Tiền phạt vi phạm luật giao thông phải nộp vào ngân sách, công an không được giữ lại
Ngày 7/1, Bộ Tài chính vừa có thông cáo báo chí về việc quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó, thời gian qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc lực lượng công an được giữ lại 70% tiền phạt vi phạm hành chính theo Thông tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Về nội dung này, Bộ Tài chính cho hay: Năm 2007, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng tăng cao, kịp thời hỗ trợ các lực lượng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhất là mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công việc, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2007/TT-BTC quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho các lực lượng, trong đó có lực lượng Công an giao thông, Thanh tra giao thông vận tải (bao gồm cả Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) với các tỷ lệ phân bổ cụ thể.
Tuy nhiên, đến ngày 6/12/2013, Thông tư 89/2007/TT-BTC nêu trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 5 Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC nêu rõ: “Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước...”.
Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư số 153/2013/TT-BTC thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Theo thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội, từ 01 đến 05/01 trên địa bàn đã xử lý 84 trường hợp vi phạm giao thông.
Cụ thể; tạm giữ 04 ô tô, 80 xe máy và xe máy điện. Trong đó, mức phạt cao nhất vi phạm nồng độ cồn đối với ô tô là: 35 triệu, tước GPLX 23 tháng và tạm giữ xe đến 7 ngày đối với 04 trường hợp ô tô nói trên. Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phạt 7 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng và tạm giữ xe đến 7 ngày.