Người dân "mặc kệ" với dịch tiêu chảy cấp

,
Chia sẻ

Liên tiếp các ca tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả lan rộng tại các tỉnh thành. Tuy nhiên, ghi nhận của nhóm PV Y tết cho thấy, người dân rất chủ quan trước dịch bệnh này.

Tuần qua, trong khi Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ xác nhận thêm 6 trường hợp tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả tại Hải Dương (2), Ninh Bình (2), Quảng Ninh (1) và Bắc Ninh (1), trong số 72 trường hợp tiêu chảy cấp ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình. Tại TP HCM, người dân rất chủ quan vì cho rằng bệnh dịch chỉ có thể bùng phát và lây lan ở miền Bắc.

Hà Nội: Vẫn giết mổ chó gần điểm cấm

Từ ngày 16/5, tất cả các hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ trên địa bàn xã Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội đều bị cấm. Ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu phong tỏa tất cả các ngả đường vào xã, tổ chức phun định kỳ cloramin B 2 - 3 lần một tuần, trong 5 tuần liên tiếp. “Quận Hà Đông, huyện Từ Liêm và Sở Y tế Hà Nội phải phối hợp để xử lý những cửa hàng vẫn kinh doanh giết mổ thịt chó gần ổ dịch”, ông Bình yêu cầu. Ông Bình cho biết thêm, việc triển khai tuyên truyền làm chưa mạnh, đã báo cáo phát 3.000 tờ rơi cho học sinh nhưng khi đi kiểm tra nhiều gia đình không có.

Trước đó, ngày 13/5, Sở Y tế Hà Nội thông báo phát hiện phẩy khuẩn tả trong thịt chó tại 2 thôn Ỷ La và La Dương, xã Dương Nội, Hà Đông. Ngày 14/5, Trung tâm Y tế Hà Đông kiểm tra lại 30 hộ giết mổ kinh doanh thịt chó trên địa bàn xã, kết quả 100% các hộ đều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đoàn công tác đã đình chỉ hoạt động của 30 hộ này.

BS Nguyễn Thu Ngọc Diệp, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng - Vệ sinh an toàn thực phẩm (Viện Vệ sinh y tế công cộng) khuyến cáo, ngoài việc ăn uống và giữ gìn vệ sinh, bà con sống ở vùng nông thôn chưa có hố xí nên cẩn thận nguồn nước vì đây là môi trường dễ phát sinh và lây bệnh rất nhanh. Khi bị tiêu chảy thì đến cơ sở y tế ngay, không được tự mua thuốc uống.

Sáng 16/5, đoàn công tác do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình dẫn đầu đi kiểm tra tại xã Dương Nội, tất cả các cơ sở trên địa bàn xã đều đóng cửa, không kinh doanh. Thế nhưng, chỉ cách xã Dương Nội hơn 100m, thuộc xã Tây Mỗ, Từ Liêm người dân vẫn thản nhiên giết mổ và bán thịt chó ngay tại vỉa hè.

Khi được hỏi, cả hai hộ kinh doanh cho rằng đây là chó nhà nuôi, người khác đưa đến nhờ giết mổ hộ với giá 30.000 đồng/ con. “Đây là chó nhà chứ không đi mua. Người ta có giỗ nên mới nhờ mình làm thịt, chứ có kinh doanh gì đâu”, chị Huyền - 1 trong 2 chủ cửa hàng bán thịt chó cho biết.

Tại xã Phú Lương, quận Hà Đông, nơi có 38 bệnh nhân tiêu chảy cấp đã tạm thời cấm tất cả các cửa hàng thức ăn đường phố.

TP HCM: Người dân chủ quan

Trong khi dịch tiêu chảy cấp đang lan rộng ở phía Bắc, tình trạng thả nổi quản lý chế biến và kinh doanh thịt chó, người dân “miễn dịch” với cảnh báo, vẫn vô tư ăn thịt chó, mắm tôm... đang tạo nên sự  lo ngại trong phòng chống dịch.

Số liệu thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy tại thành phố từ đầu năm đến nay cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở  đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị y tế dự phòng tích cực giám sát nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm đường phố... Đặc biệt, sau khi Hà Nội công bố phát hiện phẩy khuẩn tả trong các mẫu thịt chó, Sở Y tế TPHCM yêu cầu phải tích cực giám sát thực phẩm này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thịt chó đang bị thả nổi.

Qua thống kê, riêng quận Tân Bình hiện có 37 quán thịt chó, 6 cơ sở giết mổ và 6 hộ kinh doanh. Thế nhưng, cơ quan thú y không biết nguồn gốc thịt chó ở đâu và cũng không nắm được số lượng giết mổ mỗi ngày. Chính quyền địa phương cũng không kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các quán thịt chó.

Trong lúc đó, các ngày giữa tháng 5, tại khoa tiêu hóa của một số bệnh viện (BV ) ở TP HCM rất đông bệnh nhân mắc tiêu chảy. BS Trần Tịnh Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, mỗi ngày, trung bình bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 30 -  40 ca tiêu chảy mới đến điều trị.

Tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện  Nhi đồng 2, nhiều bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang vì các buồng bệnh quá tải. Theo các bác sĩ tại đây, riêng các ngày 15 và 16/5 có gần 100 bệnh nhi được điều trị nội trú, trong đó có nhiều trẻ bị mắc tiêu chảy cấp cư ngụ tại TP HCM.

Tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ mắc tiêu chảy đang được điều trị cũng tăng lên đáng kể, trong đó nhiều bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về. Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng liên tục tiếp nhận bệnh nhân tiêu chảy là người lớn trong mấy ngày qua, có ngày lên tới 30 bệnh nhân.

Chăm sóc bệnh nhân tiêu chảy cấp tại Viện Lâm sàng và các bệnh nhiệt đới. (Ảnh:Ngọc Thắng)

Thanh Hoá: Dịch bùng phát

Chiều 16/5, Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hoá cho biết: Tại xã Quảng Lợi, Quảng Xương, có 7 trường hợp mắc tiêu chảy, tất cả đều liên quan đến  ăn cỗ cưới. Các bệnh nhân đã được điều trị tích cực và lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.

Trước đó, tính đến chiều 15/5, tại Thanh Hóa dịch tiêu chảy cấp đã lan ra 6 huyện, thị, thành phố với 13 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả (chưa kể 10 bệnh nhân ở Hậu Lộc và 7 bệnh nhân ở Quảng Xương chưa có kết quả xét nghiệm). Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hoá cùng các ngành liên quan đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp cấp bách để khống chế, khoanh vùng dập dịch...

Ngày 13/5, Viện vệ sinh dịch tễ TƯ đã phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng Thanh Hoá về xã Thành Lộc, Hậu Lộc để giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn chó tại đây. Được biết, đây là địa bàn có gần 40 hộ chuyên kinh doanh chó, cung ứng chó sống cho toàn miền Bắc. Hầu hết số chó này được nhập về từ Thái Lan, Lào. Trong những ngày qua, tại xã Thành Lộc đã có 10 người mắc tiêu chảy, trong đó có 2 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.

Nóng ẩm - mầm bệnh phát triển nhanh

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế Nguyễn Huy Nga, dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả đang có xu hướng lan rộng và nguy cơ bùng phát rất lớn. Thực hiện Công điện số  732/ CĐ – TTg ngày 14/5 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, Cục đã chỉ đạo các địa phương điều tra, giám sát và xử lý triệt để các ổ dịch, tuyên truyền cho người dân các biện pháp  phòng, chống bệnh.

Cũng theo TS Nga, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, dễ sinh ngập lụt là điều kiện để mầm bệnh phát triển và phát tán ra môi trường. Hơn nữa, sự giao lưu qua lại giữa các vùng cũng làm tăng nguy cơ phát tán bệnh. Để chủ động phòng chống dịch, Cục Y tế dự phòng tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt 4 khuyến cáo phòng chống bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả tại cộng đồng. Trong vùng có dịch, các gia đình không nên tổ chức ăn uống đông người. Thực hiện “ăn chín, uống sôi”; không sử dụng thịt chó, rau sống, thức ăn tươi sống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.

Theo Nhóm PV Y tế
Giadinh.net
Chia sẻ