Thực phẩm không phải là nguyên nhân gây nóng, ăn uống cân bằng mới là "chìa khóa" cho những bữa ăn vui vẻ
Cũng chính vì quan điểm khác nhau về thực phẩm, đôi khi lại bất đồng về cách ăn uống mà không khí bữa ăn trong gia đình không mấy vui vẻ, mọi người cùng ăn nhưng không thoải mái.
Ăn uống rõ ràng là việc không thể thiếu trong cuộc sống, thậm chí với nhiều người, đó còn là niềm vui. Thế nhưng, có người lại luôn lo lắng "ăn món này món kia nóng lắm, cần hạn chế", để rồi niềm vui ăn uống cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Không những hạn chế bản thân, nhiều người còn luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình về vấn đề này, vì vậy cũng dẫn đến những quan niệm khác nhau trong việc lựa chọn thực phẩm. Cũng chính vì quan điểm khác nhau về thực phẩm, đôi khi lại bất đồng về cách ăn uống mà không khí bữa ăn trong gia đình không mấy vui vẻ, mọi người cùng ăn nhưng không thoải mái. Ví dụ gần gũi nhất là tranh cãi xung quanh việc: có nên kiêng khem, không ăn các món được cho là nóng hay không?
Thực tế, tính nóng hay tính mát của thực phẩm không phải là nguyên nhân ảnh hưởng cho sức khỏe mà nhiều người lầm tưởng. Chia sẻ trong livestream "Thực phẩm có phải là nguyên nhân gây nóng", cả PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú đều đồng ý rằng, biết kết hợp thực phẩm đa dạng và ăn uống cân bằng mới là thứ đem lại cho bạn những bữa ăn vừa vui vẻ lại có lợi cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Biết kết hợp thực phẩm để có những bữa ăn vui vẻ
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ, món ăn có tính nóng nhưng không có nghĩa ăn vào sẽ bị nóng. Mà việc cơ thể nóng hay mát phụ thuộc nhiều vào cơ địa mỗi người. Người có thể nhiệt nên lựa chọn và ăn thực phẩm có tính mát sẽ tốt hơn và ngược lại. Vì vậy, về mặt dinh dưỡng, chúng ta nên ăn quân bình, đa dạng thực phẩm, như trong cách chúng ta chế biến, kết hợp thành món ăn. Ví dụ các thực phẩm nóng như cá có thể kho cùng với thịt để cân bằng, hoặc như các món rau có tính hàn khi xào nấu cùng các loại gia vị, dầu mỡ có tính nhiệt cũng sẽ tạo món ăn ngon mà không lo bị nóng do dầu ăn, gia vị mang lại.
Ngoài ra, theo BS Nguyễn Thị Lâm, về mặt đa dạng thực phẩm, chúng ta nên chọn lựa thực phẩm có thể ăn trọn vẹn toàn bộ, ví dụ như có thể ăn cả lá, thân, rễ, hoa... của thực phẩm đó thì càng tốt.
Còn về mặt tâm lý, chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú chia sẻ, một bữa ăn đa dạng với nhiều màu sắc, khẩu vị sẽ làm cho chúng ta thấy thoải mái, vui vẻ và thú vị hơn khi ăn. Nếu cứ lo sợ thực phẩm nóng mà chỉ ăn những món được cho là có tính mát như rau củ để "an toàn" thì có thể khiến cho bữa ăn trở nên nhàm chán. Hơn nữa ăn món ăn khiến cho mình lo lắng, chẳng hạn như "ăn món này nóng lắm không nên ăn" thì khi ăn chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái, không tận hưởng được món ăn.
Ăn uống cân bằng - chìa khóa quan trọng cho mọi bữa ăn
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết, thực phẩm không phải là nguyên nhân gây nóng, mà nóng trong người có thể đến từ thói quen dinh dưỡng không hợp lý, không cân bằng như là ăn đơn điệu, không đa dạng, không thay đổi trong cách chế biến. Ngoài ra, có những người uống bia rượu nhiều, uống cà phê nhiều caffeine hoặc đồ ngọt... sau đó cũng có thể khiến cơ thể nóng lên mà không biết. Có những người lại quá lạm dụng các loại thực phẩm chức năng hoặc phải dùng thuốc điều trị bệnh... cũng có thể làm thay đổi chuyển hóa trong cơ thể và làm cho nóng trong người. Trong trường hợp phải dùng thuốc thì nên có những chế độ ăn uống phù hợp với bệnh của mình để giữ được sự cân bằng trong cơ thể.
Thực phẩm có phải là nguyên nhân gây nóng
BS Lâm cũng cũng chia sẻ thêm, về mặt dinh dưỡng, chúng ta không nên kiêng khem những món hay thực phẩm có tính nóng mà nên ăn uống cân bằng giữa các nhóm thực phẩm với nhau. Nếu kiêng thì cơ thể chúng ta sẽ thiếu chất dinh dưỡng, ví dụ kiêng thịt sẽ khiến cơ thể thiếu đạm, chất tạo máu axit folic có nhiều trong thịt...
Điển hình trong lầm tưởng của nhiều người hiện nay, là món ăn được dán nhãn "có tính nóng" phổ biến nhất là món mì ăn liền. theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, chúng ta không nên "kì thị" món mì ăn liền quá như vậy, bởi lẽ quan trọng nhất là nên ăn uống cân bằng, có sự kết hợp đa dạng nhóm thực phẩm khi ăn. Nếu ăn mì ăn liền có thể thêm hành tây, rau, trứng vào để được một món ăn cân bằng dinh dưỡng cả về chất bột đường, chất xơ, protein...
Bổ sung về vấn đề kiêng khem quá mức trong ăn uống, chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú cho rằng, quan điểm, định kiến về ăn uống đôi khi khiến cho bữa ăn trở nên mất vui. Ví dụ như trong bữa cơm gia đình, cứ khi chuẩn bị ăn món này món kia là lại có người nhắc nhở "món đấy nóng lắm, ăn ít thôi", điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý ăn uống, không những khiến bữa ăn không vui vẻ mà cảm giác ngon miệng cũng không còn. Hay như có nhiều gia đình không cho con cái ăn những món như gà rán, xúc xích... vì nghĩ rằng những món đó nóng, không tốt cho sức khỏe. Kết quả là khi ở môi trường cộng đồng như lớp học, trẻ khó hòa đồng với các bạn vì không dám ăn những món các bạn ăn.
Chuyên gia Anh Tú cũng cho rằng, mọi người nên thay đổi tư duy, thực phẩm không phải là nguyên nhân cốt yếu gây ra cái nóng, mà chúng ta cần phải tìm hiểu rõ, và có cái nhìn đúng về thực phẩm, để bữa cơm trong gia đình thoải mái, vui vẻ hơn.
Vậy nên, 2 chữ "cân bằng" bao gồm trong cuộc sống nói chung và cân bằng trong ăn uống nói riêng chính là kim chỉ nam để mọi người có thể duy trì một cuộc sống lạc quan, vui vẻ, yêu đời.