Tình yêu đến muộn

Theo TGPN,
Chia sẻ

Với Nguyệt, Minh chỉ là người giúp việc, là cái bóng trong nhà cô, vì vậy nghe mẹ nói mà cô sửng sốt đến đờ người. Minh cũng toát mồ hôi.

Từ Long An, Minh theo người hàng xóm đến TP HCM làm công từ khi 13 tuổi. Minh còi cọc, bé hơn cái tuổi 13 của mình nên chẳng ai chịu thuê, những người làm công thấy Minh chăm chỉ giúp họ những việc vặt nên thương tình sẻ bớt phần cơm của mình cho cậu.

Rồi Minh gặp được bà Nga. Chồng bà chết đi, để lại cho bà hai đứa con, một trai một gái và hai ngôi nhà với một công ty đang làm ăn phát đạt. Một ngôi nhà bà cho thuê, một ngôi nhà vừa để ở vừa làm công ty buôn bán văn phòng phẩm.
 

Bà thấy thương thằng bé hiền lành, chăm chỉ nên nhận Minh về trông hàng. Minh chăm chỉ, ít lời, suốt ngày lụi cụi làm chẳng ngơi tay, không giao hàng thì lau chùi nhà cửa, sửa sang đồ hư hỏng trong nhà. Bà Nga thương lắm.

Năm Minh 20 tuổi, nhiều cô gái trong xóm lượn lờ quanh nhà bà Nga, ai trêu gì Minh cũng chỉ lỏn lẻn cười bảo: “Con đâu có tiền nuôi vợ mà cưới. Cưới về lại làm khổ người ta”.

Đến năm 30 tuổi, Minh vẫn bảo: Không nuôi nổi vợ con, chẳng dám cưới vợ. Bà Nga hỏi: “Chớ bộ mày định đi tu sao. Mày ưng đứa nào tao cho tiền làm đám cưới?”. Minh vẫn nói: “Con chưa tính. Cứ làm đã, tới đâu hay tới đó”. Bà Nga suy nghĩ rồi gật gù: “Để tao tính cho”.

Nguyệt, con gái bà Nga, kém Minh đến 8 tuổi, cô không đẹp nhưng hiền lành, ngoan ngoãn. Bà Nga giữ con lắm, hễ có chàng trai nào đến nhà là bà hỏi như thẩm vấn, nhìn vào đôi mắt bà chẳng có cậu nào dám đến lần thứ hai. Bà bảo: “Việc chồng con của mày để mẹ lo, không có yêu đương gì hết”.

Bà Nga lo chuyện cưới xin cho Nguyệt và Minh khiến mọi người không thể hiểu được vì sao bà lại gả cô tiểu thư được học hành tử tế của mình cho một kẻ làm công nghèo rớt mồng tơi.

Với Nguyệt, Minh chỉ là người giúp việc, là cái bóng trong nhà cô, vì vậy nghe mẹ nói mà cô sửng sốt đến đờ người. Minh cũng toát mồ hôi. Trước kia, Minh tận tụy hết lòng vì anh cảm cái ơn của bà Nga đã nhận anh vào làm khi anh đi đâu cũng bị xua đuổi. Giờ đây, cái ơn ấy còn mang đậm nghĩa tình vì bà đã nhận anh làm con, đã cho anh một mái ấm, đã tin cậy mà giao cuộc đời của đứa con gái yêu quý của bà cho anh, nên Minh không chỉ là một nô bộc trung thành mà còn là đứa con hiếu thuận, hết lòng.

Đối với Nguyệt, anh biết mình không xứng với cô, biết cô chấp nhận lấy anh là cô thiệt thòi, phải hy sinh nên anh không đòi hỏi bất cứ nghĩa vụ nào của cô đối với anh, với gia đình anh. Nguyệt không ghét Minh nhưng bị bạn bè dè bỉu, chê bai, lại thấy chồng mình kém cỏi hơn chồng các bạn nên cô tủi thân, thất vọng.
 

Một thời gian dài, Nguyệt cứ lặng lẽ sống, mặc cho Minh ngủ dưới nhà như kẻ làm công. Nhưng rồi, Nguyệt cảm nhận được sự chăm sóc, yêu thương và cả sự đau khổ của chồng, cô đành an ủi: Mấy đứa bạn gái lấy chồng vì tình yêu mà đâu có hạnh phúc.

Có đứa yêu nhau 5 năm, còn sống thử trước, vậy mà chỉ cưới nhau chưa đến 1 năm đã bỏ nhau. Vậy thì một tình yêu đẹp đâu đã đảm bảo một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Như bố mẹ cô đấy, lấy nhau do xếp đặt của ông bà, vậy mà đến ngày bố cô mất, ông còn nắm tay bà nói: “Nếu có kiếp sau, chúng mình lại là vợ chồng, em nhé!”.
Mẹ cô được vài người hỏi cưới nhưng lần nào bà cũng nói: “Bao giờ tôi quên được ông ấy thì tôi sẽ cưới chồng”, nhưng gần hai chục năm mà bà vẫn chưa quên ông.

Lần ấy Nguyệt ốm, nửa đêm tỉnh giấc, cô thấy Minh ngủ gục cạnh giường cô, quần áo vẫn còn lấm lem, tiếng thở mệt nhọc, Nguyệt thấy thương quá, lay anh dậy, bảo: “Lên giường ngủ đi”.

Đứa con trai ra đời, nó càng lớn, tình yêu hai người càng thắm thiết. Có những cuộc hôn nhân không bắt đầu từ tình yêu mà vẫn hạnh phúc. Nguyệt nhận ra: Điều quan trọng là thái độ ứng xử và quan niệm sống của hai người. Kết hôn không bắt đầu từ tình yêu không có nghĩa là không có tình yêu với người đó mà chỉ là tình yêu chưa kịp đến, nó sẽ đến khi cả hai biết mở lòng và biết vun đắp.

Chia sẻ