Thức khuya hại trí nhớ, dạ dày, tim mạch

,
Chia sẻ

Do công việc hay thói quen sinh hoạt, nhiều người thường xuyên thức khuya. Theo nhiều nghiên cứu, thức khuya có tác động rất xấu đến sức khoẻ lẫn tinh thần của bạn.

Làm hại trí nhớ, dạ dày, tim mạch...

Quy luật tự nhiên ngày và đêm buộc cơ thể phải thích nghi và có những điều chỉnh sinh học phù hợp. Buổi tối là thời gian dành cho việc đi ngủ, cơ thể nghỉ ngơi và tái sinh, đảo lộn quy luật này sẽ dẫn đến nhiều thứ bệnh.

Nếu thiếu ngủ thường xuyên sẽ dẫn đến buồn rầu, ủ rũ, mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm xuống. Ngày hôm sau bạn đến cơ quan, đầu óc luôn căng thẳng, không tập trung được trí nhớ, những cơn đau đầu cũng sẽ hành hạ bạn. Ít ngủ có thể gây tăng huyết áp bởi nó khiến các nơron thần kinh luôn ở trong tình trạng hưng phấn, tác động ngược lại cơ thể, bao gồm cả tim và các mạch máu.

Xem ảnh lớn

Thức khuya làm việc đêm không tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Người thức khuya thường hay ăn đêm, do cơ thể trong trạng thái tĩnh nên lượng mỡ không được giải phóng, dễ bị béo phì. Ăn vào ban đêm, không những khó ngủ mà sáng hôm sau ăn cũng không ngon miệng, gây mất cân bằng dinh dưỡng. Ăn đêm ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Vì ban ngày, cơ thể hoạt động, thần kinh giao cảm sẽ giúp cho dạ dày co bóp mạnh, hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Trong khi đêm đến là lúc cơ thể được nghỉ ngơi, mức độ co bóp của dạ dày giảm đi rõ rệt, việc tái sinh tế bào niêm mạc dạ dày không diễn ra một cách thuận lợi. Ăn đêm khiến thức ăn ứ lại trong thời gian dài, dạ dày phải làm việc nhiều sẽ kích thích niêm mạc dễ dẫn đến viêm loét.

Thức khuya khiến nguy cơ mắc bệnh tim cao. Bởi đêm là lúc nhịp tim hạ, mạch máu chậm, cơ thể phù hợp cho trạng thái nghỉ ngơi. Ngoài ra, thiếu ngủ làm mạch máu luôn ở trong trạng thái căng thẳng, không cung cấp đủ máu cho tai giữa, ảnh hưởng rất lớn đến thính giác, nếu thiếu ngủ triền miên có thể bị điếc tai.

Da xấu và nguy cơ ung thư vú cao

Quy luật sinh học của cơ thể cho thấy, thời gian từ 10h đến 11h đêm là thời gian tốt nhất để dưỡng da. Thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn sự tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất, khiến da bị khô, sạm, không có sức đàn hồi, nhợt nhạt, thiếu sinh khí, đôi khi sần sùi và nổi mụn, mắt quầng thâm. Phải làm việc khuya trong điều kiện thiếu ánh sáng tự nhiên còn làm cho đôi mắt mệt mỏi, thị lực giảm một cách nhanh chóng.

Phụ nữ thức khuya, đặc biệt là làm việc hay sinh hoạt dưới ánh đèn có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 3 lần so với những người đi ngủ đúng giờ. Nguyên nhân là do ánh sáng của đèn đã ngăn cản cơ thể phụ nữ sản xuất ra chất melatonin - một nội tiết tố tự nhiên được sản sinh khi ngủ trong bóng tối, thường là từ 11h đêm đến 4h sáng. Chất melatonin là một trong những nhân tố chủ yếu giúp chống lại sự tấn công của bệnh ung thư vú.

Nên ngủ đúng giờ giấc

Không tôn trọng đồng hồ sinh học sẽ làm cơ thể mất cân bằng, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.  Từ 0h đến 1h sáng, là lúc cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục sau một ngày tiêu hao năng lượng. Đây là thời gian quyết định xem ngày hôm sau, bạn thức dậy cơ thể có sảng khoái hay không. Do vậy, bạn nên đi ngủ trước đó khoảng 2 tiếng, để vào thời gian này thì đã chìm vào giấc ngủ sâu. Với trẻ em, bạn cần phải cho đi ngủ sớm hơn, bởi thời gian sinh trưởng của trẻ tốt nhất là từ 8h đến 10h đêm.

Từ 1h đêm đến 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Nếu bạn rút ngắn hoặc có thể bỏ qua giai đoạn này, cơ thể của bạn sẽ suy sụp một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà bạn thường xuyên phải thức khuya, việc ăn uống và cách thức ngủ cần phải tuân thủ theo nguyên tắc. Về ăn uống, bạn không nên ăn mặn vì nhiều muối sẽ không tốt cho da. Để không  ăn quá nhiều, bạn nên chia nhỏ các bữa vào buổi tối. Nên ăn các đồ ăn dễ tiêu hoá, ít chất béo, giàu vitamin B. Bạn không nên sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu hay thuốc lá để thức khuya, vì các chất này dễ làm tổn hại cho hoạt động của hệ thần kinh, gây căng thẳng, mệt mỏi. Cách tốt nhất là bạn nên uống nhiều nước. Nước sẽ giúp thải chất độc cơ thể, tránh hiện tượng khô mắt. Bạn có thể sử dụng nước lọc, hoặc nước hoa quả, tuy nhiên nên uống các nước hoa quả có ít đường.

Dù bạn thức khuya thì một giấc ngủ sâu sau đó cũng sẽ giúp cơ thể bạn hồi phục. Ngủ sâu làm cơ thể tiết nhiều hormone để cân bằng và nâng cao sức đề kháng. Bạn nên đảm bảo phải ngủ ít nhất 4 - 5 tiếng mỗi đêm. Bạn cũng không nên ngủ nướng nhiều vào sáng hôm sau, vì không khí buổi sáng rất tốt cho việc hồi phục sức khoẻ.

Các khảo sát cho thấy, thời gian ngủ thường giảm dần theo tuổi. Chẳng hạn, em bé sơ sinh ngủ khoảng 17h mỗi ngày; trẻ lớn hơn ngủ từ 9 – 10h mỗi đêm; người trưởng thành ngủ 7 - 8h/đêm; còn người cao tuổi thường ngủ dưới 6h/đêm.

Theo BS. Lê Văn Chất
Giadinhnet
Chia sẻ