"Tiếng sét trong mưa" bản Trung: Củng Lợi đóng vai mẹ kế ngoại tình, nhan sắc "Thị Bình" bị hủy hoại
Cùng lấy cảm hứng từ vở kịch Lôi Vũ, tuy nhiên vai trò của Thị Bình trong "Hoàng Kim Giáp" lại bị thay đổi xuống hàng nữ phụ.
Sau một thời gian phát sóng, Tiếng sét trong mưa đang nhận về nhiều sự yêu thích. Bộ phim được phóng tác từ vở kịch Lôi Vũ của tác giả Tào Ngu, người Trung Quốc. Trước Tiếng sét trong mưa, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã quyết định sản xuất bộ phim điện ảnh Hoàng kim giáp cũng lấy cảm hứng từ vở kịch nảy.
Bộ phim quy tụ dàn diễn viên thực lực như Củng Lợi, Châu Nhuận Phát, Châu Kiệt Luân, Tần Tuấn Kiệt, Lưu Diệp.
Ở Hoàng kim giáp, vai trò của Nguyên Phối phu nhân (tương đương với nhân vật Thị Bình) bị tụt xuống hàng nữ phụ. Nguyên Phối phu nhân không tham gia xuyên suốt bộ phim mà chỉ lộ diện trong một vài phân đoạn.
Thời lượng nhân vật này xuất hiện khá ít ỏi nên không để lại nhiều ấn tượng cho khán giả. Điều đáng chú ý nhất là gương mặt của Nguyên Phối phu nhân. Trong khi nhan sắc Thị Bình chỉ dừng ở mức già nua sau 24 năm xa cách người tình thì Nguyên Phối phu nhân lại bị hủy dung nhan vì một vết sẹo trên má.
Ngoài ra, diễn biến tình cảm của Nguyên Phối phu nhân cũng hoàn toàn khác xa so với Thị Bình. Nếu Khải Duy yêu Thị Bình một cách thật lòng, gạt bỏ cả quan niệm môn đăng hộ đối để cưới một nàng hầu thì Đại Vương lại sẵn sàng quay lưng với người mình yêu và giết cả nhà cô chỉ vì sự khác biệt giai cấp giữa hoàng đế và cung nữ hèn mọn. Điều này khiến Nguyên Phối phu nhân luôn căm hận người tình cũ.
Nữ chính trong Hoàng kim giáp được giao cho Củng Lợi đảm nhận, bà thủ vai vợ kế của Đại Vương. Vương Hậu vốn là công chúa Lương quốc, xuất thân cao quý. Sau đại hôn, bà ngày càng ngán ngẩm chồng nên lén lút tư thông với thái tử Nguyên Tường, con riêng của Đại Vương. Tính cách nhân vật giữa hai bộ phim cũng hoàn toàn khác biệt.
Bằng chứng là quyền lực và tình mẫu tử vẫn còn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng Vương Hậu. Nếu Hạnh Nhi chỉ biết đau khổ vì người chồng mang một bóng hình khác và van xin tình yêu từ Thanh Bình thì Vương Hậu lại luôn âm thầm lên kế hoạch cho con trai tạo phản cướp ngôi cha.
Giữa hai bộ phim của hai nền điện ảnh khác nhau nhưng cùng dựa vào một vở kịch, khán giả có thể thấy Tiếng sét trong mưa vẫn giữ được phần nhân cách tốt đẹp bên trong mỗi nhân vật. Nếu như Khải Duy chỉ dừng với mức một người chồng gia trưởng, độc đoán thì Đại Vương lại là hoàng đế tàn độc.
Thay vì lén cho vợ dùng thuốc kích dục, Đại Vương lại bắt Vương Hậu uống thuốc độc hàng ngày để trừng trị tội loạn luân. Nếu Khải Duy yêu Thị Bình một cách thật lòng thì Đại Vương lại ruồng bỏ Nguyên Phối phu nhân nhằm chạy theo quyền lực. Nếu như Hải được miêu tả là một chàng trai nghĩa hiệp, dám thay công nhân chống lại chính cha mình thì Nguyên Kiệt (Châu Kiệt Luân) lại dùng tính mạng của hàng ngàn binh sĩ chỉ vì muốn làm hài lòng mẫu hậu.
Theo Baidu, Hoàng Kim Giáp được phát hành tại Trung Quốc vào ngày 14/12/2006 với doanh thu nội địa gần 300 triệu NDT và 78,57 triệu đô la trên phạm vi toàn cầu. Bộ phim là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử phim Trung Quốc thực sự gây chú ý trên thế giới.
Kể từ khi phát hành tại Mỹ, Hoàng Kim Giáp được bốn phương tiện truyền thông hàng đầu nước này bao gồm Tạp chí Time, báo New York, báo Washington và báo Los Angeles đồng loạt đưa tin với những mỹ từ: "tác phẩm sử thi", "cảnh tượng hoành tráng" và "trực quan rực rỡ".
Sở dĩ Hoàng Kim Giáp nhận về nhiều khen ngợi phải kể đến kinh phí đầu tư khổng lồ. Chỉ riêng trang phục của Châu Nhuận Phát, đoàn phim đã thuê 80 công nhân thực hiện trong một tháng. Toàn bộ sợi vàng được đóng đinh bằng các miếng vàng 18K, nặng khoảng 40kg và trị giá tới 1,25 triệu NDT (tương đương 4 tỷ đồng). Để khoác lên người áo long bào này, Châu Nhuận Phát đã phải địa điểm quay trước 2-3 giờ và nhờ sự giúp đỡ của 8 nhân viên.
Thành công ngoài mong đợi của Hoàng Kim Giáp đã giúp bộ phim đạt đến 13 đề cử trong lễ trao giải Kim Ưng. Trong đó, Củng Lợi xuất sắc giành ngôi Ảnh hậu khi chiến thắng tại hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Ngoài ra, bộ phim giành được thêm giải ở ba hạng mục khác bao gồm: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất, Trang phục xuất sắc nhất, Ca khúc hay nhất. Hoàng Kim Giáp còn xuất sắc góp mặt trong đề cử tại lễ trao giải Oscar cho hạng mục Thiết kế phục trang xuất sắc nhất.
Mặc dù cốt truyện dựa trên vở kịch của Tào Ngu nhưng bi kịch trong Hoàng Kim Giáp lại tăng theo cấp số nhân khi lựa chọn bối cảnh là thời Hậu Đường thuộc Ngũ Đại Tam Quốc. Bi kịch của tác phẩm đã không còn xoay quanh một gia đình mà được nâng tầm thành một triều đại.
Là một bộ phim thể hiện những xung đột trong hoàng cung, nhưng bi kịch của Hoàng kim giáp khởi đi từ sự bất hòa trong mối quan hệ thường tình trong gia đình. Cốt truyện Lôi Vũ trở thành một tiền đề để Hoàng kim giáp hướng tới một lời cảnh báo: bi kịch trong gia đình kẻ nắm quyền sẽ trở thành bi kịch của cả một triều đại.