Tiền hết, tình cũng "đi tong"

Lam Phong,
Chia sẻ

Trước khi về Tùng lại “đá” thêm câu: “Anh tưởng em với anh còn khó khăn gì chuyện tiền bạc nữa. Tiền em cũng là tiền anh chứ?”.

6 tháng Tùng thất nghiệp. Anh nằm dài ở nhà, thi thoảng mới vào trang tìm kiếm việc rồi lại thở dài ngao ngán: “Toàn công việc chẳng liên quan gì đến mình” khiến Ngân chán nản vô cùng.

Tùng học xây dựng ra, thiếu gì việc để làm. Bạn bè Ngân học ngành này, giờ đi công tác suốt, lương đầy túi lại còn được lĩnh thêm tiền phụ cấp này nọ... Còn Tùng thì vẫn y chang 1 năm trước khi ra trường. Nghĩa là anh vẫn ăn bám... người yêu (thay vì ăn bám mẹ).

Ngân và Tùng ở với nhau mà Tùng không có việc, Ngân tạm “nuôi” trong lúc chờ việc cũng được. Nhưng Tùng lại ở với anh trai, là anh trai ruột hẳn hoi. Anh Tùng làm thợ rèn mỹ nghệ, mỗi lần nhận tiền công trình cũng vài chục triệu. Thi thoảng rảnh rỗi, Tùng cũng phụ anh việc này, việc kia.

Vậy mà Ngân chẳng hiểu, đến 1 xu anh trai cũng không đưa cho Tùng để anh chi tiêu hàng ngày thay vì “ngửa tay" xin cô. Khi thắc mắc về chuyện giữa hai anh em thì Tùng tỏ ra khó chịu: “Anh ấy nuôi anh nhiều rồi, giờ không thể xin mãi được!?”. Ngân "chết đứng". Vậy còn Ngân, 6 tháng nay cô “nuôi” Tùng chưa đủ nhiều sao?

Rồi cũng đến ngày Ngân tưởng được thảnh thơi khi Tùng thông báo anh đã xin được việc và phải đi miền Trung công tác 3 tháng. Trong 3 tháng đó, Ngân dự tính sẽ cố gắng gom góp gửi về cho bố mẹ hoặc mua sắm chút ít cho bản thân. Vì từ trước tới giờ, tiền của cô phải gánh cho hai người chi tiêu nên Ngân chẳng dành dụm được gì.

Nhưng nào ngờ... Tùng về. Anh cầm 10 triệu tiền lương anh tiêu hết veo trong 3 ngày, chủ yếu là chi cho những cuộc nhậu nhẹt với bạn bè. Ngân nói thì anh gạt đi: “Bạn bè mấy khi gặp nhau mà em dè xẻn. Anh hết tiền thì mượn tạm tiền em cũng được chứ sao”. Và Tùng lại mượn thật.

Tiền hết, tình cũng
Cô biết tình yêu của cô dành cho anh sắp “chết” rồi! (Ảnh minh họa).

11 giờ đêm, Tùng gõ cửa ầm ĩ, vực Ngân dậy: “Em đi rút tiền, cho anh mượn đóng tiền nhà. Anh không thích sáng mai chủ nhà sang đòi tiền”. 

Mặc Ngân phản đối, Tùng ép cô phải đi rút tiền bằng được. Vừa cầm tiền trên tay, Tùng giật ngay biên lai, giọng mỉa mai: “Chà, còn nhiều tiền thế này cơ mà. Anh mượn có hơn 1 triệu mà em đã tiếc à?”. Trước khi về anh lại “đá” thêm câu: “Anh tưởng em với anh còn khó khăn gì chuyện tiền bạc nữa. Tiền em cũng là tiền anh chứ!?”. Ngân chỉ biết im lặng, cô biết tình yêu của cô dành cho anh sắp “chết” rồi. 

Không chỉ dừng lại đó, Tùng tuyên bố anh đã cho đứa em họ mượn xe nên từ giờ anh sẽ đi xe cùng cô. Đều đặn như vắt chanh, mỗi sáng Ngân đưa Tùng tiền xăng xe, thậm chí tiền ăn sáng, ăn trưa cô cũng phải chi cho cả hai. Vậy mà hễ khi nào Ngân nói đang kẹt tiền, Tùng tỏ vẻ khó chịu ngay: “Giờ anh không có mới nhờ mà em đã tỏ thái độ vậy rồi. Em có yêu anh không đấy?”.

Đang mệt mỏi thì bố Ngân gọi điện mẹ bị ốm cần gấp 3 triệu đi bệnh viện. Trong người lại không còn tiền, không thể chịu đựng thêm nữa, Ngân hét lên: “Anh tưởng tôi là cái kho của anh chắc. Anh xem, từ hồi đi làm đến giờ anh đưa tôi được đồng nào chưa mà tôi phải cung phụng anh. Tôi chán lắm rồi. Tốt nhất là chia tay đi, coi như tôi ngu nên mất tiền cho anh”.

Thấy Ngân nói vậy Tùng cũng không vừa: “Cô tưởng nuôi tôi vài tháng mà thành mẹ tôi à? Không có cô, tôi cũng chả thiếu gì người lăn vào để được chiều tôi nhé”. Rồi Tùng “thả” giọng thăm dò: “Như cô nói nhé, coi như tình phí, sau này đừng tìm tôi rồi đòi tiền”. Nói xong Tùng lặn mất tăm.

Còn Ngân thì ngỡ ngàng đến đau đớn. Cô không thể ngờ, thậm chí chưa bao giờ dám nghĩ Tùng lại biến thành kẻ trục lợi như thế. Cô đã tự biến mình thành ô sin, thành cây ATM cho Tùng và giờ phải nhận cái giá quá đắt.

Nhưng... thà mất tiền, mất tình còn hơn mất cả cuộc đời vào một người như Tùng. Ngân cay đắng nhận ra một khi tiền đã hết thì tình cũng "đi tong" thôi...



Chia sẻ