Trường tiểu học ở quận Cầu Giấy với cách học Sử độc đáo: Trẻ "thấm" lòng yêu nước từ vô vàn hoạt động thú vị

Thanh Hương,
Chia sẻ

"Học về quá khứ cũng chính là học cách trân quý hiện tại và tương lai", cô Trang Nhung - Hiệu phó phụ trách mảng phân môn Xã hội - Văn thể mỹ của Jean Piaget khẳng định.

Không chỉ là đại hội Âm nhạc, đó còn là nơi để học sinh, phụ huynh và giáo viên thêm yêu lịch sử dân tộc hơn

Đã gần 2 tháng trôi qua nhưng em Hoàng Anh Quân, học sinh lớp 4A3 trường Tiểu học Jean Piaget (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn còn nhớ cảm giác lâng lâng khi cùng bạn bè thể hiện tiết mục "Nữ tướng Mê Linh" trong "Đại hội Mùa thu 2023" (Autumn Concert 2023). Đây là đại hội âm nhạc thứ 5 của trường Tiểu học Jean Piaget, lấy đề tài về đất nước, lịch sử, nguồn cội.

Đại nhạc hội có tổng cộng 14 tiết mục, trong đó có 1 tiết mục của các giáo viên, nhân sự trường học; 13 tiết mục còn lại do gần 400 học sinh Jean Piaget đảm nhiệm. Các tiết mục được thiết kế bám theo các lát cắt lịch sử từng thời kì. Học sinh nào cũng có cơ hội lên sân khấu, biểu diễn và tỏa sáng theo cách của mình. 

Trong đại nhạc hội lần này, Anh Quân chỉ đảm nhận một vai diễn nhỏ, đó là "quân lính hỗ trợ các nữ tướng". Dù thời lượng xuất hiện trên sân khấu không nhiều nhưng xuyên suốt quá trình tập luyện, nam sinh đã được "truyền" vào trái tim tinh thần yêu nước, sự tự hào và lòng biết ơn những hy sinh của thế hệ cha ông để có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay. 

Cùng chung cảm xúc với Anh Quân là Phạm Trường An, bạn cùng lớp và cùng diễn tiết mục "Nữ tướng Mê Linh". Nếu Anh Quân đóng vai quân lính hỗ trợ các nữ tướng thì Trường An đảm nhận nhiệm vụ "phất cờ". 

Nhớ lại buổi trình diễn ngày hôm đó, Trường An say sưa kể với đôi mắt tràn ngập sự thích thú, tự hào: "Con rất hãnh diện khi được hóa thân thành những nhân vật lịch sử, thể hiện lại các sự kiện có thật. Câu chuyện Hai Bà Trưng đứng lên khởi nghĩa đánh giặc, truyền cảm hứng cho Bà Triệu cũng là những sự kiện lịch sử mà con yêu thích nhất. 

Con thấy được rằng: Không chỉ nam giới mới có thể đánh đuổi giặc ngoại xâm và lưu danh sử sách!".

Một số hình ảnh trong đại nhạc hội

Được biết, không chỉ học sinh và giáo viên mà cả phụ huynh cũng tham gia đại nhạc hội. Anh Phạm Hưng là phụ huynh của em Phạm Thái Sơn, học sinh lớp 3A1 Jean Piaget. Nếu con trai tham gia tiết mục "Bản hùng ca Bạch Đằng" và chỉ diễn một vai nhỏ xíu xiu là... "cái cọc" thì anh Phạm Hưng có phần oách hơn khi thể hiện một vai diễn "khá to" trong tiết mục "Hào khí Việt Nam". 

Dù vậy, anh luôn động viên con, mỗi tiết mục có nhiều vai diễn khác nhau. Vai diễn nào cũng quan trọng. Để có một tiết mục hay thì mỗi thành viên trong lớp phải tham gia nhiệt tình, hết mình thì tiết mục mới thành công.

Từng tham gia 2 kỳ đại nhạc hội trước đó của Jean Piaget nhưng với anh Phạm Hưng, đại nhạc hội lần này ấn tượng hơn rất nhiều, có lẽ bởi chính chủ đề được chọn. "Trong lòng mình dấy lên sự kính trọng, biết ơn thế hệ cha anh vô cùng", phụ huynh này chia sẻ, không giấu được sự xúc động. 

Trường tiểu học ở quận Cầu Giấy với cách học Sử độc đáo: Trẻ "thấm" lòng yêu nước từ vô vàn hoạt động thú vị - Ảnh 2.

Anh Phạm Hưng và hai con hiện đều đang học ở Jean Piaget

Có thể nói rằng, đại nhạc hội lần này của Jean Piaget không chỉ đơn thuần là một sự kiện âm nhạc, một buổi biểu diễn mà còn là sự kiện để cả học sinh, phụ huynh và giáo viên trau dồi lòng yêu nước, hiểu và yêu lịch sử dân tộc hơn. 

Chẳng hạn như câu chuyện về Minh Đăng, một học sinh khối lớp 3 của Jean Piaget. Do lớp 3 chưa học môn Lịch sử nên Đăng chưa rõ về trận Bạch Đằng vang danh. Em cũng vùng vằng không chịu biểu diễn, không hợp tác trong quá trình luyện tập. Tuy nhiên, khi được giáo viên dẫn vào thư viện để đọc về những trận đánh trên sông Bạch Đằng, được cho xem hình ảnh di tích bãi cọc trên sông, Minh Đăng đã thay đổi hẳn thái độ.

Từ vùng vằng, em trở nên háo hức, dù vai diễn của em cũng nhỏ xíu như bạn Thái Sơn! Đó là đóng vai "cọc gỗ". Tuy nhiên, cả Minh Đăng và Thái Sơn sau đó đều hiểu rằng, đó đâu phải những cọc gỗ bình thường, mà là những chiếc cọc gỗ đã làm nên lịch sử, mang lại chiến thắng cho dân tộc. 

Chia sẻ thêm về đại nhạc hội, cô Phạm Trang Nhung - Hiệu phó phụ trách mảng phân môn Xã hội - Văn thể mỹ của Jean Piaget cho hay: Đây là dịp để học sinh được học những thứ bên ngoài sách vở. Thông qua các màn trình diễn và hợp tác cùng với nhau, những sự kiện của đất nước, những nét đẹp văn hoá được tái hiện bằng tất cả các giác quan, thông qua nhìn, nghe, âm nhạc, trình diễn,...

Việc được hoá thân vào từng nhân vật trong một vở trình diễn về lịch sử làm cho học sinh thêm tự hào, yêu và ngấm những thứ ấy một cách rất tự nhiên, sinh động. Đó cũng chính là ý nghĩa, mong muốn của nhà trường khi chọn lựa lịch sử làm chủ đề đại nhạc hội. 

"Suốt cả concert, giáo viên, phụ huynh tham gia vào quá trình tập luyện, chuẩn bị trang phục của các con, được tìm hiểu về nhân vật, sự kiện đằng sau mỗi một tiết mục và chiêm ngưỡng con em, học trò của mình biểu diễn. Đó là một cộng đồng cùng nhau tái hiện lại những trang lịch sử", cô Trang Nhung nói. 

Trường tiểu học ở quận Cầu Giấy với cách học Sử độc đáo: Trẻ "thấm" lòng yêu nước từ vô vàn hoạt động thú vị - Ảnh 3.

Cô Trang Nhung và học sinh trong buổi đại nhạc hội

"Học về quá khứ cũng chính là học cách trân quý hiện tại và tương lai"

Vì các phân môn xã hội được coi là phân môn chính của Jean Piaget nên việc đào tạo cho học sinh những kỹ năng xã hội, hiểu biết về lịch sử, con người Việt Nam, về truyền thống dân tộc là những yếu tố được nhà trường ưu tiên hàng đầu. 

Cô Ngô Thanh Giang, Cố vấn Giáo dục cao cấp tại Jean Piaget cho rằng: Lịch sử là môn học rất thú vị. Nó bao gồm rất nhiều câu chuyện nhưng không phải là câu chuyện trong sách Văn học mà là những câu chuyện đã diễn ra. 

"Nó có các chi tiết thực tế, có nguyên do. Nó là kết quả của một chu trình và trẻ con thích những câu chuyện như thế. Các em thích tham gia và lý giải", cô Giang chia sẻ.

Trường tiểu học ở quận Cầu Giấy với cách học Sử độc đáo: Trẻ "thấm" lòng yêu nước từ vô vàn hoạt động thú vị - Ảnh 4.

Cô Ngô Thanh Giang

Khi học Lịch sử ở Jean Piaget, học sinh được hóa thân thành các nhân vật lịch sử, lý giải suy nghĩ để dẫn đến hành động của họ. Và học sinh hiểu rằng mỗi nhân vật lịch sử, dù là quân ta hay quân địch thì đều có những xuất phát điểm hợp lý, có thể lý giải được nhưng họ cũng phạm phải sai sót. Chính những điều ấy làm cho lịch sử trở nên rất đời thường, gần gũi với cả trẻ nhỏ. 

"Đồng thời, lịch sử liên quan đến rất nhiều kiến thức khác mà trẻ được học. Ví dụ như câu chuyện về Lý Chiêu Hoàng, chúng ta có thể mở rộng nội dung về giáo dục giới tính, về dậy thì, về việc có con khi cơ thể chưa thực sự phát triển thì có thể như thế nào. 

Hoặc giáo viên có thể dẫn dắt học sinh phân biệt như thế nào là đúng, là sai trong hành động của một nhân vật mà các con được học. Hoặc học sinh có thể đưa ra đánh giá về chính sách do một vị Vua đưa ra. Nó hợp lý, chưa hợp lý ở đâu", cô Giang nói thêm.

Theo cô Giang, trẻ nhỏ rất thích được sống trong khung cảnh lịch sử, được đưa ra những quyết định giống với các nhân vật lịch sử và đó là những điều mà Jean Piaget dựa vào để dạy, để khiến các em tiếp nhận môn Lịch sử dễ dàng hơn, hứng thú hơn. 

Nói thêm về môn Lịch sử, cô Trang Nhung bày tỏ: Lịch sử với học sinh tiểu học không chỉ là một môn học, mà còn là câu chuyện về lòng biết ơn! Khi hiểu được nguồn cội, về mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, về những đóng góp của thế hệ đi trước thì tự nhiên, học sinh sẽ biết trân trọng, yêu thương cuộc sống đáng quý hiện tại. 

"Học về quá khứ cũng chính là học cách trân quý hiện tại và tương lai", cô Trang Nhung khẳng định. 

Hiện tại, ngoài những giờ học chính khóa của môn Lịch sử, giáo viên còn lồng ghép những câu chuyện, nhân vật, sự kiện lịch sử vào trong các môn học khác. Chẳng hạn với môn Tiếng Việt, học sinh sẽ được đọc những bài đọc về nhân vật, sự kiện lịch sử. Hay trường cũng có những CLB dành cho những bạn có sở thích, khuynh hướng về xã hội và lịch sử. Những môn Đạo đức hay Kỹ năng xã hội, trẻ cũng được thảo luận dựa trên giá trị đạo đức của các nhân vật lịch sử để có sự liên hệ,... 

Về phương pháp học, Jean Piaget tập trung vào các phương pháp:

- Truy vấn: Học thông qua thảo luận sâu, sử dụng hệ thống câu hỏi để dẫn dắt, để học sinh tự đưa ra góc nhìn và quan điểm cá nhân; từ đó sẽ phát triển bài học và định hướng góc nhìn cho học sinh.

- Dự án: Để học sinh được tự mình trải nghiệm, tham gia và tối đa hoá các giác quan, chẳng hạn như đại nhạc hội vừa rồi. Bên cạnh đó là các dự án cuối kỳ, dự án nghiên cứu về thành phố Hà Nội, về danh nhân lịch sử,... 

Bên cạnh đó, Jean Piaget có đội ngũ giảng dạy có chuyên môn, hiểu biết sâu, có đam mê đối với lịch sử dân tộc, thế giới, có phương pháp truyền đạt thu hút tới học sinh. Quan trọng hơn cả, phụ huynh cũng rất yêu thích và đồng hành cùng giáo viên trong việc giảng dạy môn Lịch sử cho học sinh. 

Trường tiểu học ở quận Cầu Giấy với cách học Sử độc đáo: Trẻ "thấm" lòng yêu nước từ vô vàn hoạt động thú vị - Ảnh 5.

Các em học sinh biểu diễn trong "Đại nhạc hội Mùa thu"

Nhóm "Liên môn nghiên cứu xã hội" - Một cách tiếp cận mới mà Jean Piaget đang triển khai

Hiện tại ở Jean Piaget, Lịch sử đang được triển khai giảng dạy trong nhóm liên môn Nghiên cứu xã hội. Đây là cách tiếp cận đã có trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn mới, ít được triển khai, đặc biệt là ở cấp tiểu học.

Chia sẻ thêm về điều này, cô Trang Nhung cho biết: Phân môn Nghiên cứu xã hội ở Jean Piaget gồm 4 phân môn học chính là Lịch sử, Địa lý, Đạo đức và Kỹ năng xã hội. Ngoài ra có một hệ thống các câu lạc bộ bổ trợ, sở thích và kỹ năng chuyên sâu. Vòng ngoài cùng chính là hệ thống các sự kiện của trường để liên hệ những điều được học vào trong đời sống thực tế.  

Những yếu tố này liên kết, tạo ra một hệ sinh thái chặt chẽ, vừa đa dạng, vừa gợi mở, giúp học sinh được đắm mình trong môn học. 

Với 4 môn học chính được triển khai trong giờ dạy chính khoá, học sinh sẽ học chương trình được thiết kế tích hợp theo một chủ đề nội dung. Ở đó, các em sẽ không nhìn nhận vấn đề rời rạc ở khía cạnh Lịch sử, Địa lý hay Đạo đức, Kỹ năng xã hội mà sẽ quan sát một bức tranh tổng thể ở đa chiều, đa góc độ. 

Chẳng hạn khi học về nhà nước Âu Lạc, giai đoạn khi Việt Nam còn là đất nước ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ, học sinh sẽ được học câu chuyện như: Ở giai đoạn đó, yếu tố địa lý ảnh hưởng, tác động thế nào đến những sự kiện, tiến trình lịch sử? Tại sao lại thành lập nhà nước ở đó? Đặc điểm về địa hình, khí hậu, con người,... tác động ra sao tới việc hình thành cộng đồng và tạo nên nhà nước?

Hay như sự kiện An Dương Vương mất nước vào tay Triệu Đà, học sinh sẽ được tìm hiểu không chỉ về nguyên nhân, hậu quả của sự kiện mà còn được phân tích các kỹ năng xã hội ẩn đằng sau, cũng như giá trị đạo đức xoay quanh. 

"Nghiên cứu xã hội là một bức tranh chung chứ không chỉ là những mảng rời rạc", cô Trang Nhung nhận định.

Chia sẻ