8 năm làm dâu 'sướng như tiên' của một dâu trưởng

Theo Vietnamnet,
Chia sẻ

Mẹ chồng mua vòng tay may mắn cho mình không quên mua tặng con dâu để hai mẹ con cùng đeo. Luôn nhắc con trai đưa vợ đi du lịch, và mỗi lần như thế mẹ chồng lại đi theo để chăm cháu cho các con thoải mái chơi…

Nhờ có người mẹ chồng tuyệt vời như bác Bùi Thị Hương Sen (58 tuổi) mà cuộc sống của cô con dâu Hà Thanh Thủy (32 tuổi) chưa phải chịu bất cứ một áp lực nào trong suốt 8 năm làm dâu.

mẹ chồng, con dâu, dâu trưởng

mẹ chồng, con dâu, dâu trưởng

“May mắn cũng một phần do mình lựa chọn”

PV: Chào chị Thủy! chị có thể giới thiệu về bản thân mình và gia đình được không?

Mình tên Hà Thanh Thủy, 32 tuổi. Chồng mình là anh Đỗ Thanh Tân, 36 tuổi. Hai vợ chồng mình đều là công chức và sống tại TP.HCM.

Mình về nhà chồng năm 24 tuổi và hiện sống cùng nhà chồng với 3 thế hệ gồm bố mẹ chồng, các em chồng và các con.

Bản thân mình theo như mọi người nhận xét thì mình khá tốt bụng, thân thiện, hòa đồng với mọi người và biết ứng xử.

PV: Chị từng nói hai vợ chồng đến với nhau trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Chị có thể chia sẻ về điều này hay không?

Hai vợ chồng mình cùng công tác trong một cơ quan hành chính Nhà nước, chồng mình vào làm trước. Ngày đầu tiên mình đến nhận việc thì gặp anh, cũng là người đầu tiên mình gặp trong cơ quan. Và đặc biệt là chỉ sau 2 tháng thì chúng mình dạm ngõ và 6 tháng sau tiến hành đám cưới. Về sau anh có nói là vừa nhìn thấy mình đã yêu luôn. (cười)

PV: Kết hôn khá vội vàng, khi đó chị đã biết gì về người mẹ chồng của mình hiện tại?

Mình cũng đã nghe chồng kể nhiều về mẹ anh. Dù chưa tiếp xúc nhưng mình có cảm nhận mẹ anh là người phụ nữ rất đảm đang, sống tình cảm. Và những cảm nhận đó của mình hoàn toàn không sai, sau khi anh dẫn mình về ra mắt, mình thấy mẹ anh còn là người có tư tưởng cực kỳ tân tiến.

Chính cách mà mọi người trong gia đình cư xử với nhau cùng thái độ thân thiện, chân thành của mẹ đã khiến mình đi đến quyết định kết hôn nhanh chóng.

mẹ chồng, con dâu, dâu trưởng

Mẹ chồng và con dâu cùng đeo vòng tay may mắn

PV: Ấn tượng ban đầu về mẹ chồng thì tốt nhưng thực tế những ngày đầu làm dâu của chị thế nào?

Bỡ ngỡ, căng thẳng chắc chắn là cảm giác không thể tránh khỏi của bất cứ cô dâu mới nào chứ không riêng mình. Đằng này mình lại là dâu trưởng, dưới còn có các em chồng đều hơn tuổi mình nên khó cho cả việc xưng hô. Nhưng mình luôn tự nhắc bản thân là dù thế nào cũng phải cố gắng làm tròn trách nhiệm làm dâu, làm vợ.

Và thật may mắn, mình không hề phải chịu một chút áp lực nào. Bố mẹ chồng tâm lý, không đe nẹt con dâu và biết tâm lý dâu mới còn chút căng thẳng nên mẹ chồng thường xuyên bảo hai vợ chồng sắp xếp đi chơi đây đó. Chị dâu em chồng thì yêu quý và cư xử thoải mái với nhau. Và đặc biệt ông xã mình luôn bên cạnh động viên quan tâm. Anh ít khi la cà quán xá, thường xuyên ở nhà cùng vợ. Nói chung từ lúc đó và cho tới tận bây giờ, nhà chồng vẫn cho mình cảm giác như một gia đình ruột thịt thứ hai vậy.

“Phụ nữ hơn nhau không chỉ ở tấm chồng mà còn là may mắn gặp được mẹ chồng tốt”

PV: Vậy chắc hẳn trong 8 năm làm dâu, chị có thêm nhiều ấn tượng tốt về mẹ chồng?

Đúng vậy! Không chỉ là ấn tượng tốt mà mình còn biết ơn và cảm phục mẹ rất nhiều. Ngày mình mang thai, dù không bị nghén nhưng mẹ vẫn chăm sóc mình rất đặc biệt khi nấu riêng cho mình những món ăn ngon bổ. Cho tới lúc sinh con, mẹ đã thức cả đêm cùng mình. Rồi ngày nào cũng nấu món ngon cho con dâu, tự tay tắm cháu và đêm đến lại giành phần chăm cháu cho mình nghỉ.

Sợ mình ngán nên trước bữa ăn bà thường hỏi thích ăn gì và thay đổi thực đơn liên tục. Biết tính con dâu hay ăn vặt, bà hay mua cho mình những món mình thích. Bà nói chỉ cần các con, các cháu ăn ngon và vui vẻ là bà hạnh phúc lắm rồi.

Khi con mình đã lớn, mỗi lần thấy bà luôn chân luôn tay bận rộn mình vào giúp bà lại bảo “Con trông cháu đi, mọi việc đã có mẹ lo”. Lần gần đây nhất cả nhà đi du lịch, mẹ chồng cứ giành đeo ba lô và dắt cháu. Mình đòi giúp thì bà lại bảo: “Không, để mẹ xách. Nặng lắm làm sao con đeo được, con lại bị say xe".

Khi ấy mình cảm động muốn rơi nước mắt vì biết bà đi cùng hai vợ chồng chỉ vì muốn chăm các cháu cho vợ chồng thoải mái nghỉ ngơi, chứ những chỗ đó bà đi nhiều lần rồi.

Thỉnh thoảng mình mua tặng quần áo hoặc thứ gì đó là bà lại đi khoe với các bạn của mình “con dâu mua đấy”. Mình biết rằng món quà mình tặng cũng như tình cảm mình dành cho bà, bà rất trân trọng.

Và một điều nữa đó là bà luôn khuyến khích chồng mình giúp đỡ vợ. Mẹ chồng mình bảo, đàn ông khi chăm con và giúp vợ làm việc nhà thì mới thấu hiểu được những vất vả của phụ nữ. Thế nên chồng mình luôn được mọi người khen là ông bố đảm đang (cười).

mẹ chồng, con dâu, dâu trưởng

Không chỉ có mẹ chồng tốt, Thủy còn may mắn có được người chồng luôn thương yêu vợ

PV: “Đến bát đũa còn có lúc xô” huống hồ lại lại mẹ chồng-con dâu. Vậy có khi nào chị cảm thấy không hài lòng về mẹ chồng mình?

Sự thật là suốt 8 năm làm dâu, chưa khi nào mẹ con mình xảy ra va chạm. Mẹ chồng mình bảo: “Con dâu cũng như con gái, xét nét con dâu chỉ làm khổ con trai mẹ. Ngày xưa mẹ cũng từng đi làm dâu, chịu nhiều cay đắng, khổ cực nên mẹ hiểu, đàn bà bao giờ cũng thiệt thòi vì phải sinh con, phải chịu tư tưởng trọng nam khinh nữ, sướng khổ hơn nhau ở tấm chồng. Các con sống cho vui vẻ, hạnh phúc là mẹ vui lòng rồi”. Có lẽ người phụ nữ hơn nhau không chỉ ở tấm chồng tốt mà còn là may mắn gặp được người mẹ chồng tốt.

Mỗi khi gặp khó khăn trong công việc hay có chuyện không vui, mình luôn tâm sự với mẹ để được nhận được những lời khuyên và động viên tinh thần. Thật sự mình rất biết ơn mẹ!

“Luôn dặn con trai phải yêu thương chăm sóc vợ”

Trò chuyện với mẹ chồng chị Thủy mới thấy đúng như lời cô con dâu, rằng “còn quá nhiều điều về người mẹ chồng tốt bụng không thể kể hết”.

PV: Chào bác! Trước giờ vẫn có câu mẹ chồng con dâu khác máu tanh lòng. Là người mẹ chồng, bác nghĩ sao về thành kiến đã trở nên “sâu rễ bền gốc” này?

Theo tôi, một gia đình hoà thuận, yêu thương nhau sẽ dễ dàng giữ nếp nhà. Chỉ vì tư tưởng "mẹ chồng nàng dâu khác máu tanh lòng" mà nhiều gia đình tan vỡ thế nên tôi hoàn toàn không có thành kiến đó.

Còn nhớ lần đầu tiên nghe con dâu gọi “mẹ ơi”, lúc ấy tôi thấy lòng mình vui sướng khôn tả. Và kể từ lúc đó, tôi tự thấy bản thân mình có trách nhiệm giống như một người mẹ thực sự, coi con dâu như con gái của mình.

PV: Khi thấy con trai mình yêu thương hay làm giúp việc nhà cho vợ, nhiều người mẹ có phản ứng không hài lòng do ghen ghét phải chia sẻ tình cảm hoặc xót con trai. Còn bác thì lại thấy vui, lý do là gì vậy ạ?

Tôi sinh ra con trai và nuôi con khổ sở vất vả thì bố mẹ của con dâu cũng thế. Tôi không bao giờ can thiệp thái quá mà luôn tôn trọng ý kiến, cuộc sống và mọi vấn đề riêng của các con. Nhiều lúc nhìn con trai chăm sóc, yêu chiều vợ con... tôi chỉ thấy tự hào về con trai mình. Vì như thế mới là một người chồng, một người cha tốt, chứ không bao giờ ghen tị ghét bỏ con dâu hay là sợ con dâu cướp mất con trai.

Người làm mẹ khi thấy các con mình hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc. Lòng đố kị và tình yêu ích kỉ sẽ giết chết tình cảm của các con và tự làm khổ bản thân mình. Tôi thường dạy con trai “hãy yêu thương chăm sóc vợ con thật tốt, biết hiếu thuận với bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ”.

mẹ chồng, con dâu, dâu trưởng

Với Thủy, gia đình chồng là chỗ dựa tinh thần vô cùng quan trọng

PV: 8 năm làm mẹ chồng, bác có nhận xét gì về con dâu của mình? Điều gì ở Thủy khiến bác chưa hài lòng và muốn con dâu thay đổi ạ

Thủy rất ngoan, hiểu và quan tâm mẹ, biết mẹ nghĩ gì và muốn gì. Những hành động và việc làm của con dâu đối với tôi thì dù nhỏ tôi cũng rất trân trọng và thầm cảm ơn trời phật có một người con dâu biết cách đối nhân xử thế, xử sự chu toàn trong mọi việc. Tôi yêu thương các con như nhau và chỉ ước mong các con tôi mãi mãi hạnh phúc như bây giờ vì chúng là cả cuộc đời của tôi, là niềm an ủi của tôi ở tuổi xế chiều.

mẹ chồng, con dâu, dâu trưởng

PV: Bác có điều gì nhắn nhủ tới những người đang làm mẹ chồng giống như mình không ạ?

Mỗi người có quan điểm sống khác nhau, nhưng bản thân tôi nghĩ một ngày phụ nữ cũng có 24 tiếng như đàn ông. Sức khỏe thì không bằng, cũng tất bật, túi bụi ngoài xã hội. Ngoài việc sinh con đau đớn, phụ nữ còn phải gánh trách nhiệm chăm sóc gia đình với vô vàn việc vặt trong nhà.

Bản thân người mẹ chồng cũng đã từng làm dâu nên càng phải hiểu điều đó để yêu thương, cảm thông, chia sẻ và cả nâng đỡ cho con dâu của mình. Đừng bao giờ bắt con dâu phải đeo thêm những gánh nặng. Nắm bắt tâm lý các con, nếu con sai thì nhẹ nhàng dạy bảo. Khi đó cuộc sống sẽ dễ chịu và không còn khoảng cách nào trong mối quan hệ mẹ chồng-con dâu.

PV: Cảm ơn bác và Thủy rất nhiều vì cuộc trò chuyện. Chúc gia đình mình thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc!

Chia sẻ