TikToker Mr Pips cùng những góc khuất dần phơi bày
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã núp dưới danh nghĩa công ty, trang mạng đang làm ăn, hoạt động bài bản và uy tín.
Ngày 9-12, bên lề kỳ họp thứ 20 HĐND TP Hà Nội, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo VKSND TP Hà Nội cho biết đang phối hợp với Công an TP Hà Nội mở rộng, điều tra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên quan Phó Đức Nam (30 tuổi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn gọi TikToker Mr Pips).
Đủ chiêu dẫn dụ
Trước đó, VKSND quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, TP Hà Nội) và 24 người khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Không tố giác tội phạm" và "Rửa tiền".
Cuối tháng 10-2024, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội phối hợp Công an quận Cầu Giấy cùng các đơn vị nghiệp vụ triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, xảy ra tại TP Hà Nội và một số tỉnh, thành trên cả nước. Bước đầu xác định tháng 6-2019, Phó Đức Nam cấu kết với Lê Khắc Ngọ lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán. Để thực hiện hành vi vi phạm, các đối tượng đã núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua điện thoại, tư vấn bán hàng qua điện thoại, tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán với những mã cổ phiếu như Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas, nhằm dụ dỗ, lôi kéo các khách hàng tham gia.
Cùng với đó, các bị can lập trang web artexvina.co tuyển dụng nhân viên, xây dựng hình ảnh công ty hoạt động bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán trên sàn quốc tế. Nhóm bị can lập các chi nhánh trên toàn quốc, chủ yếu tập trung ở TP HCM, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và Campuchia.
Cơ quan tố tụng xác định Phó Đức Nam cùng đồng phạm sử dụng nhiều tài khoản công ty "ma", ví điện tử nhận tiền của khách hàng, dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng.
Tiếp đó, các bị can hướng dẫn các bị hại nạp tiền, rút tiền thành thạo để tạo niềm tin, sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, kích thích nạp thêm tiền, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng "cháy" tài khoản (thua hết tiền). Khi các bị hại đã thua hết tiền, nhóm này sẽ tiếp tục mời bị hại tham gia một sàn mới với những lời mời chào, giới thiệu hấp dẫn hơn, cam kết sẽ thắng lại số tiền đã mất, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các bị can, công an đã thu giữ, phong tỏa tài sản của các đối tượng tổng trị giá hơn 5.000 tỉ đồng. Trong đó, có 127 tỉ đồng tiền mặt, các sổ tiết kiệm khoảng 306 tỉ đồng, 216 kg vàng, 128 bất động sản, 30 ôtô các loại, phong tỏa 9 tỉ đồng trái phiếu và nhiều tài sản có giá trị khác.
Phơi bày nhiều góc khuất
Vụ lừa đảo của TikToker Mr Pips không chỉ là một cú sốc đối với cộng đồng đầu tư tài chính mà còn phơi bày những góc khuất đáng báo động. Với thủ đoạn tinh vi và quy mô lớn, vụ án này đã gây ra thiệt hại nặng nề cho hàng ngàn nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia tài chính, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của các vụ lừa đảo đầu tư tài chính không chỉ đơn thuần là do lòng tham của con người mà còn do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cho rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xấu tung ra các chiêu trò lừa đảo một cách tinh vi và rộng rãi.
Theo ông Phan Đức Nhật, Chủ tịch Coin.Help & BHO.Network, nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ, thiếu kiến thức về tài chính và đầu tư, dễ dàng bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn lợi nhuận cao. Ngoài ra, còn tâm lý hám lợi, muốn giàu nhanh khiến nhiều người bỏ qua những cảnh báo về rủi ro và dễ dàng tin vào những lời hứa hẹn không tưởng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho hay các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Tạo dựng hình ảnh một chuyên gia tài chính thành công, đáng tin cậy để thu hút sự chú ý; thành lập các nhóm kín trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin, tư vấn đầu tư và tạo ra cộng đồng tin tưởng; mồi chài người tham gia bằng những lời hứa về lợi nhuận siêu khủng, không tưởng; áp dụng các công cụ như deepfake, deepvoice để tạo ra các bằng chứng giả, tăng độ tin cậy.
Theo luật sư Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành Hãng luật Investpush, để bảo vệ bản thân khỏi những vụ lừa đảo tương tự cần nâng cao kiến thức, tìm hiểu kỹ về các sản phẩm đầu tư, các sàn giao dịch và các rủi ro tiềm ẩn; không tin vào những lời hứa về lợi nhuận cao một cách dễ dàng; kiểm tra kỹ thông tin về các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đầu tư; tránh chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ; chỉ đầu tư vào các kênh đầu tư được cấp phép và có uy tín…
"Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường tài chính, hoàn thiện khung pháp lý, xử nghiêm các hành vi lừa đảo. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro khi đầu tư. Vụ án của TikToker Mr Pips là một bài học đắt giá cho chúng ta. Để bảo vệ tài sản và tránh rơi vào bẫy của các kẻ lừa đảo, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và luôn tỉnh táo trước những lời mời chào hấp dẫn" - luật sư Đào Tiến Phong nhấn mạnh.
Cùng ngày, phản ánh với Báo Người Lao Động, bà K. (43 tuổi; ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho hay suốt 2 năm qua đã liên tục có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng liên quan đến hành vi lừa đảo của Lê Khắc Ngọ.