Thưởng thức bánh canh cua Huế rất lạ tại Sài Gòn

Bài và ảnh: Mèo Điên,
Chia sẻ

Bánh canh cua thì khắp Sài Gòn chỗ nào cũng có, nhưng bánh canh cua kiểu Huế thì không phải ở đâu cũng bán.

Bánh canh là một món ăn quen thuộc tại Sài Gòn, với món bánh này, người ta dư sức chế biến ra hàng chục cách thưởng thức khác nhau. Như tên gọi, món ăn này xuất xứ từ Huế - kinh đô xưa của Việt Nam. Nhưng theo một số người gốc Huế thì điều này cũng chưa chắc, có thể để tăng thêm sức hấp dẫn nên người ta mới gán thêm tên địa danh Huế vào món ăn này.
 
Chính vì như thế nên dù cũng mang tên là bánh canh nhưng món ăn này lại khác hoàn toàn so với các loại bánh canh cùng tên.
 
Tô bánh canh gây ấn tượng với thực khách ngay khi xuất hiện.

Một tô bánh canh cua thập cẩm.

Chỉ cần khoấy nhẹ là "các loại thịt" sẽ nổi lên.

Ngay khi tô bánh canh Huế được bưng ra, bạn sẽ thấy ngay điều khác biệt ở phần nước lèo. Chúng sền sệt chứ không hề lỏng như các loại bánh canh khác. Ngay cả cọng bánh canh cũng có nhiều điểm khác, chúng nhìn trong và dai hơn cọng bánh canh bình thường.
 
Và quan trọng là chúng chỉ được nấu khi có khách kêu món chứ không nấu sẵn như bánh canh thường (được đóng thành từng bánh lớn bán theo kg ở chợ). Chỉ với một viên bột đã được nhồi sẵn, khi khách kêu, đầu bếp sẽ lấy viên bột này ra, cán dẹp và thái sợi, sau đó đem trụng nước sôi để tạo thành cọng bánh canh. Cuối cùng mới đến phần nước dùng được nấu riêng.
 

Phần bánh canh khi nhìn cận cảnh rất khác so với các loại bánh canh bình thường.

Sợi bánh to, trong hơn và tiết diện cắt ngang là hình chữ nhật chứ không phải hình tròn.

Một tô bánh canh kiểu Huế đúng "chuẩn"  là sợi bánh phải dai, đẹp, cắt vừa vặn,
 không dài quá cũng không ngắn quá và vừa chín tới.
 
Có lẽ vì cách nấu hơi cầu kỳ và tốn thời gian nên đa số đều chọn bánh canh có sẵn để bán. Thường, ở Sài Gòn bánh canh cua là món phổ biến nhất và bánh canh Huế cũng thế. Với món ăn quen thuộc này, nước dùng sẽ được người bán dùng màu thực phẩm nhuộm đỏ (màu như màu nước bò kho), trong khi đó nước dùng của bánh canh cua Huế hoàn toàn là màu trắng, chỉ khi mang ra cho khách đầu bếp mới rưới thêm một chút màu hạt điều (màu đỏ) lên bên trên cho khách.
 
Chả cây cũng là một nguyên liệu quen thuộc của món ăn này.

Tôm lột vỏ.

Và cua, cua ở quán là cua tươi, ăn rất ngon và cảm nhận được
 rõ ràng phần thịt ngọt của cua.
 
Ngoài chiếc càng cua trang trí lớn, phần thịt cua còn lại cũng là
 phần yêu thích của nhiều thực khách.
 
Đặc biệt, nước dùng của món bánh canh cua Huế rất đặc, cọng bánh canh và nước dùng gần như "dính" vào nhau không rời tạo cho thực khách một vị rất lạ khi thưởng thức. Theo nhiều người thì một tô "bánh canh Huế" có đúng và ngon hay không là do phần này, nếu bột làm bánh được nhồi kỹ, sợi bánh được cắt vừa vặn, chín vừa tới thì khi ăn thực khách mới thấy không ngán và ngon miệng.

Bánh nậm...

Nước mắm...

Và bánh bột lọc đã không còn như xưa

Tại Sài Gòn, hơi khó để có thể tìm được một quán nấu đúng món bánh canh này. Nhưng nếu muốn, cũng không phải là không thể. Ngay gần ngã tư Nguyễn Thông - Kỳ Đồng có một quán bán món bánh canh cua kiểu Huế, không những vậy, quán này còn là một quán bán tất cả các loại món ăn theo đặc trưng của cố đô Huế.
 
Trước đây, các món bánh nậm, bánh bột lọc hay các loại bánh tương tự tại đây đều khá ngon. Tuy nhiên, theo cảm nhận của riêng người viết thì dạo gần đây chất lượng các món bánh này tại đây đã không còn được như xưa. Nhưng khách vẫn đông vì phần lớn đến đây là để thưởng thức món bánh canh cua Huế.
 
Thêm một điều nữa, đây cũng là một trong những địa chỉ có món bún bò Huế ngon ở Sài Gòn mà nhiều thực khách truyền tai nhau.
Chia sẻ