Tiết học đặc biệt tại trường THCS Nam Từ Liêm: Trẻ học cách chấp nhận và tự tin về ngoại hình của mình
Theo khảo sát nhanh của Trung tâm Giáo dục và Phát triển với 426 học sinh THCS trên địa bàn Hà Nội trong tháng 9/2023, có tới 69% số học sinh từng bị người khác trêu chọc hoặc bình luận tiêu cực về ngoại hình.
"Theo các em, một ngoại hình đẹp là ngoại hình như thế nào?", đó là câu hỏi được giáo viên đặt ra trong giờ học thuộc chuyên đề "Tôi tự tin - Nâng cao sự tự tin về ngoại hình" mới đây tại trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Phía dưới lớp, học sinh thảo luận rôm rả về chủ đề thú vị này. Hàng loạt những tiêu chí được các bạn nhỏ nêu ra, chẳng hạn với nam giới, đó là "bụng 6 múi", "bờ vai rộng", "tóc tai gọn gàng", "trông phải rắn rỏi", "cao to, khoẻ mạnh", "có râu quai nón"; với nữ giới thì phải "có một mái tóc dài", "chân thon", "da không mụn", "bụng phẳng lì, không mỡ",...
Mỗi em một ý nhưng nhìn chung, hình mẫu lý tưởng trong mắt học sinh đều rất đẹp, như những người mẫu, diễn viên điện ảnh hoặc các nhân vật hoàng tử, công chúa từ trong truyện bước ra.
Tuy nhiên, những hình mẫu được nêu ra đó, dựa vào đâu mà được xem là "lý tưởng"? Thực chất, "ngoại hình lý tưởng" là tiêu chuẩn về ngoại hình hay sắc đẹp do xã hội và văn hoá đặt ra tại một thời điểm nhất định. Như vậy có nghĩa, vào lúc này, con trai vai rộng, con gái chân thon có thể đẹp, nhưng vào một thời điểm khác, đó lại có thể là xấu, là "không hợp mốt".
Những quan niệm về ngoại hình lý tưởng này có cái nhìn hạn hẹp cho mỗi giới tính. Và chúng dựa trên định kiến giới trong xã hội của chúng ta. "Ngoại hình lý tưởng" cũng không tự nhiên mà có, ngay cả người mẫu và người nổi tiếng cũng cần phẫu thuật thẩm mỹ hoặc chỉnh sửa ảnh mới đạt được nó.
"Vậy các em nghĩ gì về việc chúng ta sẽ luôn phải chạy theo xu hướng, luôn phải thay đổi để trở thành "lý tưởng". Liệu điều đó có thật sự làm cho chúng ta "lý tưởng"?
Trước câu hỏi của giáo viên, nhiều học sinh cho rằng: "Em cảm thấy mệt, tốn thời gian và tiền bạc, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ". Chẳng hạn, nhiều người vì ám ảnh với cái đẹp nên lao vào phẫu thuật thẩm mỹ, nếu phẫu thuật thành công thì không sao, phẫu thuật thất bại thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, diện mạo và tinh thần.
Hay nhiều người tuy không thẩm mỹ nhưng lại tốn quá nhiều thời gian để chỉnh sửa ảnh, xây dựng những hình ảnh lung linh trên mạng xã hội, nhưng khác xa với diện mạo bên ngoài.
"Nhiều người tự tin trên mạng nhưng tự ti ngoài đời và như vậy thì không tốt!", nhận xét của một nam sinh được cả cô giáo và các bạn vỗ tay đồng tình.
Sau rất nhiều cuộc thảo luận sôi nổi, những bạn nhỏ đều thống nhất ý kiến rằng: Việc cố gắng đạt được một ngoại hình lý tưởng là bất khả thi và chúng ta trông "lý tưởng" nhất khi tự tin là chính mình, chứ không phải luôn so sánh, chạy đua theo một hình mẫu nào đó. Không chỉ tôn trọng, yêu mến ngoại hình của mình, chúng ta còn cần phải học cách tôn trọng, yêu mến ngoại hình của người khác.
Kết thúc tiết học, các em nhỏ đều có tâm trạng vui vẻ, hào hứng. Có lẽ trong suy nghĩ, nhiều học sinh vẫn cảm thấy "bụng 6 múi", "bờ vai rộng", hay "chân thon dài", "da trắng phát sáng" là rất đẹp nhưng nó không còn là một tiêu chuẩn bắt buộc phải có, bắt buộc phải chạy theo nữa!
Dạy cho trẻ tự tin về ngoại hình là điều rất cần thiết
Theo khảo sát nhanh của Trung tâm Giáo dục và Phát triển với 426 học sinh THCS trên địa bàn Hà Nội trong tháng 9/2023, có tới 69% số học sinh từng bị người khác trêu chọc hoặc bình luận tiêu cực về ngoại hình. Trong đó, khoảng 55% học sinh được khảo sát đã trải qua một vài lần, gần 14% số học sinh đã trải qua nhiều lần bị người khác trêu chọc hoặc bình luận.
Các em thường bị trêu chọc về cân nặng, khuôn mặt và chiều cao. Trong đó, người hay đưa ra bình luận về ngoại hình nhất là bạn bè, chiếm 55,6%; tiếp theo là bố mẹ, 15,63%; người thân 13,4%, ông bà 6,9%, và một tỉ lệ ít từ thầy/cô giáo và mạng xã hội.
Tác động của việc nhận xét và bàn luận về ngoại hình khác nhau, trong đó giảm tự tin là tác động các em cho là lớn nhất với 33,7%, tiếp theo là gây tổn thương tâm lý (32,8%), ảnh hưởng đến học tập và phát triển cá nhân (chiếm 24,5%).
Từ những con số này, có thể thấy, việc dạy cho trẻ tự tin về ngoại hình của bản thân, đồng thời tôn trọng ngoại hình của người khác là rất quan trọng, cần được triển khai trong trường học.
Nói về điều này cô Hoàng Thị Yến - hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm chia sẻ: "Khi học sinh đang trong độ tuổi dậy thì và chịu tác động của mạng xã hội, của truyền thông từ các cuộc thi sắc đẹp, các em sẽ tự soi chiếu, đánh giá với bạn bè và chính mình. Những đánh giá chỉ là vô thức nhưng có thể chạm đến suy nghĩ của bạn bè, khiến các em tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý, học tập, sinh hoạt, giao tiếp,...
Trong trường cũng đã có những em bị bạn bè chê bai ngoại hình "béo quá, nấm lùn, cây sào"... Từ đó các em tự thu mình lại, không dám tham gia các trò chơi, hoạt động chung. Có em có năng khiếu nghệ thuật nhưng bị bạn bè chê ngoại hình nên không dám bộc lộ, thể hiện".
Theo cô Yến, việc giúp học sinh tự tin về hình thể đã được lồng ghép trong một số tiết học như sinh hoạt, chuyên đề hoặc chính trong các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, để có một chương trình bài bản, đầy đủ thì thực sự nhà trường chưa có.
Được biết mới đây, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã phối hợp các đơn vị triển khai dự án "Nâng cao nhận thức giá trị bản thân - Dove Self-Esteem Project", triển khai thí điểm từ tháng 9/2023 đến tháng 1/2024.
Dự án đã xây dựng và Việt hóa bộ tài liệu mang tên "Tôi tự tin" và chính thức khởi động thông qua ba khóa tập huấn trong tháng 12/2023 dành cho 150 giáo viên nòng cốt từ 15 trường THCS trên địa bàn Hà Nội, Khánh Hòa và Sóc Trăng.
Dự kiến trong giai đoạn thí điểm sẽ có 10.000 học sinh THCS trên địa bàn ba tỉnh, thành trên được tập huấn bởi chương trình.
Mục tiêu của các khóa tập huấn nhằm giúp nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ quản lý và các giáo viên để triển khai sử dụng hiệu quả bộ tài liệu "Tôi tự tin" trong nhà trường.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các cuộc thi sáng tác cho học sinh về ngoại hình, sự tự tin, lòng tự trọng tại các trường, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về sự tự tin ngoại hình cho trẻ em lứa tuổi THCS. Từ đó giúp các em học được cách tôn trọng cá nhân mình và tôn trọng sự khác biệt của mọi người.