Tình trạng ly hôn tăng nhanh, Trung Quốc nghĩ cách đối phó

Minh Thu,
Chia sẻ

Trung Quốc đang chứng kiến vấn nạn kết hôn và ly hôn quá nhanh khiến chính quyền nước này đưa ra hàng loạt biện pháp đối phó.

Chính quyền Trung Quốc đang đề xuất nhiều biện pháp nhằm đối phó với tình trạng ly hôn tăng nhanh. Một trong những giải pháp đó là yêu cầu các cặp đôi trải qua nhiều nghi thức trước khi được cấp giấy chứng nhận kết hôn. Điều này nhằm tăng tính nghiêm túc trong suy nghĩ đối với các cặp đôi muốn xây dựng cuộc sống gia đình. Song giải pháp này lại đang vấp phải tranh cãi.

Theo văn bản hướng dẫn được Bộ Nội vụ Trung Quốc và Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc (ACWF) cùng công bố vào ngày 8/9, Trung Quốc sẽ để cho các cặp đôi trải qua thêm nhiều nghi lễ trước khi cấp giấy chứng nhận kết hôn bao gồm tư vấn trước hôn nhân, nâng cấp dịch vụ cấp giấy chứng nhận kết hôn, khuyến khích các cặp đôi đưa ra lời thề và mời quan chức địa phương cũng như người nổi tiếng tới chứng kiến lễ cưới.

Tình trạng ly hôn tăng nhanh, Trung Quốc nghĩ cách đối phó - Ảnh 1.

Chính quyền Trung Quốc đưa ra hàng loạt biện pháp giải quyết vấn nạn kết hôn và ly hôn quá nhanh. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Hoạt động tư vấn trước hôn nhân gồm đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa gia đình và hôn nhân, trách nhiệm với gia đình, kỹ năng giao tiếp và chương trình kế hoạch hóa gia đình. Mục tiêu là nhằm chuẩn bị cho các cặp đôi chuẩn bị làm đám cưới kiến thức gia đình và hiểu biết lẫn nhau để tránh xung đột nảy sinh trong quá trình chung sống.

Quy trình cấp giấy chứng nhận kết hôn có thể bao gồm việc các đôi trao lời thề và hẹn ước để tạo “bầu không khí trang nghiêm” trước khi về sống chung một nhà. Ngoài ra, các đôi được khuyến khích mời thêm thành viên gia đình và bạn bè tới chứng kiến buổi lễ trao giấy chứng nhận kết hôn.

Dù những nghi thức trên khá quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc nhưng trước đây, chính quyền nước này chưa bao giờ ban hành văn bản hướng dẫn chính thức về lễ nghi kết hôn. Còn hiện tại, nếu một cặp đôi có ý định kết hôn, họ chỉ cần tới Cục Các vấn đề dân sự và trả mức phí 9 nhân dân tệ (1,3 USD) để làm thủ tục đăng ký.

Đối với một số người, thủ tục đơn giản như trên khiến không khí trong buổi lễ đăng ký kết hôn trở nên khô khan và không lãng mạn. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một số bình luận của cư dân mạng đề xuất “kết hôn cần có thêm một số nghi thức”. Nhưng một số người lại không đồng tình và cho rằng “nghi thức không phải là giải pháp để hóa giải những vấn đề bất đồng nảy sinh trong hôn nhân”.

Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đang tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây, trong khi tỷ lệ kết hôn cũng giảm mạnh kể từ năm 2014. Trung Quốc còn đang chứng kiến tình trạng kết hôn muộn gia tăng.

Hồi tháng Năm, Trung Quốc đã lần đầu tiên thông qua điều lệ dân sự mang nội dung: các cặp đôi cần có 30 ngày “hạ hỏa” để suy nghĩ kỹ lại mọi chuyện sau khi điền vào đơn ly hôn.

Ông Peng Xizhe, trưởng khoa Chính sách Công và Phát triển Xã hội thuộc Đại học Phục Đán ở thành phố Thượng Hải nhận định, chính sách mới là nhằm chuẩn bị cho các bạn trẻ sắp bước vào cuộc sống gia đình hiểu hơn về trách nhiệm với hôn nhân, gia đình và xã hội.

“Điều quan trọng là các cặp đôi sắp cưới cần nhìn nhận hôn nhân một cách nghiêm túc nhất là trong thời kỳ hiện nay khi mà kết hôn và ly hôn diễn ra quá nhanh”, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Peng.

Theo ông Luo Ruixue, thành viên thuộc tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ có tên Women Awakening Network tại Quảng Châu, văn bản hướng dẫn mới được công bố nhằm hy vọng khôi phục niềm tin vào hôn nhân cho người dân. Nhưng theo ông Luo, khôi phục lòng tin về hôn nhân cho những phụ nữ trẻ lại là chuyện khó hơn.

“Chính sách mới mang ý nghĩa tích cực, nhưng sau hàng loạt vụ việc, nỗi sợ hãi về hôn nhân trong phụ nữ trẻ lại không thể được giải quyết thông qua chính sách này. Chúng ta cần triển khai cùng lúc cả các chính sách và bộ luật bảo vệ phụ nữ như luật chống bạo lực gia đình ở các cấp địa phương. Bằng cách này, niềm tin xã hội về hôn nhân sẽ tự nhiên được khôi phục”, ông Luo kết luận.

Chia sẻ