Thường xuyên buồn bã vu vơ khi đi làm? Chị em công sở đừng lo vì đã có 8 bí kíp "sạc pin" tinh thần này
Tâm trạng tốt thì làm việc mới hiệu quả, một đồng nghiệp vui vẻ thì sẽ được mọi người xung quanh yêu mến.
Công việc áp lực và mệt mỏi có thể khiến chị em “tụt mood” và chán nản cả ngày. Tuy nhiên, hãy cố gắng làm phấn chấn tinh thần, đừng mang bộ mặt ỉu xìu đó lên công ty. 8 bí quyết dưới đây sẽ giúp chị em lấy lại tinh thần và trở thành người vui vẻ, lạc quan. Tâm trạng tốt thì làm việc mới hiệu quả, một đồng nghiệp vui vẻ thì sẽ được mọi người xung quanh yêu mến.
Tự khiến mình vui vẻ
Những người tự kỷ không thể tự mình mang lại niềm vui, nó cũng giống với việc nếu không tự chủ động khiến mình vui vẻ thì lâu dần chị em sẽ bị “buồn trầm trọng”, không thể khắc phục. Ngay khi cảm thấy bản thân mệt mỏi và chán nản, đừng ngại ngần mà đứng dậy đi ra ngoài, hít thở bầu không khí trong lành sẽ khiến tâm trạng tốt lên.
Chị em sẽ thấy phấn chấn hơn rất nhiều khi được ăn món ăn mình thích, vừa bổ sung năng lượng vừa khiến bản thân vui vẻ. Đừng cố gắng chịu đựng mà hãy đứng dậy và tìm kiếm ngay niềm vui khi cảm thấy mệt mỏi.
Không quên những điều mình yêu thích
Có thể chị em đang phải làm một công việc không mấy hứng thú khiến chị em muốn từ bỏ công việc này ngay lập tức. Tuy nhiên, đừng vội vàng quyết định một chuyện quan trọng khi đang bực dọc, mệt mỏi. Hãy suy nghĩ tới những điều mình yêu thích. Ví dụ, chị em thích công việc làm bánh.
Sau giờ tan làm hãy thực hiện ngay công việc yêu thích của mình, đây giống như một phần thưởng cho ngày dài mệt mỏi, thưởng thức món bánh mình làm và mọi áp lực sẽ tan biến hết. Được làm điều mình yêu thích là việc tuyệt vời nhất, dù mệt mỏi thế nào thì năng lượng cũng sẽ được nạp đầy khi làm điều đó.
Không ngừng học hỏi, đổi mới bản thân
Lặp đi lặp lại một công việc mỗi ngày sẽ khiến chị em cảm thấy nhàm chán, không thú vị. Đừng khiến cho cuộc sống trở nên buồn tẻ và hoạt động như cỗ máy, hãy sáng tạo để khiến công việc thú vị hơn.
Học hỏi thêm nhiều lĩnh vực mới và áp dụng vào công việc hiện tại, không những sẽ thu được kết quả tốt hơn, mới mẻ hơn mà chính bản thân chị em cũng cảm thấy yêu thích công việc này. Có thay đổi, có phát triển mới khiến bản thân muốn cố gắng. Và chẳng ai muốn cố gắng làm điều gì khi mệt mỏi và chán nản cả.
Chủ động khai thác thông tin
Bị lỡ mất cơ hội làm chị em buồn chán và than phiền rằng không ai cung cấp cho mình những thông tin về cơ hội đó. Chị em hãy tỉnh táo và xác định lại rằng, những cơ hội phải là tự mình nắm lấy. Luôn phải chủ động tìm kiếm và khai thác thông tin, đừng thụ động chờ đợi thông tin từ sếp hoặc đồng nghiệp.
Trong công ty, việc cạnh tranh là điều đương nhiên, vì vậy đừng chờ đợi việc đồng nghiệp sẽ tận tình cung cấp cơ hội cho mình. Nếu có thể, hãy mời sếp đi ăn 1 tuần 1 lần, cập nhật những thông tin, cơ hội mới để chắc rằng mình không bỏ lỡ điều gì.
Đừng than phiền rằng không được đánh giá tốt
Chắc chắn, không ít lần chị em phải bực mình vì những gì sếp đánh giá. Chị em cho rằng mình đã làm tốt nhưng lại bị sếp chê trách và phê bình. Điều nên làm lúc này không phải cứ u sầu nghĩ về những đánh giá mà hãy cố gắng làm tốt hơn. Ghi nhớ những đánh giá không tốt của sếp và thử cố gắng thay đổi cách thực hiện.
Nếu sau khi thay đổi mà chị em vẫn bị chê trách thì hãy tự đánh giá bản thân xem mình đã làm tốt chưa. Nhờ tới sự giúp đỡ của đồng nghiệp và khách hàng xem đã hài lòng với cách làm việc và phục vụ của mình chưa. Nếu mọi người đều đánh giá tốt thì đừng ngại ngần mà hãy trò chuyện thẳng thắn với sếp để sếp đánh giá lại năng lực của mình.
Đừng ngại việc kết bạn
Công việc sẽ bớt áp lực hơn nếu chị em có những đồng nghiệp tốt ở bên cạnh. “Thêm bạn thì bớt thù”, đừng ngại ngần mà không kết bạn. Có nhiều bạn bè trong công ty giúp công việc chị em trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Nếu giờ làm việc quá căng thẳng thì hãy rủ bạn bè nghỉ giải lao vài phút để cùng nhâm nhi cốc cà phê và tán gẫu. Những câu chuyện vui đùa sẽ xua tan mệt mỏi trong phút chốc.
Tránh xa những thứ không vui vẻ
Nếu muốn có một tâm trạng vui vẻ thì chị em nên tránh những tiêu cực. Khi bị sếp khiển trách, thay vì động viên thì một số đồng nghiệp lại cố tình nói những lời tiêu cực khiến chị em càng thêm chán nản. Khi gặp trường hợp này tốt nhất chị em nên tránh xa, những điều làm mình khó chịu thì mình không cần thiết phải ngồi đó lắng nghe. Mạnh dạn đứng dậy và phản đối lại những điều tiêu cực đồng nghiệp đang nói, đừng để những lời nói ác ý khiến bản thân chùn bước và nản chí.
Hãy bỏ việc nếu đã cố gắng thực hiện những điều trên vẫn không vui vẻ
Nếu đã cố gắng thực hiện 7 điều trên mà vui vẻ vẫn không tìm tới chị em thì tốt nhất nên bỏ công việc đó. Khi này, vấn đề nằm ở sếp và công ty đó chứ không phải chị em. Đừng cố gắng chịu đựng và trói buộc bản thân vào một công ty không tốt, giải thoát cho mình và tìm kiếm sự vui vẻ ở một nơi khác, biết từ bỏ những thứ không tốt thì những thứ tốt hơn mới có thể tới với mình. Hãy coi đây là một quyết định sáng suốt và vui vẻ thực hiện nó.