Tiến sĩ thất nghiệp về quê sống nhờ trợ cấp, gia đình giải thích lý do đáng suy ngẫm

Chi Chi,
Chia sẻ

Cả cuộc đời vị tiến sĩ Bắc Đại chưa bao giờ thực sự đi làm vì cho rằng mình quá giỏi giang.

Ai cũng biết Đại học Bắc Kinh - hay còn gọi tắt là Bắc Đại là một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc nói riêng và toàn châu Á nói chung. Tốt nghiệp ngôi trường này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có một tương lai tươi sáng, một công việc tốt và trở thành người thành đạt. Rất nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong mọi lĩnh vực đời sống đều xuất thân từ đây. Thế nhưng bao giờ cũng có ngoại lệ. Trương Tiến Sinh, một người đàn ông 54 tuổi có trong tay tấm bằng tiến sĩ của Đại học Bắc Kinh lại cả đời thất nghiệp và phải sống nhờ trợ cấp xã hội. 

Ngay từ khi còn nhỏ, Trương Tiến Sinh đã bộc lộ trí tuệ thông minh nên được bố mẹ đặt kỳ vọng rất lớn. Dù sinh ra trong vùng nông thôn khó khăn, Trương Tiến Sinh vẫn được coi là “con trai quý tộc trong gia đình nghèo”. Bố mẹ đã dồn hết tiền bạc ít ỏi của mình để cho Tiến Sinh ăn học, luôn cưng chiều con trai, không bao giờ để con trai phải động vào việc nhà. Trong khi đó, 2 chị gái của Trương phải bỏ học từ sớm để giúp gia đình dành tiền lo cho em.

Trương Tiến Sinh đã không phụ sự kỳ vọng của gia đình khi liên tục đạt thành tích học tập dẫn đầu trường. Vào thời điểm những năm 1980, việc ở thôn quê có người đỗ đại học đã được cả làng mở tiệc ăn mừng, chưa nói đến đỗ ngôi trường số 1 như Bắc Đại. Trương Tiến Sinh vì thế trở thành niềm tự hào của cả vùng, được coi sẽ là người làm thay đổi bộ mặt toàn bộ vùng quê của mình. 

Tiến sĩ Đại học Bắc Kinh ra đời thất nghiệp phải về quê sống nhờ trợ cấp, gia đình giải thích lý do đáng suy ngẫm - Ảnh 1.

Bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Y khoa của Trương Tiến Sinh

Trương Tiến Sinh theo học chuyên ngành Y khoa, nhưng sau khi tốt nghiệp, anh phát hiện ra rằng mình mắc chứng say máu. Đúng như tên gọi, căn bệnh này có nghĩa là bạn sẽ chóng mặt và ngất đi khi nhìn thấy máu. Đây là một trở ngại lớn khiến anh khó có thể làm nghề y. Thế nên anh quyết định cuộc đời mình chỉ có thể học và đi theo con đường nghiên cứu. 

Thực chất, đi học đã trở thành cái cớ tốt nhất để Trương Tiến Sinh trốn tránh việc đi làm. Bố mẹ Trương lại tiếp tục phải cày cuốc kiếm tiền để con học lên cao. Mãi đến khi gần 30 tuổi, anh cầm được trên tay tấm bằng tiến sĩ danh giá của Đại học Bắc Kinh. Đến lúc này, tài chính của gia đình vốn chỉ làm nông đã bị vắt kiệt từng chút cuối cùng, cha mẹ không còn khả năng cho Trương Tiến Sinh đi học. Vì vậy Trương Tiến Sinh chỉ có thể lựa chọn đi làm.

Tuy nhiên, Trương lại tự phụ, luôn coi tấm bằng của Đại học Bắc Kinh là đỉnh cấp xã hội nên rất kén chọn trong quá trình tuyển dụng. Khi đó Bắc Đại vẫn có chế độ phân công công việc cho người học sau tốt nghiệp. Ban lãnh đạo trường đã phân công Trương Tiến Sinh đến một bệnh viện tuyến hai làm việc. 

Đáng chú ý hơn, dù đi làm, Trương Tiến Sinh vẫn tự cao rằng mình là tiến sĩ Bắc Đại nên ở bệnh viện, người đàn ông này không chịu học hỏi và luôn giữ thái độ hách dịch. Vì chứng bệnh say máu, anh không thể làm bác sĩ phẫu thuật chính nên lương cũng thấp hơn. Sau khi làm việc trong bệnh viện một thời gian, Trương Tiến Sinh tự cảm thấy vị trí này không xứng đáng với học vấn cao và kiến thức uyên thâm của mình nên đã nộp đơn từ chức.

Tiến sĩ Đại học Bắc Kinh ra đời thất nghiệp phải về quê sống nhờ trợ cấp, gia đình giải thích lý do đáng suy ngẫm - Ảnh 2.

Trương Tiến Sinh trong thời gian làm việc tại bệnh viện

Khi bước vào xã hội tự tìm việc làm, Trương Tiến Sinh vẫn giữ bản tính tự cao. Từ vòng phỏng vấn, chỉ cần cảm thấy mức lương mà công việc đưa ra không cao hoặc công việc đó không xứng với địa vị của mình là Trương từ bỏ. Với đủ thứ lý do từ chối mọi công việc, cuối cùng anh thất nghiệp suốt, không có nguồn thu nhập. Tiến sĩ không còn cách nào khác là trở về vùng nông thôn nơi anh lớn lên. 

Gia đình đã dùng tiền tiết kiệm cả đời để đưa Trương Tiến Sinh ra khỏi vùng nông thôn, nhưng anh cuối cùng lại tự mình trở về. Thậm chí, anh còn trở thành gánh nặng vì không biết làm việc đồng áng, chỉ cả ngày nằm không. Anh cũng từ bỏ ý định đi xin việc vì ở nông thôn không có việc thích hợp để làm. 

Trương Tiến Sinh đã trở thành một kẻ hoàn toàn vô dụng, chỉ có thể ăn bám cha mẹ già và chị gái. Nhìn hoàn cảnh của Trương Tiến Sinh hiện tại, gia đình vô cùng đau xót, đặc biệt là 2 người chị gái đã phải bỏ học vì em. Họ cho biết vừa cảm thấy tức giận, vừa chua xót nhưng cũng hiểu một phần lỗi thuộc về gia đình. Những kỳ vọng, sự chiều chuộng quá lớn của gia đình đã khiến Trương trở nên yếu đuối, tự phụ và thiếu bản lĩnh đến vậy. 

Sau đó, chính quyền địa phương có liên quan biết được hoàn cảnh của anh và đã xin trợ cấp hộ nghèo đặc biệt cho Trương Tiến Sinh. Kể từ đó trở đi, cho đến tuổi xế chiều, tiến sĩ Bắc Đại vẫn chưa một lần đi làm và kiếm được thu nhập nuôi chính mình.  

Chia sẻ