Thuê… đẻ - Chuyện lý và tình!

Theo PLXH,
Chia sẻ

Và không ít trong số vợ chồng hiếm muộn đang tìm đến giải pháp nhờ người thân, chị em ruột mang thai hộ hoặc thuê đẻ như một giải pháp để tìm kiếm cơ hội có con.

Rất vô tình tôi quen hai cặp vợ chồng mà người vợ không may mắc bệnh không thể có con. Họ đã nhờ người mang thai hộ và đón con về nuôi. Nhìn họ rạng ngời hạnh phúc bên đứa trẻ, chắc hẳn ai cũng quên bẵng chuyện “lý hay tình”, “nhân văn hay thương mại” trong việc nhờ… đẻ - một vấn đề chưa được pháp luật cho phép này.

Câu chuyện có thật

Công tác tại một tờ báo có tiếng với thu nhập hàng tháng cũng kha khá, nhưng sau gần chục năm làm nghề, vợ chồng Hùng vẫn chỉ thuê căn hộ chưa đầy 20m2 làm nơi sinh sống. 5 năm sau kết hôn, cũng là từng ấy thời gian Hùng làm được đồng nào đều dành để chạy chữa cho vợ đến khi bác sĩ bảo nội tiết cơ thể của Hương – vợ Hùng không thể mang thai được. Từng vượt qua rào cản của gia đình để đến với nhau nên hơn ai hết Hùng hiểu, anh chỉ hạnh phúc khi có Hương. Đau khổ, chán chường nhưng vợ chồng Hùng không tuyệt vọng, bởi họ vẫn còn chút an ủi với sự tiến bộ của khoa học hiện tại, hai người vẫn có thể có đứa con mang huyết thống của mình - nếu có người giúp vợ Hùng mang thai (vì họ đều có khả năng làm bố, làm mẹ). 

Nhưng chuyện này đúng là khó hơn “mò kim đáy biển”  bởi tìm đâu ra “dịch vụ” này? Hai vợ chồng bàn bạc và đưa ra “nguyên tắc” bất di bất dịch là cả hai vợ chồng không ai được gặp gỡ, biết mặt của người mang thai hộ và ngược lại, để đảm bảo những “bất trắc” sau này, nếu Hùng và cô gái kia nghĩ đến bố, “mẹ” của con mình mà “qua lại” với nhau. Vợ chồng Hùng cũng quyết định bí mật hoàn toàn với tất cả mọi người thân quen, kể cả gia đình, bởi họ biết nếu nói ra sẽ không ai chấp nhận chuyện này, mà sẽ động viên họ nhận một đứa con nuôi. Đồng cảm và thương em, người chị họ làm bác sĩ phụ sản đã nhận lời giúp Hùng, và chị cũng là người duy nhất làm “cầu nối” giữa hai vợ chồng với người họ thuê đẻ. 



Thông qua một người bạn, chị tìm cho vợ chồng Hùng một cô gái khỏe mạnh nhưng gia cảnh nghèo khó, đã quá lứa lỡ thì ở Hưng Yên, đặt vấn đề mang thai hộ. Số tiền “đặt cọc” phải đưa ngay cho cô gái là 70 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng Hùng đi đăng ký làm thụ tinh nhân tạo, và làm các xét nghiệm để tiến hành lấy tinh trùng và trứng để thụ thai. Mấy tháng sau, họ đậu phôi và phôi này được cấy cho cô gái mang thai hộ, sau khi được xét nghiệm cẩn thận để đảm bảo sức khỏe tốt.

Người chị thuê cho cô gái một phòng trọ nhỏ ở ngoại thành để tiện dưỡng thai và qua lại thăm nom. Hàng tháng, ngoài số tiền ăn 2 triệu đồng, tiền nhà trọ, cô gái được thăm khám và bồi dưỡng đúng tiêu chuẩn “bà bầu”, theo hướng dẫn của người chị. May mắn đã mỉm cười với vợ chồng Hùng khi gần chín tháng, cô gái trở dạ và sinh bé gái 3,2 kg khỏe mạnh, trông giống Hùng như đúc. Để chắc ăn, vợ chồng Hùng đã quyết định giám định AND và kết quả cho thấy đứa trẻ mang huyết thống của cả hai vợ chồng – mặc dù không được “mẹ” Hương sinh ra. Hai ngày sau sinh, cô gái được bác sĩ cho về, đồng thời vợ chồng Hùng đón con về nuôi, thanh lý “hợp đồng” với tổng các chi phí gần 200 triệu đồng.

Khi biết câu chuyện trên, chúng tôi đều cảm thông và chia vui với niềm hạnh phúc ngỡ như rất đương nhiên ấy với đồng nghiệp. Đến nay, bé Bông đã được hai tháng tuổi, Hương vẫn đang nghỉ chế độ thai sản theo qui định để chăm sóc con (họ báo cáo với cơ quan là xin nhận con nuôi). Tuy nhiên, họ nuôi con khá vất vả vì cháu bé không được bú sữa mẹ… 

Băn khoăn…

Thực tế, số lượng các cặp vợ chồng hiếm muộn và không có khả năng làm bố, làm mẹ không nhỏ và dường như đang có xu hướng gia tăng. Và không ít trong số họ đang tìm đến giải pháp nhờ người thân, chị em ruột mang thai hộ hoặc thuê đẻ như một giải pháp để tìm kiếm cơ hội có con. Nhưng theo quy chuẩn đạo đức truyền thống của người Việt, thì việc này cũng trái với truyền thống đạo đức. 

(Ảnh minh họa.)

Việc mang nặng đẻ đau vốn vẫn được trân trọng từ xưa đến nay và về tâm sinh lý thì trong chín tháng mang thai, người mẹ (dù mang thai hộ) vẫn có một sợi dây tình cảm với đứa trẻ. Đó là những điều thiêng liêng của tình mẫu tử mà không gì “mua bán” được. Bởi vậy, việc đẻ thuê, hay mang thai hộ vẫn là câu chuyện cần bàn cãi, có nên cho phép hay không?

Có thể khẳng định, trước những hoàn cảnh éo le như trên mà việc mang thai hộ là hành vi thương mại, với mục đích kiếm tiền thì không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với những trường hợp mang thai hộ để giúp đỡ các cặp vợ chồng hiếm muộn có con, hoàn toàn không mang tính thương mại thì nên được nhìn nhận một cách cảm thông và nhân văn hơn. Chắc chắn, xã hội sẽ chấp nhận được một người em gái mang thai hộ chị do chị không thể mang thai. Vấn đề là pháp luật cần có những qui định rất cụ thể về quyền lợi của người mẹ “mang huyết thống” và người mẹ “nuôi thai” với đứa trẻ, cũng như những ràng buộc cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho đứa “con chung” này. Hay qui định việc mang thai hộ phải xuất phát là một hành động tự nguyện, nhân đạo, không vì mục đích kinh tế…

Trên thực tế, dù pháp luật cấm, nhưng vẫn có những “đường dây” đẻ thuê ngầm hình thành và tồn tại. Chính vì hoạt động “chui” nên có không ít chuyện dở khóc dở cười như người mang thai hộ không đảm bảo sức khỏe, sinh xong lại “sinh sự” không muốn trả con dù đã nhận tiền… và phần thiệt vẫn luôn là các cặp vợ chồng hiếm muộn. Bởi vậy, cùng với việc nhìn nhận nhân văn hơn về việc mang thai hộ, pháp luật phải qui định rạch ròi được đâu là “đẻ thuê” và “đẻ giúp” để hạn chế các đối tượng lợi dụng sự bất hạnh của các cặp vợ chồng để kiếm tiền. 

Ở một số nước, việc “đẻ thuê” được coi là hợp pháp và có hành lang pháp lý cụ thể. Còn ở Việt Nam, việc này chưa được thừa nhận và đang là bài toán cần có lời giải sớm của các cơ quan chức năng!
Chia sẻ