Tiền thách cưới "vượt rào" phi lý, chính quyền Trung Quốc phải ra tay "bình ổn"
Tiền thách cưới, có thể là tiền mặt, nhà cửa hay bất cứ vật dụng gì trả cho nhà gái, là một phần tục lệ hôn nhân ở Trung Quốc nhiều thế kỷ qua. Nhưng ở giai đoạn Trung Quốc đang đối phó với tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học lớn nhất trong lịch sử như hiện nay, tiền thách cưới bị nâng lên đến mức phi lý.
Tại Da'anliu, một ngôi làng nhỏ phía Bắc Thủ đô Bắc Kinh (cách khoảng 4 giờ xe chạy), cư dân hầu hết kiếm sống bằng nghề trồng lê hoặc làm việc trong các công xưởng nhỏ. Con gái ở đây là của hiếm vì các cô gái trẻ lên thành phố đi học hoặc đi làm, ít khi trở về làng. Muốn thúc đẩy các cuộc hôn nhân, một trong những rào cản chính là tiền thách cưới, với mức mặt bằng chung hiện vào khoảng 38.000 USD. Bởi vậy, chính quyền địa phương đang đề ra hạn mức khoảng 2.900 USD.
Hệ quả của chính sách một con
Nhiều gia đình Trung Quốc có con trai đến tuổi kết hôn phát hoảng khi nghĩ đến tiền thách cưới
Tiền thách cưới tại 9 tỉnh của Trung Quốc tăng vọt từ năm 1994 đến năm 2013. Hệ quả là nó làm tiêu hao tiền của trong gia đình cũng như hạn chế khả năng chăm sóc người già hay người trẻ khác. Chưa kể, đàn ông gia đình nghèo khó có hy vọng tìm được vợ. Thực tế, sau vài vụ mất mùa những năm gần đây, nhiều gia đình trong làng sống tằn tiện hơn và họ phát hoảng khi nghĩ đến tiền thách cưới.
Nguyên nhân của việc này không phải là một truyền thống phát triển qua hàng nghìn năm mà trực tiếp là chính sách một con của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1979 đến năm 2015. Chính sách này đã giúp cắt giảm 400 triệu ca sinh suốt thời kỳ đó nhưng nó đã khiến cho xã hội Trung Quốc có nhiều hậu quả không mong muốn.
Ví dụ, dân số Trung Quốc hiện dư thừa khoảng 34 triệu nam giới. Có nghĩa là toàn bộ số người đó sẽ không thể tìm được phụ nữ để kết hôn trừ khi họ hướng đến cô dâu nước ngoài. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự chênh lệch mang tính trái ngược giữa đô thị và nông thôn bởi theo trang web chuyên về xã hội và văn hóa Trung Quốc có tên What's On Weibo, trong khi nông thôn và làng nhỏ có nhiều đàn ông chưa lập gia đình thì ở thành thị, phụ nữ trở nên “ế” do các cô gái tập trung ở thành phố để có điều kiện học hành và làm việc tốt hơn.
Do vẫn còn tư tưởng trọng nam khi con trai được đánh giá cao hơn về tiềm năng lao động và vai trò chăm sóc cha mẹ già nên tỷ lệ chênh lệch về giới tính quá cao. Một khi con gái trở nên “cao giá”, nhà gái có quyền thách cưới là những vật dụng thiết yếu trong nhà như giường tủ, ô tô, nhà cửa và tiền mặt trị giá hàng chục nghìn đô la.
“Ở khu vực nông thôn, tiền thách cưới có thể gấp hàng chục lần mức thu nhập hàng năm của cả gia đình”, Quanbao Jiang, một giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Giao thông Tây An cho biết.
Chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề
Ông Bí thư xã Liang Huabin đã cho trưng các biển hiệu khuyến khích hạn chế tiền thách cưới ở mức 2.900 USD sau khi tham khảo mô hình ở một làng thuộc tỉnh Hồ Nam. Dĩ nhiên, đây chỉ là gợi ý, khuyến nghị chứ không thể bắt buộc và khó thực hiện nhưng ông hy vọng dần dần dân làng sẽ hiểu. “Tôi có 2 cháu gái. Khi nào chúng cưới, tôi sẽ động viên bố mẹ chúng đưa ra mức thách cưới hợp lý”.
Khuyến nghị này cũng khiến những người như cô Licun Tan, 39 tuổi thấy an ủi phần nào. Con trai của cô Licun năm nay 16 tuổi và có thể kết hôn sau vài năm nữa. Vì cảm thấy áp lực với tiền thách cưới, người mẹ chồng tương lai này đã mở cửa hàng tạp hóa thứ hai nhưng không chắc có thể tiết kiệm đủ tiền.
Tất nhiên, gia đình có con gái không muốn bị hạ món tiền đặc biệt này. Ông Liang, một nông dân có con gái đến tuổi cập kê khẳng định: “Tôi sẽ thách cưới bằng bất kỳ giá nào tôi muốn, không thể hạn chế được”. Người cha này nói, vấn đề thực sự không phải vì tiền. “Vấn đề là giá thị trường, tôi có thể định giá lê bán ra, tại sao lại không với con gái tôi”, ông nói.
Wang Feng, một nhà xã hội học nghiên cứu nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học California ở Irvine, cho biết, gia đình nào có con trai cũng muốn thu xếp hôn nhân tốt nhất, nên chỉ vì có ít lựa chọn, nhà gái có thách cưới cao thì họ cũng phải cố gắng. Nhưng quan trọng, dù có hạn chế về tiền thách cưới thì đó chỉ là giải quyết phần ngọn, không phải là “gốc vấn đề”, ông Wang Feng nói.
(Theo Washington Post/Bustle)