"Thương Nhớ Ở Ai" kết thúc, khán giả đọng lại điều gì?

MINH QUÂN,
Chia sẻ

Sau 34 tập phim về số phận những người phụ nữ. Phim truyền hình "Thương Nhớ Ở Ai" để lại nhiều ấn tượng, cả xấu lẫn tốt.

Vậy là cuối cùng thì Thương Nhớ Ở Ai đã kết thúc sau 34 tập phim dài đằng đẵng những bi ai khổ đau của từng nhân vật. Với nội dung trải dài trong quãng thời gian trên 25 năm, Thương Nhớ Ở Ai giống như một lát cắt ngang của lịch sử, kể về những năm tháng truân chuyên mà cực nhọc dưới lớp tư tưởng phong kiến nặng nề của những con người sinh ra và lớn lên ở làng Đông. Vậy sau khi Thương Nhớ Ở Ai đã kết thúc, liệu khán giả còn nhớ đến những gì thuộc về bộ phim? Ngoài nội dung khá nặng cùng âm thanh, hình ảnh, còn có những ồn ào không đáng.

1. Những lùm xùm không liên quan đến nội dung phim.

Thương Nhớ Ở Ai kết thúc, khán giả đọng lại điều gì? - Ảnh 1.

Ngay ở những tập đầu tiên, Thương Nhớ Ở Ai đã gây ấn tượng bởi sự tái hiện chân thực về lối sống và cách ăn mặc của con người Việt Nam thời kỳ 1955-1975. Thời kỳ đó, áo yếm vẫn là một trang phục phổ biến nhất đối với phụ nữ và có chức năng giống với đồ lót bây giờ. Việc đạo diễn quyết định cho các diễn viên nữ mặc áo yếm mà không hề có "phương án hỗ trợ" nào bên trong như miếng dán ngực khiến cho bộ phim gặp phải phản ứng đến từ phía khán giả.

Nhất là với một bộ phim thuộc đề tài nông thôn xưa, có thành phần người xem chủ yếu thuộc thế hệ lớn tuổi thì việc các diễn viên nữ "thả rông" vòng một như thế khó được số đông chấp thuận. Ngoài ra nếu không được xử lý khéo thì cũng dễ gây phản cảm cho người xem. Đứng trước những phản hồi này của khán giả. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh và dàn diễn viên vẫn lên tiếng bảo vệ lập trường của mình rằng họ chỉ tôn trọng lịch sử: "Ngày xưa các cụ mặc như nào thì mình mặc như thế".

Thương Nhớ Ở Ai kết thúc, khán giả đọng lại điều gì? - Ảnh 2.

Tệ hơn, nếu như những ngày đầu công chiếu của Thương Nhớ Ở Ai dính phải lùm xùm nội y thì những tập cuối của phim lại gây sự chú ý bởi những lời qua tiếng lại giữa 2 nữ diễn viên chính của phim là Trà My và Ngọc Anh trong vai 2 mẹ con Hạnh - Nhân.

Sau khi tập phim thứ 31 kết thúc, nữ diễn viên Trà My đã lên facebook tiết lộ hậu trường cảnh Nhân tát Hạnh ở trong tập này. Cụ thể, trước khi quay hình, đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói với Ngọc Anh rằng đây là "cơ hội hiếm có để cô ra tay nếu có bất cứ cái gì bức xúc với Trà My". Bản thân Trà My cũng khẳng định mối quan hệ giữa cả hai cũng không mấy hoà hảo. Vì lý do này nên theo người đẹp , cô đã phải hứng chịu hai cái tát rất đau từ bạn diễn. Do bức xúc và tủi thân, Trà My đã vung tay tát trả Ngọc Anh.

Thương Nhớ Ở Ai kết thúc, khán giả đọng lại điều gì? - Ảnh 3.

Sự việc tưởng chừng đã kết thúc khi Trà My gửi lời xin lỗi đến Ngọc Anh thì bất ngờ, Ngọc Anh lên tiếng tố Trà My đã xúc phạm cô. Theo Ngọc Anh, ngay khi đạo diễn vừa hô "cắt" để kết thúc cảnh này, Trà My không chỉ tát vào mặt cô mà còn dùng những từ ngữ vô cùng nặng nề. Không chỉ tiết lộ về thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp của Trà My, Ngọc Anh còn thẳng thừng đánh giá bạn diễn là "người láo và vô văn hóa".

2. Hình ảnh và âm nhạc xuất sắc.

Thương Nhớ Ở Ai tuy lấy bối cảnh làng quê nông thôn, không phải là bom tấn hành động, viễn tưởng nhưng được VFC đầu tư 2000 cảnh kỹ xảo (con số kỷ lục của VFC) để đảm bảo cho khán giả những cảm xúc chân thực nhất về bối cảnh làng quê Bắc Bộ thời xưa.

Thương Nhớ Ở Ai kết thúc, khán giả đọng lại điều gì? - Ảnh 4.

Ngoài ra, sự chỉn chu, cầu kỳ trong từng góc máy của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng giúp cho tính thẩm mỹ của phim nâng cao lên rất nhiều. Qua đoạn trailer và những hình ảnh đã công bố, có thể thấy sự nhuần nhị, cổ kính nhưng rất đỗi duyên dáng và cuốn hút của làng quê Bắc Bộ trong giai đoạn 1955 trở đi được tái hiện một cách công phu và tương đối chỉn chu.

Thương Nhớ Ở Ai kết thúc, khán giả đọng lại điều gì? - Ảnh 5.

Vốn tự nhận mình là một người "độc tài", tuy nhiên trong dự án Thương Nhớ Ở Ai lần này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã nhờ VFC tìm một người cộng sự giỏi. Nhân vật tài năng này chính là đạo diễn Bùi Thọ Thịnh. Sự hợp lực của hai cái tên lớn ở VFC lần này đã tạo ra một dự án rất tiềm năng.

Chính Bùi Thọ Thịnh đã mời nhạc sỹ Nguyễn Quang Hưng (từng làm nhạc phim "Ma làng","Gió làng Kình") đảm nhận và tạo ra sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc dân tộc (ca trù, hát chèo, hát xẩm...) và âm nhạc phương Tây trong phim. Có thể nói, nếu như Thương Nhớ Ở Ai có điểm gì thành công nhất thì đó chính là ca khúc Trầu Không chủ đạo của cả bộ phim.

MV Trầu Không do Hồng Duyên thể hiện

3. Nội dung và diễn xuất gây tiếc nuối.

Thương Nhớ Ở Ai vẽ ra bối cảnh một làng quê nông thôn đầy bế tắc. Những người đứng đầu lãnh đạo nhân dân thì quá bảo thủ và cực đoan. Trong khi quần chúng thì quá đắm chìm trong những hủ tục và tư tưởng cổ hủ từ đời trước truyền lại. Những nhân vật chính của phim bị mắc kẹt lại trong cái vòng luẩn quẩn của tư tưởng phong kiến, ngày qua ngày chống chọi với miệng đời và những sức mạnh vô hình của một tập thể quá cổ hủ, quá lạc hậu và sẵn sàng vùi dập bất kể những ai hạnh phúc hơn mình.

Thương Nhớ Ở Ai kết thúc, khán giả đọng lại điều gì? - Ảnh 6.

Tuy nhiên, đạo diễn lại tỏ ra khá bối rối trong việc xây dựng nhân vật. Nhiều nhân vật có vẻ đa chiều nhưng thực ra lại là sự ghép đôi của 2 cá tính mâu thuẫn và chẳng ăn nhập gì với nhau, tạo thành một tổng thể khó hiểu, cảm giác lỏng lẻo. Có nhân vật thì lại quá cực đoan, bị đạo diễn cố ép phải ác bằng được, tạo cảm giác gượng gạo. Bao trùm quanh đó là những thói giao tiếp, suy nghĩ, hành động khá phản cảm nhưng đạo diễn lại gọi đó là "cái đáng yêu theo kiểu nhà quê" như sự ngồi lê đôi mách của những bà goá, những câu đùa thô thiển vô duyên lặp đi lặp lại với một ý nghĩa như nhau.

Bên cạnh những thói xấu được khắc hoạ thiếu rõ ràng, những nét đẹp của làng quê như tục trao vòng, sự tích cổ, giai thoại dân gian lại được đưa vào một cách không khéo léo, thiếu ăn nhập với mạch truyện. Khán giả sẽ thắc mắc tại sao những người lãng mạn như Đột bị cho là lập dị, dở hơi cũng như tại sao dân làng vẫn tôn thờ những giai thoại, truyền thống đậm chất trữ tình như vậy?

Câu chuyện của những nhân vật trong phim cũng quá khuôn mẫu và dễ đoán. Đây là lần làm lại thứ 2 từ nguyên tác Bến Không Chồng của nhà văn Dương Hướng nhưng đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẫn chưa tìm ra được cách vượt ra khỏi tiểu thuyết gốc. 34 tập phim chỉ đơn giản là liệt kê lại những nổi khổ điển hình về cuộc sống của người dân thời kỳ đó một cách khuôn phép, máy móc.

Nhân vật nào vừa được giới thiệu là khán giả đã đoán ra được kết cục và kiểu câu chuyện của nhân vật đó. Những lời thoại, hình ảnh mang tính siêu thực, ẩn dụ thì trở nên lạc lõng trong tuyến chuyện và thích hợp với phim điện ảnh hơn là truyền hình. Ngoài ra, bộ phim cũng gây tranh cãi bởi diễn xuất của các diễn viên.

Thương Nhớ Ở Ai kết thúc, khán giả đọng lại điều gì? - Ảnh 7.

Tự nhận mình là người "cảm tính", đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ rằng mình chỉ chọn theo tiêu chỉ hợp vai chứ không phải là kinh nghiệm hay năng lực diễn xuất. Cách làm này của ông đã thất bại rõ ràng trong Hoa Cỏ May phần 3.

Đến với Thương Nhớ Ở Ai, thành phần diễn viên của phim lại gây tranh cãi với những gương mặt mới và ít nghiệm thủ vai chính. Nhiều khán giả cho rằng dàn diễn viên trẻ của phim rất hợp vai và tạo được thiện cảm nhưng cũng có nhiều người phàn nàn rằng tuy về ngoại hình có hợp vai thật nhưng diễn xuất của phim quá cứng và nghiệp dư. Đặc biệt là 3 diễn viên Lâm Vissay, Trà My và Ngọc Anh. Phần lồng tiếng lệch khẩu hình của nhân vật cũng khiến cho nhiều khán giả phải phàn nàn khó chịu.

Dù sao cũng phải công nhận Thương Nhớ Ở Ai là một phim có vẻ ngoài và sự đầu tư đáng nể, nội dung cũng thuộc dạng lạ, hấp dẫn. Thế nhưng xuyên suốt bộ phim là một không khí nặng nề, không có gì đổi mới so với nguyên tác cũng như bản phim cũ, khiến cho khán giả trẻ khó tiếp nhận.

Chia sẻ