Tiệc tùng cuối năm chớ ép rượu đồng nghiệp, coi chừng tiền mất tật mang!

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Không chỉ có thể bị phạt vì hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia, người sử dụng có thể bị xử phạt về vi phạm nồng độ cồn khi bị CSGT kiểm tra.

Thời điểm cuối năm, nhiều cơ quan tổ chức, doanh nghiệp thường có những buổi họp mặt, tổng kết cuối năm và việc sử dụng rượu bia là điều gần như không thể tránh khỏi. Tuy nhiên cũng từ những "cuộc nhậu" cuối năm như vậy đã xuất hiện không ít các hành vi ép buộc người khác uống rượu, dẫn đến nhiều sự việc, tai nạn, sự cố đang tiếc đã xảy ra, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của nhiều người.

Tiệc tùng cuối năm chớ ép rượu đồng nghiệp, coi chừng tiền mất tật mang!- Ảnh 1.

Dù chưa biết thực hư nhưng nội dung của tấm biển ngay sau khi được đăng tải trên MXH đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về việc "mời" rượu trong các buổi tiệc nói chung.

Góc nhìn pháp lý

Không chỉ trong dịp cuối năm tình trạng sử dụng rượu bia mới tăng cao mà kể cả trong cuộc sống thường nhật, tỷ lệ người sử dụng rượu, bia cũng rất cao. Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều bia nhất thế giới. Thế nhưng những hệ luỵ từ việc sử dụng những đồ uống có cồn vẫn thường xuyên xảy ra, thậm chí còn vi phạm pháp luật.

Vậy, hành vi sử dụng rượu, bia cũng như ép buộc người khác sử dụng được quy định như thế nào về mặt pháp luật.

Pháp luật hiện hành tuy không cấm sử dụng rượu, bia trong cuộc sống, tuy nhiên có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng rượu bia.

Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi; trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

...

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia thì hành vi "ép buộc người khác uống rượu, bia" là hành vi bị cấm.

Bên cạnh đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP được ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế bao gồm quy định chế tài để điều chỉnh cho từng trường hợp cụ thể đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu bia.

Theo đó, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP). Trường hợp tổ chức vi phạm, tổ chức đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 30, khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Tuy nhiên, độ tuổi sử dụng rượu, bia đang dần trẻ hoá, thậm chí có lứa tuổi trẻ vị thành niên.

Về vấn đề này, hiện các văn bản trên chỉ quy định chế tài xử phạt đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia mà không quy định xử phạt hành vi ép buộc người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

Trường hợp bên ép buộc có hành vi ép buộc người đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia thì cả bên ép buộc lẫn bên bị ép buộc uống rượu, bia đều có thể bị xử phạt.

Tiệc tùng cuối năm chớ ép rượu đồng nghiệp, coi chừng tiền mất tật mang!- Ảnh 2.

Những ngày cuối năm, các tổ chức, doanh nghiệp,... thường tổ chức tiệc tất niên nên việc sử dụng rượu bia là khó tránh khỏi. Ảnh minh hoạ.

Những buổi tiệc cuối năm cũng không mất đi niềm vui nếu thiếu rượu bia. Chính vì vậy, mọi người cần nhìn nhận và ý thức tham gia tiệc, uống rượu bia một cách văn minh và đúng đắn, tránh các hệ lụy không đáng có.  

Tiền mất tật mang 

Ngoài có thể bị xử phạt về hành vi xúi giục, ép người khác sử dụng rượu bia, người sử dụng rượu bia còn có thể bị xử phạt về vi phạm nồng độ cồn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia. 

Các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân chính là do rượu, bia gây ra. Khi đã uống rượu bia, tài xế không chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ… dẫn đến gây tai nạn. Chính vì vậy, trong thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, kiên quyết xử lý nồng độ cồn được thực hiện nghiêm ngặt. 

Chính vì vậy, khi đã xác định tiệc tùng, rượu bia vào những ngày cuối năm hãy cố gắng không trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông, thay vào đó có thể sử dụng các hình thức di chuyển như: taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe ôm,… Để sau mỗi buổi tiệc vui vẫn là sức khỏe, tính mạng, đừng để rượu bia gây nên những hậu quả không thể vãn hồi.

Chia sẻ