Tin tôi đi, mâu thuẫn sẽ chỉ giúp vợ chồng thêm hòa hợp với nhau mà thôi
Tôi và chồng cũng thường xuyên bất đồng quan điểm, mâu thuẫn nhưng nhờ vậy mà hôn nhân của chúng tôi càng thêm bền chặt.
Tuần trước, tôi và chồng cùng nhau đi tìm nhà, lựa chọn tổ ấm cho cả hai. Nghe có vẻ rất hạnh phúc nhưng thật tình là chúng tôi vừa trải qua thời gian dài với những cuộc tranh cãi, giận dữ đến nỗi một trong hai khi đó đã quyết định bỏ đi. Là một Giáo sư Giao tiếp, tôi thừa biết xung đột hay bất đồng quan điểm giúp mối quan hệ vợ chồng càng thêm gắn bó nhưng khi nó xảy ra với bản thân, tôi không hề cảm thấy dễ chịu chút nào.
Một vài ngày sau đó, chúng tôi gặp lại nhau và bắt đầu xin lỗi đối phương. Khi đó, anh đã nói một câu mà tôi nghĩ nó vô cùng phù hợp với tất cả chúng ta: “Thật tiếc khi người mà chúng ta yêu thương và trân quý nhất trên đời lại luôn là người phải chịu đựng và chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của người còn lại”. Anh nói đúng. Sau khi yêu anh, tôi dành hết tất cả quỹ thời gian của mình để ở bên cạnh anh, những lúc ấy, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái. Tôi tự mặc định rằng nghĩa vụ của anh là phải lắng nghe và chịu đựng lúc tôi vui hay tâm trạng không tốt và căng thẳng trong công việc dù bản thân tôi chưa bao giờ muốn anh cảm thấy gánh nặng khi cả hai ở bên nhau.
(Ảnh: Internet)
Tôi biết những cuộc tranh cãi không hồi kết và mâu thuẫn liên tục dễ khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt từ đó làm rạn nứt mối quan hệ. Tôi và chồng cũng từng rơi vào tình huống ấy nhưng may mắn chúng tôi vẫn giữ được nhau. Thế nên, tôi nghĩ việc chúng ta có thể hiểu và nhìn nhận một cách tích cực về những mâu thuẫn chính là bước đầu tiên để thay đổi quan niệm của chúng ta và cải thiện tình yêu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học., có 3 lý do các cặp đôi chúng ta cần có những cuộc tranh cãi và mâu thuẫn để mối quan hệ càng thêm bền chặt.
Mâu thuẫn là dấu hiệu cả hai cần thay đổi
Cặp đôi có thể trái ngược tính cách nhưng quan điểm sống cần rất nhiều điểm tương đồng để có thể đi với nhau suốt cả cuộc đời. Khi mâu thuẫn xảy ra, hai người đều muốn nói lên suy nghĩ riêng của mình, tệ hơn là bắt người kia phải nhìn nhận vấn đề theo cách mà họ đang làm. Song thực tế, điều đó chỉ khiến tình yêu càng thêm bế tắc mà thôi.
Mâu thuẫn chỉ ra những “lỗ hỏng” trong mối quan hệ và cho cả hai cơ hội để cùng nhau tìm ra cách giải quyết tốt nhất để rồi thông suốt và không lặp lại lần nữa trong tương lai. Nếu cứ nhắm mắt cho qua, mâu thuẫn sẽ tiếp tục tìm đến và sớm muộn cũng “giết chết” mối quan hệ của hai bạn mà thôi.
Xung đột chứng tỏ cặp đôi sống phụ thuộc vào nhau
Nếu không quá phụ thuộc vào nhau, tin tôi đi, chắc chắn cả hai bạn sẽ không phải trải qua nhiều mâu thuẫn hay xung đột như chúng tôi. Ví dụ như vợ chồng tôi dùng chung một chiếc ô tô và nó khiến chúng tôi luôn phải tuân thủ theo lịch trình di chuyển của nhau dù muốn hay không. Vào cuối tuần, anh ấy muốn đi trượt tuyết cùng bạn trong khi tôi muốn ở nhà và đến lớp tập yoga. Từ đó, xung đột xảy ra khi chúng tôi cân nhắc việc của ai quan trọng hơn? Một trong hai có thể đi nhờ người khác không?...
Mâu thuẫn này rất nhỏ và không đủ để phá vỡ mối quan hệ nhưng bạn thấy đấy, cặp đôi sống phụ thuộc vào nhau sẽ gặp phải rất nhiều rắc rối ảnh hưởng đến tất cả những quyết định và việc làm của họ. Nên nhớ, chỉ là đôi khi thôi, khi chúng ta học được cách tôn trọng, nhường nhịn đối phương thì việc sống phụ thuộc không còn là vấn đề quá lớn mà nó sẽ giúp cả hai thêm hòa hợp và tình yêu thăng hoa mà thôi.
(Ảnh: Internet)
Mâu thuẫn không chỉ ở bề nổi
Đôi khi chúng ta thường viện cớ để giận dữ với đối phương. Việc anh ấy quên không đổ rác không thể không khiến bạn “nổi trận lôi đình”, có thể bạn đang buồn phiền vì hành động ấy chứng tỏ chồng không hề quan tâm và tôn trọng những gì bạn đã làm cho tổ ấm của cả hai. Tìm hiểu nguyên nhân thật sự của vấn đề là bước quan trọng để cải thiện mối quan hệ nhưng điều đó không hề dễ dàng khi cơn nóng giận đang nắm quyền kiểm soát. Như ông bà ta khi xưa có câu: “Giận quá mất khôn”, tất cả những điều bạn nói khi giận dữ chắc chắn sẽ khiến bạn hối hận sau này. Mâu thuẫn chính là ví dụ điển hình chứng tỏ hành động và suy nghĩ của chúng ta nhận sự chi phối rất lớn từ cảm xúc. Chúng ta sẽ dễ hợp tác với nhau hơn khi cả hai đều bình tĩnh và có thiện chí làm hòa.
Khi mẫu thuẫn đến đỉnh điểm, chúng ta cần bình tâm lại, bước ra phía ngoài để xem xét, phân tích toàn bộ sự việc ở vị trí của người thứ ba và cuối cùng trở lại giải quyết sau khi hiểu rõ cốt lõi vấn đề. Khi đó, bạn phải đào sâu vào những suy nghĩ và nỗi lo của đối phương để hiểu được họ đang nghĩ gì và mong muốn điều gì ở bạn. Bên cạnh đó, cũng đừng quên suy ngẫm những điều tương tự ở bản thân mình nhé.
(Nguồn: psychologytoday)