý kiến của những người khác có kinh nghiệm để giải quyết mâu thuẫn. Thông thường họ chọn giải pháp cam chịu, nhẫn nhịn, chấp nhận. Đến khi không đủ kiên nhẫn để chịu đựng thì họ lặng lẽ đưa nhau ra toà li dị. Vì thế, có không ít cặp vợ chồng ra toà trước sự ngỡ ngàng của họ hàng. Bởi trong mắt mọi người, họ vẫn là một gia đình hạnh phúc.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, nếu vợ (chồng) gặp phải vấn đề bạo hành về tâm lý, tốt nhất hãy tìm đến các trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân để xin ý kiến của các chuyên gia. Mặt khác, hai vợ chồng cần có thái độ hợp tác, thậm chí cần gạt bỏ cái “tôi” cá nhân quá lớn của mình đi để có thể ngồi nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn, cùng nhau tìm ra một phương cách tốt nhất cứu vãn hạnh phúc của gia đình. Điều quan trọng nữa là chỉ nên tiến tới hôn nhân trên cơ sở tình yêu, sự tôn trọng và thông cảm với nhau.
 
Thu Hường
Chia sẻ