Tình mòn
Một ngày ngủ dậy, mở mắt nhìn hoài mà chẳng thấy còn chút tình yêu nào nằm giữa vợ chồng mình nữa, chỉ còn những thói quen, chỉ còn những vết lõm vào nhau, chỉ còn… hai người cũ mà thôi.
Nhưng lạ ở chỗ, cái gì mòn đi cũng nhỏ lại, riêng tình “mòn” chỗ này lại “lớn” ở chỗ kia! Với má sắp nhỏ ở nhà, tình coi bộ teo tóp mệt mỏi lắm rồi, nhưng gặp em nào mới mới, tự nhiên bao nhiêu cái đã bị mài mòn lại được tái sinh, lại đầy ăm ắp như trước, lại to lớn, sắt son! Nghĩ cho kỹ, có khi “tình mòn” là bởi cả vợ cả chồng cùng xài chung, cùng mài mòn nó, chứ đem tình riêng của vợ hay của chồng, mà ráp với một “đối tác” mới, có khi còn “sung” như chưa hề mòn mỏi, hư hao bao giờ!
Vậy thì bản chất của cái sự mài mòn lẫn nhau nằm ở chỗ nào?
“Mòn” là bởi cả hai cùng phải chia sẻ một gánh trách nhiệm. Anh trách nhiệm làm chồng, làm cha, em trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Hình dung như cái cối xay bột nước của bà cố ngày xưa, hai phiến đá nặng chồng lên nhau, xoay đều vòng để cùng nghiền bột cho thật mịn. Riết rồi cả hai mặt đá đều méo mó, lồi lõm như nhau! Không cùng quay thì không được, cũng như không thể không cùng chia sẻ cái gánh trách nhiệm của cuộc đời, nhưng cái nhịp quay đều đều, năm cùng tháng tận cũng không có gì đổi khác, khiến người ta “mệt nhoài cát bụi”, thỉnh thoảng chỉ muốn bung mình nổi loạn, thoát khỏi những vòng quay.
“Mòn” là bởi hàng trăm thứ axit từ cuộc đời thường nhật ngấm vào. Vợ hay chồng mất lòng tin, mệt mỏi với những nghi ngờ ghen tuông nhau từng chút một. Vợ hay chồng keo kiệt, không tôn trọng gia đình của mỗi bên. Chồng không chia sẻ việc nhà, một mình vợ suốt ngày quanh quẩn với tất bốc mùi, sàn nhà bẩn và chén đũa chưa rửa trong bồn, mùi cá tanh chưa phai trên tay. Vợ mờ nhạt, không có chủ kiến, răm rắp nghe lời chồng; chồng cũng không thể chia sẻ những mối quan tâm của mình với vợ… Hào quang của mỗi người tàn lụi dần, bản thân mỗi người mờ xỉn dần trong chính không gian gia đình của mình. Không còn ai long lanh, không còn cơ hội nào tỏa sáng, hôn nhân trở thành một tiệm cầm đồ tàng tàng, nơi đó, trên giá, những món đồ cũ kỹ nằm chờ thanh lý; bản thân món này chẳng khó nhọc gì cũng ước lượng ngay được giá của món kia!
Một ngày ngủ dậy, mở mắt nhìn hoài mà chẳng thấy còn chút tình yêu nào nằm giữa vợ chồng mình nữa, chỉ còn những thói quen, chỉ còn những vết lõm vào nhau, chỉ còn… hai người cũ mà thôi. Những thói quen ấy, những vết lõm ấy lại tiếp tục cùng nhau quay tiếp những ngày còn lại của một vòng đời. Khi văn hoa và bao dung, người ta gọi đó là sự “hiểu biết lẫn nhau”. Khi buồn bã thất vọng, người ta nói chẳng còn gì để hấp dẫn, để khám phá lẫn nhau, rồi có khi muốn đi khám phá cái gì mới mới.... Nhiều đôi nhất định không “buông” dù tình yêu chỉ còn như một cái xác ve khô trên cành, tiếng ve thì đã tắt tự lúc nào.
Những thế hệ về sau, càng trẻ càng nhạy cảm với “tình mòn”, càng cố gắng giãy dụa thoát khỏi những vết hằn của hôn nhân. Một phần vì ý thức cá nhân đã phát triển, họ biết tự đo tầm vóc của mình, tự đo tình cảm của mình, mập ốm to nhỏ lên xuống là nhận ra ngay; khác với những thế hệ trước tự đo mình rồi tự điều chỉnh mình bằng những chuẩn mực chung chung dành cho toàn thế hệ. Một phần nữa cũng vì họ có những không gian cá nhân khác (mạng, ảo) để thử nghiệm một phiên bản nguyên vẹn của mình. Các chỉ số đo càng cụ thể, cái cảm giác về sự mòn đi, lụn đi của mình càng lớn, càng đau đáu, day dứt. Có thể nói, thế hệ trẻ có phần bất hạnh hơn thế hệ già ở chỗ đó.
Phép mầu nhiệm của tình yêu không nằm trong mỗi con người mà nằm giữa những con người, cho nên “tình mòn” cũng gần như là một định mệnh. Ai lo lắng về sự mòn mỏi đó thì cố gắng tự bồi đắp, tự phát triển bản thân, để chỗ này mòn có chỗ khác bù qua sớt lại, để không thấy đời nhau cũ kỹ và cũng để không mài mòn nhau quá đáng. Ai không lo lắng thì chắc cũng không ngạc nhiên khi một ngày đời mình chỉ còn lại một mảnh mòn vẹt, méo mó theo thời gian…