Thực phẩm nên và không nên dùng để ngừa ung thư
Đối với bệnh ung thư, một số thực phẩm sẽ kích thích các khối u ác tính phát triển nhanh, ngược lại một số loại thức ăn lại giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
Có trên 200 loại ung thư khác nhau. Ung thư là nguyên nhân gây chết người thứ hai sau tim mạch. Ở giai đoạn muộn, ung thư lan rộng, di căn gây tử vong. Nhưng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị đúng phương pháp, hầu hết các bệnh ung thư có thể chữa trị và nhiều bệnh có thể chữa lành.
Những thực phẩm có lợi
Có rất nhiều. Đứng đầu là những thực phẩm giàu vitamin, chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, gạo lứt, bánh mỳ đen...
Chất xơ đẩy nhanh các phần thức ăn chưa được tiêu hóa hết, giảm thời gian tiếp xúc của cơ thể với các chất độc hại, có thể gắn vào các sợi xơ, qua đường ruột và thải ra ngoài cơ thể mà không bị lưu lại trong ruột. Rất nhiều loại vitamin có tác dụng giảm nguy cơ ung thư như B2, PP, A, C và E.
Các loại rau quả giàu vitamin giúp giảm nguy cơ ung thư.
Những thực phẩm cần tránh
Đứng đầu danh sách những thực phẩm càng tránh xa càng tốt chính là các sản phẩm thịt chế biến sẵn như thịt hộp, thịt xông khói, xúc xích... Ước tính, mỗi ngày ăn 30g thực phẩm trên thì nguy cơ bị ung thư dạ dày tăng 15-38%.
Các chất bảo quản, các nitrat và một số chất độc hại sinh ra trong quá trình chế biến - tác nhân gây ung thư hàng đầu là nguyên nhân chính khiến thực phẩm này cần bị tẩy chay.
Đứng thứ hai chính là thực phẩm có hàm lượng chất béo cao như mỡ, thức ăn chiên rán. Không được dùng dầu mỡ đã dùng để chế biến thức ăn, đồng thời hạn chế ăn thực phẩm chiên, nướng... vì ở nhiệt độ cao thực phẩm này sản sinh ra chất benzopyrene gây ung thư.
Ngoài ra, ăn nhiều chất béo sẽ dẫn đến béo phì mà béo phì làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, túi mật, thận, ruột già và ung thư vú đến 55% ở phụ nữ và 33% ở nam giới.
Cuối cùng, cần hạn chế các chất kích thích như ớt cay, hồ tiêu..., ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, không ăn thức ăn bị mốc vì dễ gây ung thư gan - đây đều là các tác nhân gây ung thư, nhất là ung thư thực quản và dạ dày.
Hạn chế đồ ăn chiên nướng để phòng ung thư.
Xây dựng chế độ ăn hợp lý, khoa học
Để phòng bệnh ung thư, chúng ta cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học như:
Ăn uống cân bằng và đa dạng: Bữa ăn cần có đủ các nhóm thực phẩm, trong đó thực phẩm có nguồn gốc thực vật đóng vai trò chính yếu. Chất béo chỉ chiếm 20%.
Ăn uống điều độ, không ăn no, chỉ ăn khi cảm thấy đói, trong một tuần tiến hành 1-2 ngày ăn nhẹ.
Giảm muối: Lượng muối đưa vào cơ thể mỗi ngày không nên vượt quá 6g, tốt nhất là kết hợp với gia vị trong các món rau quả.
Tránh đồ ăn có ghi hạn bảo quản lâu.
Hạn chế dùng thức ăn nhanh (ít rau, nhiều chất béo) vì đây cũng là nguy cơ gây nên ung thư, nhất là ung thư đại trực tràng, dạ dày.
Hạn chế thực phẩm nhuộm màu, nhất là thức ăn nhuộm màu bằng hóa chất, không chỉ gây ngộ độc mà có thể gây ung thư.
Hạn chế uống rượu có nồng độ cồn cao, uống rượu kết hợp hút thuốc lá. Không uống quá 2-3 cốc cà phê mỗi ngày.
Không chế biến thức ăn dùng trong nhiều ngày, không ăn thức ăn để lâu trong tủ lạnh.
Không nên tăng cân quá nhiều nhưng cũng không nên để cơ thể quá gầy ốm.
Uống nhiều nước vì có thể làm giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang.
Tập thể dục, thể thao đều đặn mỗi ngày.