Thực phẩm ô nhiễm: “Thủ phạm” chính gây bệnh tả!

,
Chia sẻ

Theo TS. Nguyễn Trần Hiển, PGS. Đại học Y Hà Nội, Viện trưởng Viện VSDT Trung ương cho biết: "Thủ phạm chính” là thực phẩm ô nhiễm và chưa có kết luận chính thức về thịt chó.

- Mới đây những xét nghiệm của Viện VSDTTƯ cho thấy thịt chó bị ô nhiễm với vi khuẩn tả, xin ông nói rõ thêm về vấn đề này?

TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ - Ảnh: Tuấn Hải
Ông Nguyễn Trần Hiển: - Qua điều tra giám sát nguyên nhân bùng phát bệnh tả trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi phát hiện 3 trong 4 cơ sở giết mổ chó ở quận Hà Đông bị ô nhiễm vi khuẩn tả. 30% các mẫu xét nghiệm tại 3 cơ sở giết mổ đó dương tính với vi khuẩn tả lấy từ bề mặt ngoài da chó đã mổ, bề mặt sàn cạnh chuồng chó, tăm bông ngoáy hậu môn chó sống, nước thải sau khi rửa thịt chó, nước đựng trong chậu dùng để rửa thịt chó, các dụng cụ làm chó và mặt bàn bán thịt chó. Hiện nay chúng tôi còn đang điều tra tiếp tục về nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm này.

- Tuần vừa rồi ông đã vào tận Thanh Hóa – nguồn cung cấp chó cho các cơ sở ở Hà Nội, chuyến đi đó có phát hiện gì mới không, thưa ông?

- Chúng tôi đang trong quá trình điều tra xem nguồn gốc chó nhập về Thanh Hóa là từ đâu. Thứ hai là tình hình mang vi khuẩn tả ở chó như thế nào, có hay không và ở mức độ nào. Chuyến đi Thanh Hóa vừa rồi là bước khảo sát thực địa để phát triển tốt hơn nghiên cứu của chúng tôi. Bây giờ đang trong quá trình điều tra nghiên cứu nên chưa thể kết luận một cách chắc chắn.

-Tại khu vực Thanh Hóa, tình hình dịch tả diễn biến như thế nào?

- Ở Thanh Hóa, số ca mắc cũng không cao, chủ yếu liên quan đến các bữa ăn đông người như ăn cỗ, một số có liên quan đến ăn thịt chó. Bởi vậy, chúng tôi khuyến cáo cộng đồng quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong lúc chế biến thức ăn vì nguyên tắc của phẩy khuẩn tả cũng như các bệnh về đường tiêu hóa khác là lây truyền qua con đường phân, nước tới thực phẩm trong bất kì khâu nào của chế biến. Không chỉ thịt chó mà tất cả các loại thực phẩm đều có thể bị nhiễm bẩn.

Quy trình chế biến thực phẩm phải một chiều, riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; bảo đảm vệ sinh đồ dùng, vật dụng sạch sẽ. Thịt chó chín, đã nấu rồi để nguội, vẫn dương tính với tả, do để lẫn thịt chín rồi với thịt còn sống hoặc dùng chung dao thớt bát đĩa với thực phẩm sống trong quá trình chế biến.

-Như vậy nguy cơ nhiễm tả không chỉ đến với những bữa ăn hàng phố, vỉa hè, mà còn có thể vào các bếp ăn từng gia đình?

- Nếu không thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc thì vẫn có nguy cơ. Tốt nhất là nấu chín vì vi khuẩn tả sẽ chết khi bị nấu chín, nhưng vẫn phải dè chừng các thực phẩm khác đi kèm, ví dụ như rau sống, hoặc là các đồ dùng vật dụng của mình bị nhiễm. Rau sống là thứ rất đáng lo ngại vì có thể bị tưới bằng nguồn nước bị nhiễm khuẩn, bằng phân, thậm chí là phân tươi. Còn thời điểm này, về nguồn gốc vi khuẩn tả ở thịt chó, chúng tôi vẫn còn đang nghiên cứu.

- Độ nguy hiểm của bệnh tả so với những bệnh tiêu chảy bình thường hoặc tiêu chảy cấp?

- Bệnh tả do độc tố của vi khuẩn tả gây nên, nó gây ra hội chứng mất nước rất nặng, nếu không can thiệp kịp thời thì tử vong rất nhanh. Bệnh nhân đi tiêu chảy liên tục, nhiều lần, phân toàn nước, nước phân đục như nước vo gạo. Số lần tiêu chảy và số lượng nước mất thay đổi tùy từng trường hợp nặng nhẹ khác nhau, có thể lên 40-50 lần/ngày mất 5-10 lít nước/ngày.

- Ngoài thịt chó, Viện có xét nghiệm các nguồn khác như rau sống… hay không?

- Đợt vừa rồi chúng tôi tập trung vào chó. Còn đợt trước chúng tôi đã phát hiện rau sống có mang nguồn tả. Nước bề mặt như nước sông, hồ, ao, kênh, mương,… ở nhiều nơi xung quanh bệnh nhân bị ô nhiễm vi khuẩn tả. Chứng tỏ bệnh nhân làm lây nhiễm ra nguồn nước bề mặt thông qua phân, thông qua chất thải của bệnh nhân. Từ đó sẽ làm ô nhiễm thực phẩm và nước sinh hoạt làm lan truyền bệnh tả.

- Xin ông cho biết nguy cơ của thịt chó với bệnh tả như thế nào?

- Qua điều tra một số cơ sở giết mổ thịt chó, chúng tôi thấy thịt chó và môi trường xung quanh tại điểm giết mổ bị ô nhiễm nặng. Nếu như không kiểm tra phát hiện được thì thịt chó được phân phối cho các nhà hàng thì khả năng lây truyền sẽ rất lớn.

Nhiều bệnh nhân tả có tiền sử ăn thịt chó. Sở Y tế Hà Nội làm là đúng, phải đóng cửa những nhà hàng không hợp vệ sinh, bị ô nhiễm vi khuẩn tả. Nên cảnh giác với thịt chó vì các điều tra của chúng tôi, nhiều trường hợp bệnh tả có liên quan đến ăn thịt chó. Cần phải thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh trong quá trình giết mổ, chế biến thức phẩm. Ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm trước hết là của nhà hàng để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu.

- Cho đến thời điểm này, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn rất nhức nhối. Ông có đề xuất gì để giảm thiểu hiện tượng mất vệ sinh ở các cơ sở kinh doanh thực phẩm?

- Cục VSATTP Bộ Y tế phải tăng cường kiểm tra những quy định về tiêu chuẩn của các cơ sở giết mổ, cung cấp, chế biến thực phẩm, cửa hàng ăn, về cơ sở vật chất, quy trình chế biến, đội ngũ nấu ăn…

Ngoài ra, phải kể đến vai trò của UBND các cấp ở địa phương (phường, xã) trong việc quản lý VSATTP những nhà hàng đóng trên địa bàn của họ. Phải nâng cao vai trò của UBND các cấp, của MTTQ, của ban ngành, của người dân và cộng đồng. Mỗi người phải có ý thức thì mới giảm thiểu được hiện tượng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Tuấn Hải
Vietnamnet
Chia sẻ