300 lá thư, 2000 ngày chờ đợi và chuyện tình cổ tích

Đinh Liên, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của chàng thi sĩ tật nguyền và cô gái hiền lành, giàu lòng nhân ái gây xúc động lòng người bằng những điều giản dị như thế!

Mối lương duyên từ một chương trình âm nhạc

Đến hỏi bất cứ ai ở xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn, Hòa Bình) cũng đều biết đến đôi vợ chồng Minh Tuấn – Anh Thư.

Nghe đến mối tình qua thư của vợ chồng chị, chúng tôi tò mò muốn gặp gỡ, nói chuyện với đôi vợ chồng đặc biệt ấy. Trong ngôi nhà nhỏ, người vợ hiền hậu đang ngồi bên máy may, chăm chú vào từng đường kim trên tấm vải. Anh Minh Tuấn nằm trên giường, ngó lơ ngoài cửa sổ và nghe chương trình yêu thích của mình trên Đài tiếng nói Việt Nam.

Thấy khách lạ, chị Thư không khỏi ngạc nhiên. Nghe ý định của chúng tôi muốn viết về chuyện tình của anh chị, chị chỉ cười tủm tỉm.

Nhớ lại quãng thời gian cách đây đã lâu, trong đôi mắt người phụ nữ ấy vẫn ánh lên những tia sáng hạnh phúc, có cảm giác như niềm hạnh phúc chưa khi nào vơi  trong tâm hồn chị. “Ngày ấy, cũng tình cờ thôi, chúng tôi đều thích nghe chương trình “thời sự và âm nhạc” trên Đài tiếng nói Việt Nam. Khi ấy, anh Tuấn là cộng tác viên của Đài, thường gửi thơ. Đọc những vần thơ tràn đầy niềm tin yêu vào cuộc sống, tôi nghĩ rằng hẳn anh là một người đàn ông có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc và luôn lạc quan vào cuộc sống. Chính những bài thơ đó đã gây ấn tượng mạnh với tôi, tôi quyết tâm tìm địa chỉ và viết thư cho chàng trai mà mình vốn đã mến mộ từ lâu.”

Anh Tuấn tiếp lời: “Lá thư đầu tiên tôi viết cho Thư không dám nói lên hoàn cảnh của mình. Tôi sợ khi biết tôi là một người tàn tật, thì tình bạn của chúng tôi cũng tan vỡ. Mãi đến lá thư thứ hai, tôi mới lấy hết can đảm nói sự thật với em.”

 Những lá thư đôi vợ chồng viết cho nhau.

Nhớ lại quãng thời gian khi Chu Phạm Minh Tuấn mới là cậu học lớp 5 (1974), thì căn bệnh quái ác bỗng dưng giáng xuống đầu: “Lúc đầu các khớp chân tôi sưng tấy. Gia đình đưa đi khám, bác sĩ kết luận tôi bị viêm đa khớp. Hết bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh. Hết Tây y đến Đông y rồi Đông – Tây y kết hợp. Cũng có giai đoạn bệnh tình thuyên giảm, tôi thấy mình như con chim sổ lồng bay đến trường học tiếp lớp 6 trong niềm vui mừng khôn tả của gia đình, bạn bè và các thầy cô giáo.”

Buồn thay, chẳng được bao lâu, căn bệnh quay lại hành hạ cậu học sinh hiếu học. Không chịu xa trường, xa bạn, xa thầy cô, Tuấn nhờ bạn cùng lớp cõng đến trường để tiếp tục là học sinh giỏi đứng nhất lớp và tích cực giúp đỡ bạn trong học tập. Vừa thuốc thang vừa tập luyện, song sự quyết tâm của Tuấn cũng không thể kéo dài. Hết học kỳ I lớp 6, Tuấn lại phải xa trường, xa lớp lần thứ hai và không ngờ từ đây cậu học trò nhỏ đã vĩnh viễn phải từ giã mái trường. Đôi chân dần cứng đờ, teo lại chỉ còn trơ xương.

Ở nhà buồn, Tuấn nghĩ ra những việc làm nho nhỏ để phụ giúp thêm tiền cho bố mẹ trang trải cuộc sống. Bẻ ngô, bóc sắn, đan rổ... bất cứ việc gì không cần sử dụng đến đôi chân Tuấn cũng đều nhận làm hết.
 
Niềm vui trong căn nhà nhỏ.

Mỗi ngày ngồi trước hiên nhà bắt đầu công việc, nhìn bạn bè tíu tít cắp sách tới trường, Tuấn không khỏi chạnh lòng, ước mơ về một phép màu kỳ diệu sẽ chữa khỏi đôi chân lại bùng cháy.

Ai mách bảo ở đâu có thầy hay, gia đình Tuấn lại tìm đến với hy vọng “còn nước còn tát”. Nhưng rồi tất cả các lương y cũng đều bó tay. Từ cột sống, bệnh lan ra cánh tay trái, Tuấn không thể dùng hai tay nhờ vào hai nạng mà đu thân mình lên nữa. Thậm chí, bò bằng hai tay Tuấn cũng không đủ sức. Nỗi lo sợ âm thầm thành người bại liệt toàn thân nay thành sự thật. Kể từ tháng 6/1983, Tuấn gần như bất động trên giường.

Thương con, bố mẹ Tuấn mua cho con một chiếc radio nhỏ làm bầu bạn. Tuấn rất chăm chú nghe đài và yêu thích các chương trình của Đài tiếng nói. Không ai nghĩ rằng, chính phương tiện thông tin bé nhỏ ấy đã  giúp anh tìm được một nửa kia của cuộc đời mình.

Hạnh phúc không tật nguyền

Cho đến tận bây giờ, khi đã nguyện suốt đời gắn bó, chung sống cùng nhau, người vợ vẫn rơm rơm nước mắt khi nghe chồng kể lại quãng thời thơ ấu. Những tâm tư, tình cảm và cả số phận nghiệt ngã của anh lúc nào cũng làm lòng chị thắt lại.

6 năm. Hơn 300 bức thư. Ngắn nhất là 5 trang. Dài nhất là 20 trang giấy viết tay của hai con người chưa hề biết mặt nhau lại cách nhau hàng trăm cây số. Người con trai ngoài 30 tuổi gần như bất động trên giường đánh vật với từng con chữ. Người con gái tuổi đôi mươi, xinh xắn, khỏe mạnh, nết na thức thâu đêm để viết.

Nhắc đến lá thư thứ hai, khi anh Tuấn bày tỏ hoàn cảnh, chị Thư xúc động kể: “Đó là cái ngày định mệnh. Bởi những dòng tâm sự chân thành của chàng trai bất hạnh giàu nghị lực làm cho tôi thực sự xúc động. Chính tôi đã đi đến quyết định sẽ luôn coi anh như một người bạn tâm giao, cùng anh chia sẻ đôi điều về cuộc sống.”
 
Anh Tuấn đọc lại những bức thư đã viết cho vợ.

Cứ sau một ngày làm việc vất vả thì niềm vui duy nhất chị có được là những đêm khuya vắng ngồi cặm cụi viết thư cho anh. Không kém gì người bạn gái xa lạ, Tuấn nằm trên giường, co bên chân phải đã teo tóp của mình lên, kê tấm bìa vào đó rồi dùng tay phải vừa viết vừa giữ giấy cho khỏi trôi, khỏi lệch. Trong tư thế ấy, bình thường thì dù cố gắng đến mấy, anh cũng chỉ viết được vài dòng là phải nghỉ. Anh Tuấn đã nói về việc viết của mình bằng thơ: “Nằm ngửa, đầu gối hơi cao/ Đùi kê bìa cứng kẹp giấy vào/ Tay phải vừa viết vừa ghìm giữ/ Được mươi dòng lại nghỉ giải lao”. Thế mà khi viết gửi cho Thư, Tuấn đã viết liên tục 20 – 30 dòng không biết mệt mỏi.

Bắt đầu từ những câu chuyện thơ văn, đến cảm nhận về cuộc sống, đến cả những suy tư thầm kín, họ không dấu giếm nhau bất cứ điều gì. Ân tình gửi trong những trang thư cứ thế lớn dần. Cả hai đều ngầm nhận ra một sự đồng điệu, một tình yêu lặng lẽ mà mãnh liệt ẩn giấu qua từng câu chữ. Song hơn ai hết, Tuấn hiểu hoàn cảnh hiện tại của mình. Anh vùi sâu chôn chặt mối tình câm lặng, chỉ dám coi Thư như một người bạn tâm giao, một người em gái. Nhiều lần, khi Thư bày tỏ niềm mong mỏi được đến thăm, anh kiên quyết chối từ.
 
Người vợ hiền đảm đang.

 “...Nhiều lúc anh tưởng như hết chịu nổi và chỉ còn biết khóc thôi. Anh khóc cho anh và cả khóc cho em…

“…Hãy sống thật hạnh phúc em nhé! Anh luôn cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với em và người em yêu…”

Nỗi cay đắng của riêng mình, anh Tuấn gửi cả trong thơ...

Một ngày đầu tháng 2 năm 2001, cô giáo Đặng Anh Thư vượt hơn 200km từ Nam Định ngược lên huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) để thăm gia đình chàng trai mà cô đã thầm thương trộm nhớ: “Bạn bè cứ trêu bảo cọc đi tìm trâu, nhưng lúc đó tôi chẳng có suy nghĩ nào khác ngoài việc tìm gặp bằng đuợc anh.”

Nhìn thấy người thương bấy lâu mong mỏi, Tuấn không cầm nổi nước mắt. Tấm chân tình của Thư đã thực sự chinh phục được anh. Những mặc cảm về thân phận tật nguyền biến mất, nhường chỗ cho tình yêu và khát khao hạnh phúc mãnh liệt…

Không dễ dàng thuyết phục ba mẹ đồng ý một cuộc hôn nhân “chịu nhiều thiệt thòi”, Anh Thư dũng cảm tuyên bố: “Nếu không lấy được người mình thương, con thà ở vậy suốt đời. Có lẽ vì thế mà các cụ chỉ còn biết nói câu 'thôi trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy'”.

Đầu tháng 11/2001, đám cưới của đôi trẻ được tổ chức. Người dân Hợp Thịnh còn nhắc mãi hình ảnh cô dâu xinh đẹp đi bên chiếc xe lăn...
 
Giờ đây, sau 10 năm nên duyên vợ chồng, chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của Anh Thư – Minh Tuấn vẫn được bà con lối xóm nhắc đến như một niềm cảm phục dành cho mối tình bất tử.

Bỏ lại công việc tốt, cuộc sống  đủ đầy, chị Anh Thư nguyện suốt đời ở bên, chăm người chồng nằm liệt giường, đó không phải là nỗi khổ hay sự bất hạnh, mà đối với chị đó mới là niềm hạnh phúc. “Được sống bên cạnh người mình yêu thương, thì khổ mấy tôi cũng vượt qua được hết,” chị khẳng định.

Tới thăm căn nhà nhỏ của vợ chồng chị, nhìn cái cách chị chăm sóc anh từng chút một, cái cách anh gọi vợ đầy trìu mến, đôi bàn tay siết chặt mỗi lúc gần bên… mới thấy ngon lửa tình yêu trong họ lúc nào cũng nồng đượm như thuở ban đầu.

Hơn 300 bức thư tay suốt 5 năm trời ròng rã… được đánh số theo từng ngày tháng, được xếp theo thứ tự “thư đến – thư đi”, được nâng niu cất trong hòm sắt như báu vật. Đó là thứ tài sản mà vợ chồng chị luôn coi là vô giá.
Chia sẻ