Bộ phim của tôi:

Tình yêu đẹp chỉ là thứ tượng trưng

Lies,
Chia sẻ

Tình yêu thực sự có đẹp không? Hay nó chỉ đẹp ở trên phim? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi khi xem "Sông Tô Châu"...

Sông Tô Châu mở đầu bằng cảnh quay các dòng xoáy của con sông bẩn thỉu chảy quanh thành phố Thượng Hải. Con sông ô nhiễm này chính là biểu tượng mạnh mẽ nhất ở tâm điểm của bộ phim. Cũng giống như sông Tô Châu những năm 90 của thế kỷ trước, bộ phim vừa kể lại những thay đổi liên tục, vừa đưa ra những tiên đoán về sự tàn lụi một cách nhanh chóng của những cuộc đời trong câu chuyện, những băn khoăn về tuổi trẻ, và về tình yêu.

Nhân vật chính trong phim là một nhà quay phim – người mà khán giả không bao giờ được biết mặt, biết tên. Tất cả những gì người xem được chứng kiến là cảnh vật, những câu chuyện xuất phát từ đôi mắt quan sát của anh. Nhà quay phim sử dụng thời gian ban ngày để phun sơn quảng cáo, còn ban đêm để xem các băng video.



Nhà quay phim không bao giờ lộ mặt có lẽ đóng vai trò như một chiếc camera quay lại toàn bộ câu chuyện này qua một ống kính chiêm nghiệm sâu sắc, hoặc cũng có thể anh ta không phải là một cá nhân riêng biệt nào. Anh ta là bất cứ ai.

Một ngày, nhà quay phim được thuê để quay quảng cáo cho một quán bar. Ông chủ ở đây có ý tưởng thuê các cô gái xinh đẹp đóng vai nàng tiên cá bơi lội trong một bể nước rộng đặt ngay giữa quán để câu khách. Anh chàng đã nhanh chóng bị mê hoặc bởi một trong những cô gái đó - Mỹ Mỹ (vai diễn của Châu Tấn). Mỹ Mỹ kể cho anh nghe về chuyện tình giữa gã xe ôm Mã Đạt (vai của Giả Hoành Thanh) và cô gái nhỏ Mẫu Đơn (vai thứ hai của Châu Tấn trong phim).

Chuyện tình của họ có kết thúc rất buồn. Cô gái nhỏ Mẫu Đơn dành tất cả cho tình yêu nhưng cuối cùng chỉ nhận lại sự phản bội – không phải sự phản bội như những câu chuyện ngoại tình chúng ta vẫn nghe ở ngoài đời – mà là một sai lầm của tuổi trẻ. Mỹ Mỹ kể rằng cô gái Mẫu Đơn đó đã nhảy xuống sông Tô Châu và nói sẽ biến thành nàng tiên cá để trở về tìm Mã Đạt.


Mẫu Đơn và Mã Đạt trong phim

Nhiều năm trôi qua, khi Mã Đạt được mãn hạn tù, anh trở về và điên cuồng tìm kiếm Mẫu Đơn ngày xưa. Không ai biết tung tích cô gái, ngoài câu chuyện về nàng tiên cá tóc vàng dưới dòng sông Tô Châu. Một ngày nọ, Mã Đạt vô tình nhìn thấy Mỹ Mỹ đang bơi lội trong bể nước ở quán bar. Anh tin chắc cô chính là Mẫu Đơn ngày nào và kiên trì thuyết phục cô về tình yêu ngày xưa của mình.

Câu chuyện tình yêu được kể lại của Mã Đạt và Mẫu Đơn không hề lãng mạn, không hề được lý tưởng hóa vì có sự phản bội, nhưng sâu sắc và giàu tính hiện thực. Một câu chuyện tình yêu khác là giữa nhà quay phim với Mỹ Mỹ. Sự say mê của nhà quay phim dành cho Mỹ Mỹ sôi nổi nhưng lơ lửng và nhạt nhẽo. Khi Mỹ Mỹ hỏi: “Liệu anh có thể dành cả đời để đi tìm kiếm em?”, người xem có lẽ đã tự có câu trả lời, rằng tình yêu đẹp thật sự chỉ là tượng trưng, là thứ chỉ xuất hiện trong phim.


Vai diễn người cá của Mỹ Mỹ trong quán bar xuất hiện với bộ tóc giả màu vàng và cái đuôi màu lục bảo. Cô xinh đẹp nhưng lại sống ở một nơi không tương xứng – quán bar chui Happy Tavern. Nhà quay phim yêu Mỹ Mỹ, nhưng anh chỉ quan sát cô với tư cách một kẻ ngoài cuộc, như nhà thơ rung động trước một bông hoa đẹp trên cành. Tình yêu đó hiện đại và mông lung, trôi nổi như một chuyến phà trên sông Tô Châu đục ngầu.

Bộ phim được quay bằng máy quay cá nhân với nhiều góc quay và nhân vật làm tăng mức độ căng thẳng của phim. Những cảnh hồi tưởng cũng được mở rộng và kéo dài, con sông bẩn thỉu xuất hiện với cả hình ảnh và âm thanh, với các nhân vật cặn bã của xã hội… Lâu Diệp đã rất thành công khi lột tả được sự bẩn thỉu, tối tăm, ảm đạm của con sông Tô Châu, của Thượng Hải và cảm giác bất an của những con người trong phim.

Mặc dù vậy, bộ phim vẫn gây xúc động, vì những gì mà đạo diễn theo đuổi trong phim cũng là những gì con người hiện đại suy nghĩ và tìm kiếm từ lâu: liệu tuổi trẻ có bị tan biến một cách đơn giản và đầy tiếc nuối? Và cả tình yêu, liệu tình yêu thực sự có đẹp như trong phim? Con người có chiếm hữu được tình yêu ấy hay sẽ đánh mất sau một hành động sai lầm?

Chuyên mục "Bộ phim của tôi"

Bạn yêu điện ảnh, bạn thích bình luận về phim, hay chỉ đơn giản là bạn chỉ thích ngồi nhà xem phim truyền hình. Hãy chia sẻ với Afamily.vn những cảm xúc của bạn về tất cả các bộ phim mà bạn đã từng xem. Chúng tôi luôn đón nhận tất cả những bài viết đánh giá cũng như bình luận phim của mọi độc giả qua chuyên mục mới "Bộ phim của tôi".

Lưu ý:

Mỗi bài viết hợp lệ được chọn đăng có độ dài từ 600 - 1.000 chữ, ưu tiên những bài viết bộc lộ được cảm xúc cũng như góc nhìn cá nhân của tác giả. Thư tham gia gửi về mục Phim Ảnh (email: phimanh@afamily.vn, mọi thắc mắc về chuyên mục các bạn cũng gửi trực tiếp qua email này) các bạn cần đề rõ: Tham gia chuyên mục "Bộ phim của tôi". Với mỗi bài viết được đăng, độc giả sẽ nhận được nhuận bút tương ứng.

Chia sẻ