Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan có xu hướng tăng mức độ khốc liệt
Thời tiết cực đoan trong tương lai có xu hướng gia tăng mức độ khốc liệt, gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất xuất hiện sự kiện, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn vừa, Hạn dài, Trung tâm Dự báo KTTV cho biết.
Thế nào là một hiện tượng thời tiết cực đoan, đợt mưa lũ tại Quảng Ninh liệu có phải là một hiện tượng cực đoan của thời tiết? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng cực đoan này?
TS Nguyễn Đăng Quang, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn vừa, Hạn dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) Trung ương cho biết, trước tiên ta tìm hiểu nghĩa của từ cực đoan. Cực đoan là một từ hán việt, chỉ những điểm giới hạn của một đồ vật hay sự việc. Ví dụ hai điểm ngoài cùng của một đoạn thẳng, hoặc nhiệt độ cao nhất và thấp nhất từng đo được tại một trạm quan trắc trong chuối số liệu … Như vậy, thời tiết cực đoan là những hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của con người. Trong những hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuất hiện những giá trị cực đại, cực tiểu, và kỷ lục mới. Thời tiết cực đoan tại Việt Nam được hiểu là các dạng thiên tai như bão mạnh, mưa lũ lớn, hạn hán hay rét đậm rét hại kéo dài… Đợt mưa lũ tại Quảng Ninh trong những ngày này là một hiện tượng thời tiết cực đoan: lượng mưa phổ biến của cả đợt từ 800-1200mm, nhiều điểm có lượng mưa ngày 300-400mm, và kèm theo đó là tình trạng ngập lụt diện rộng chưa từng xảy ra trong quá khứ tại nhiều xã, huyện.
Việc tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan nói trên là một quá trình không đơn giản. Về cơ bản có hai nguyên nhân chính gây ra những hiện tượng cực đoan này: một là dao động tự nhiên của khí hậu, hai là tác động của con người. Để dễ hình dung về những dao động tự nhiên, ta có thể lấy những hiện tượng như động đất hay núi lửa làm ví dụ; hoặc trước khi loài người xuất hiện, khí hậu trái đất cũng đã ghi nhận những trận bão lớn hay đại hồng thủy. Dưới tác động của con người, hệ sinh thái nguyên thủy đã bị thay đổi, hệ quả là chế độ thời tiết thủy văn không còn hoàn toàn tuân theo những quy luật chung trước kia. Hiện tượng ấm nóng toàn cầu hay biến đổi khí hậu phần nhiều là do tác động của con người. Lịch sử sẽ ghi nhận rằng chúng ta chính là những nhân chứng và cũng là thế hệ phải gánh chịu hậu quả của những hiện tượng dị thường, cực đoan với tần suất và cường độ chưa có trong tiền lệ.
Trong cuộc họp báo về tình hình mưa lũ ở Quảng Ninh vừa qua, một chuyên gia của ngành dự báo có nói: có thể cảnh báo được mưa diện rộng, lượng mưa phổ biến ở những vùng mưa lớn, nhưng có những điểm cực đoan thì khoa học công nghệ chưa thể cảnh báo được. Vậy xin ông cho biết cụ thể điểm cực đoan ở đây là gì?
Trong ngữ cảnh cụ thể đó, điểm cực đoan mà chuyên gia của chúng tôi nói tới chính là những giá trị lớn nhất về lượng mưa. Trong chuyên môn dự báo, hiện nay trên thế giới cũng chưa đạt đến trình độ dự báo được những giá trị cực trị lịch sử. Nói một cách khác, những giá trị lịch sử này nằm ngoài tầm hiểu biết và suy đoán của con người.
Xin ông cho biết diễn biến thời tiết cực đoan trong thời gian sắp tới và các biện pháp phòng tránh nhằm ứng phó, giảm thiểu rủi ro?
Như đã trình bày ở trên, thời tiết cực đoan trong tương lai có xu hướng gia tăng mức độ khốc liệt, gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất xuất hiện sự kiện. Ứng với từng loại hiện tượng thiên tai sẽ có những biện pháp phòng tránh tương ứng. Do vậy, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng với các loại thiên tai nên là một ưu tiên lâu dài và thường xuyên của nhà nước đối với dân chúng. Việc cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực dự báo KTTV cũng cần được quan tâm ở mức cao nhất. Cuối cùng, để ứng phó tốt với các hiện tượng thời tiết cực đoan thì ngành KTTV cũng cần sự chia sẻ của các ngành, cơ quan chức năng khác nhau, đặc biệt là các cơ quan báo chí, đài phát thanh để các tin dự báo, cảnh báo tới được người dân một cách nhanh nhất, kịp thời nhất.