Tỉnh có tới 3 vùng biển nổi tiếng, nơi nào cũng hút khách bằng cảnh đẹp đến "siêu thực" và những món đặc sản độc đáo
Mỗi món ngon nơi đây như chắt lọc hương vị từ biển khơi, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng thực khách.
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum chính thức sáp nhập thành tỉnh Quảng Ngãi (mới) với tổng diện tích hơn 14.800 km² ; dân số hơn 2,16 triệu người.
Phía Tây là cửa ngõ giao thương quốc tế với ngã ba Đông Dương, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Măng Đen - 'Đà Lạt thứ hai của Việt Nam' với khí hậu mát mẻ quanh năm, rừng thông và hệ sinh thái đa dạng. Phía Đông là đặc khu Lý Sơn, đảo tiền tiêu giữa biển Đông, giàu tiềm năng phát triển du lịch biển.
Không rực rỡ như Hội An hay sôi động như Đà Nẵng, Quảng Ngãi mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc, giản dị từ cảnh sắc đến con người, đậm đà từ hương vị biển cả đến hơi ấm quê nhà trong từng món ăn.
Hãy bắt đầu hành trình từ đảo Lý Sơn xanh ngắt, dừng chân ở biển Mỹ Khê yên bình, và khép lại ở biển Sa Huỳnh hoang sơ, để thấy rằng mỗi nơi ta đến sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho một chuyến đi mùa hè đầy cảm xúc.
1. Đảo Lý Sơn
Không thể nhắc đến du lịch Quảng Ngãi mà thiếu Lý Sơn - hòn đảo xinh đẹp cách đất liền khoảng 15 hải lý, được mệnh danh là "vương quốc tỏi" của Việt Nam. Từ cảng Sa Kỳ, bạn chỉ mất 35 phút đi tàu cao tốc để đến nơi được ví như "đảo Jeju của Việt Nam".

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao - Ảnh: Tổng hợp
Lý Sơn cuốn hút với địa hình núi lửa độc đáo, nước biển xanh ngắt, bãi cát trắng mịn và các điểm check-in nổi tiếng như Hang Câu, chùa Hang, cổng Tò Vò, núi Thới Lới. Du khách có thể thuê xe máy dạo quanh đảo, lặn ngắm san hô hoặc thử cảm giác mạnh với mô tô nước, cano kéo phao chuối, dù lượn…

Cổng Tò Vò - Ảnh: Tổng hợp
Ngoài thiên nhiên hùng vĩ, Lý Sơn còn là nơi lưu giữ giá trị văn hóa biển, đặc biệt là dấu ấn hải đội Hoàng Sa - Trường Sa qua các lễ hội, đình làng cổ, miếu thờ linh thiêng.

Hang Câu - Ảnh: Tổng hợp
Món ngon nên thử: Gỏi tỏi non
Tỏi Lý Sơn vốn nổi tiếng với mùi thơm nồng đặc trưng, củ nhỏ nhưng vị đậm đà, được trồng trên nền đất bazan pha cát san hô - điều kiện lý tưởng mà không nơi nào ở Việt Nam có được. Tuy nhiên, để làm gỏi, người ta không dùng củ tỏi mà dùng phần thân non của cây, mọc cao tầm 15-20cm, thu hoạch sớm trước khi củ phát triển. Đây là nguyên liệu quý, chỉ có theo mùa (tháng 3-4 âm lịch) và thường được người dân dùng để đãi khách quý.
Gỏi tỏi non còn được xem như 'bài thuốc giải nhiệt', giúp tiêu hoá tốt (Clip: An Đen)
Tỏi non sau khi nhổ lên phải chọn kỹ phần còn nguyên vẹn, non mướt, rồi rửa sạch nhiều lần để loại bỏ cát biển. Sau đó, chần nhẹ qua nước sôi để giữ độ giòn, rồi vắt ráo nước, cắt khúc vừa ăn. Tỏi non sau sơ chế sẽ được trộn cùng đậu phộng rang giã dập, rau răm, hành tím thái mỏng và ớt sừng. Nhưng điểm nhấn hương vị lại đến từ nước mắm chua ngọt đặc chế - được pha từ nước mắm cá cơm nguyên chất, đường cát vàng, tỏi ớt giã nhuyễn và một ít nước cốt chanh. Tất cả được trộn đều, để ngấm vài phút là dùng được.

Gỏi tỏi có thể thêm hải sản, thịt bò, thịt gà, thịt ba chỉ,… tùy theo sở thích (Ảnh: internet)
Gắp một đũa gỏi tỏi non đưa vào miệng, bạn sẽ cảm nhận rõ sự giòn mát, vị the nhẹ đặc trưng của tỏi tươi nhưng không hề nồng hăng. Vị béo của đậu phộng, cay dịu từ ớt, mùi thơm của rau răm và vị chua ngọt của nước mắm - tất cả hoà quyện hài hoà, tạo nên một món ăn đơn giản nhưng vô cùng lôi cuốn.
Đặc biệt, gỏi tỏi non còn được người dân đảo Lý Sơn xem như "bài thuốc giải nhiệt", giúp tiêu hoá tốt, làm ấm bụng và tăng sức đề kháng trong những ngày hè oi bức hay sau các bữa hải sản no nê.
Gợi ý quán ngon:
- Quán Đại Hằng (gần cảng)
- Quán Mười Được (gần Hang Câu)
- Homestay Gió Biển (có dịch vụ đặt cơm gia đình)
2. Biển Mỹ Khê
Tạm rời đảo, về lại trung tâm thành phố Quảng Ngãi, bạn chỉ cần chạy thêm 10km là chạm đến Mỹ Khê - bãi biển hiền hòa mang theo bao ký ức tuổi thơ của người dân xứ Quảng. Không ồn ào như những bãi biển du lịch nổi tiếng, Mỹ Khê lặng lẽ đón nắng mai bằng sự dịu dàng, nguyên sơ hiếm có.
Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi trải dài 7km, nước biển vô cùng trong xanh với lưng tựa núi rừng xanh thẳm (Clip: khaiminhmykhe)
Buổi sớm, bạn sẽ thấy khung cảnh thật thơ: người dân đi dạo, kéo lưới, chơi bóng chuyền; trẻ con nô đùa với sóng; từng chiếc thuyền thúng khẽ lướt trên mặt nước. Mỹ Khê không sâu, bãi cát thoải dài, phù hợp cho các gia đình có trẻ nhỏ.

Ảnh: internet
Du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền thúng, câu cá, tắm biển, hoặc đơn giản là nhâm nhi cà phê ven bờ, lắng nghe biển kể chuyện ngày xưa.

Ảnh: internet
Món ngon nên thử: Don sông Trà
Từ Mỹ Khê, bạn có thể ghé vào các quán ăn gần sông Trà Khúc để thưởng thức món ăn bình dị mà làm bao người con xa quê chỉ cần nhắc tên thôi cũng thấy sống mũi cay cay - canh don.
Ăn món này là phải xì xà xì xụp nóng hổi, cay nồng nhẹ của ớt và hành mới 'chuẩn vị' (Clip: ramquangngon)
Don là loài nhuyễn thể nhỏ bằng đầu ngón tay, sống bám dưới lớp cát phù sa ven sông Trà Khúc. Mùa don rộ nhất tầm tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, khi nước sông rút và trời hửng nắng. Don sau khi đã ngâm cho nhả sạch cát sẽ được nấu lên lấy nước ngọt, phần thịt đãi riêng. Bát don nóng hổi dọn ra lúc nào cũng đi kèm bánh tráng nướng giòn rụm, thêm chút hành lá xắt nhỏ, ớt xanh, tiêu và tí xíu dầu phụng thơm lừng.

Ảnh: internet
Mỗi người có cách thưởng thức khác nhau, nhưng đậm đà nhất là khi bẻ bánh tráng vào tô nước don nóng hổi, ăn kèm thịt don dai mềm. Don được bán ở nhiều nơi nhưng đậm đà và đúng vị nhất vẫn là các quán nhỏ ven sông Trà Khúc. Vài chiếc bàn gỗ nhỏ, chén đũa đơn sơ, nhưng các quán don bình dân nơi đây lưu giữ trọn vẹn hương vị tuổi thơ của biết bao thế hệ.

Tô don sông Trà ở quán Gáo Dừa (Ảnh: internet)
Gợi ý quán ngon:
- Don bà Lữ: đường Trương Quang Trọng
- Don Sông Trà: 119 Chu Văn An, Nghĩa Lộ
- Don Gáo Dừa bà Cẩm: Cổ Lũy Bắc, Nghĩa Phú, Tư Nghĩa
- Don Cổ Lũy cô Thôn: LK 04-08, Khu dân cư bắc Lê Lợi
3. Biển Sa Huỳnh
Theo hướng nam khoảng 60km từ trung tâm thành phố, biển Sa Huỳnh mở ra như một bức tranh yên bình với bãi cát vàng trải dài, dừa xanh nghiêng bóng và những vách đá tạo hình ấn tượng. Ít ai biết, Sa Huỳnh không chỉ là điểm nghỉ dưỡng mà còn là vùng đất gắn với nền văn hóa cổ - nơi các di chỉ khảo cổ từng hé lộ lịch sử hàng nghìn năm.

Vịnh Châu Me là bãi tắm lý tưởng vì nước trong, sóng êm, cát sạch - Ảnh: Trần Cao Duyên
Không chỉ là điểm du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, Sa Huỳnh còn được biết đến là một trong số những bãi biển đẹp, chạy dài 5-6km cong cong hình lưỡi liềm, sở hữu những 'người đẹp biển' đầy mê hoặc như vịnh Hóc Mó, gành Châu Me, hang Én, bãi Con.

Hóc Mó (Hòn Rùa) với bãi cát vàng óng, rừng dương nguyên sinh, nước biển êm ả - Ảnh: Trần Cao Duyên
Bãi biển ở đây đẹp nhất vào chiều tà, khi mặt trời đỏ rực phủ lên làn nước xanh biếc, phản chiếu qua muối trắng của đồng ruộng ven bờ. Du khách có thể tắm biển, thuê thuyền ra đảo Khỉ, ghềnh đá Châu Me, hoặc khám phá làng muối, làng chài truyền thống.

Đồng muối Sa Huỳnh tựa như bản giao hưởng ánh sáng, đất trời và nước biển tạo nên không gian đầy mê hoặc (Ảnh: Đoàn Vương Quốc)
Món ngon nên thử: Cúm núm
Cúm núm (hay còn gọi là khúm núm, cua cúm) - một loại cua sống sát bờ biển, có lớp vỏ cứng, càng và chân màu vàng nhạt, 2 càng to gồ ghề, hơi dẹp. Nếu nhìn sơ qua thì cúm núm có hình dáng giống ghẹ nhưng mai có màu xanh lốm đốm nâu cùng với phần bụng màu trắng sữa. Loài hải sản "nửa cua nửa ghẹ" này chỉ xuất hiện theo mùa, khoảng tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, là đặc sản độc đáo của vùng biển Sa Huỳnh.

Giải thích về tên gọi là cua cúm núm, người dân địa phương cho hay, khi động vào mai cua thì ngay lập tức co rúm lại nên được gọi là cua cúm. Ngoài việc cúm núm mắc lưới của ngư dân đi đánh bắt ghẹ thì loài này còn được đánh bắt bằng cần câu làm bằng đoạn tre hoặc thân cây to bằng ngón tay út.
Cúm núm rang me là món ăn đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ngãi, được nhiều người dân và du khách yêu thích. Cúm núm sau khi được làm sạch, tách mai, vặt càng và chân sẽ được rang với muối đến khi vỏ chuyển hồng. Sau đó, đầu bếp phi thơm sả, ớt, hành tỏi, rồi cho cúm núm vào đảo đều. Me được dầm với nước ấm, bỏ hạt rồi cho vào chảo, trộn đều để thấm gia vị. Món ăn có hương vị thơm ngon, chua ngọt đặc trưng.

Món cúm núm hấp sả ớt là lựa chọn phổ biến của người dân vì dễ chế biến và giữ trọn vị ngon ngọt tự nhiên. Người ta thường chọn những con cúm núm cái, to và nặng, rửa sạch rồi hấp cùng sả, ớt đập dập, tiêu, bột ngọt khoảng 10-15 phút đến khi vỏ chuyển màu đỏ gạch và dậy mùi thơm là cúm núm đã chín. Khi ăn, dùng đũa tách mai ở phần dưới yếm, phần mu nhiều gạch béo bùi, thường chấm với muối tiêu chanh. Càng cúm núm có thịt trắng hồng, chắc ngọt, đậm vị biển, rất hấp dẫn và khó quên. Món ăn này vừa dân dã vừa quý hiếm, không phải lúc nào cũng có sẵn nên càng được người dân trân trọng.